“Tư duy bom tấn” của Real

Nguyễn Đỉnh |

(Soha.vn) - Jose Mourinho đã nói đúng. Ở Bernabeu, kiếm tiền và làm chính trị lấn át tất cả vấn đề chuyên môn khác.

Zidane cũng chỉ là “con rối”?

Trong 3 mùa giải chơi cho Real Madrid, Ozil năm nào cũng dẫn đầu CLB về số kiến tạo thành bàn lẫn tổng số cơ hội tạo được. Chàng tiền vệ người Đức là một trong những lý do quan trọng vì sao Cristiano Ronaldo đều đặn mỗi năm ghi hơn 50 bàn ở tất cả các giải đấu. Trong mùa đầu tiên (2009/10) với Real, số bàn thắng của Ronaldo chỉ là 33, trước khi con số bứt lên hẳn 53 trong mùa đầu tiên mà Ronaldo và Ozil đá cùng nhau. Ozil cũng là người ủng hộ Ronaldo công khai nhất ở CLB.

Vì vậy sự ra đi của Ozil gây ngạc nhiên cho rất nhiều người ngoài cuộc. Nhưng trong cuộc lại là chuyện khác. Florentino Perez không muốn Ozil nhưng vẫn cho mua vì tiền vệ người Đức là yêu cầu mà Jose Mourinho đòi hỏi. Nay Mourinho đi rồi, Perez cũng chẳng cần Ozil làm gì. Xét cho cùng tân binh của Arsenal cũng đâu có gương mặt “marketing” như Bale hay Beckham?

 	Ozil gần như không có giá trí trong mắt Chủ tịch Perez

Ozil gần như không có giá trí trong mắt Chủ tịch Perez

Người đứng ra thực hiện vụ chuyển nhượng kỷ lục của Gareth Bale trên danh nghĩa tất nhiên là Zinedine Zidane, huyền thoại của CLB. Zidane hiển nhiên là biết nhìn người vì có con mắt của một danh thủ, nhưng vì sao Zidane lại để Mesut Ozil - một đôi chân ma thuật và một bản sao của chính Zizou - ra đi để đổi lấy Gareth Bale chưa biết sẽ đá ở đâu? Có lẽ Zidane cũng chỉ là con rối cho Florentino Perez không hơn không kém.

Vậy nếu cuối mùa giải, Real Madrid lại thất thu danh hiệu thì tội lỗi sẽ đổ lên đầu ai? Carlo Ancelotti, chắc chắn là như vậy. Cho dù Carletto chẳng làm gì trong việc đưa Bale đến hay đẩy Ozil đi.

Giờ thì chúng ta có thể tin rằng những gì Jose Mourinho nói về Real là đúng. Đây là một CLB mà chuyện chính trị lấn át chuyên môn, chủ bảo sao đầy tớ làm đấy. Florentino Perez vẫn chưa thay đổi so với 10 năm trước, khi Claude Makelele ra đi và kỷ nguyên vinh quang của Real chấm dứt.

Cần tiền, không cần Oscar

Ở Real Madrid bây giờ dường như đang tồn tại một cái gọi là “Tư duy bom tấn”.

Xin được phân tích về lịch sử Hollywood như sau: Khi bước vào thập kỷ 1960, các đạo diễn trẻ và thích nghi với xu thế “phản văn hóa” đang nổi lên trong lòng nước Mỹ đã thay thế cách làm phim cũ. Thế hệ mới trẻ hơn và dám đột phá hơn, do đó dù những bộ phim mà họ làm ra có kinh phí thấp hoặc trung bình nhưng bù lại chất lượng rất sâu sắc và trở thành những tác phẩm kinh điển, như The Godfather, Taxi Driver hay Apocalypse Now. Lịch sử gọi đây là trào lưu “Tân Hollywood”.

 	Tư duy của các nhà làm phim trong nhiều năm trở lại đây: Nhiều tiền quan trọng hơn hay

Tư duy của các nhà làm phim trong nhiều năm trở lại đây: Nhiều tiền quan trọng hơn hay

Thế nhưng ở nửa cuối thập kỷ 1970, trào lưu Tân Hollywood bị thay thế mạnh mẽ. Cánh đạo diễn mới tuy trình độ không bằng nhưng họ ngày càng nắm bắt được xu hướng câu khách. Khái niệm “High Concept” ra đời: Các bộ phim có chủ đề đánh vào nhu cầu giải trí thuần túy của đại đa số khán giả, ví dụ như khoa học viễn tưởng (Star Wars) hay phim về siêu anh hùng (Superman).

Những phim này được quảng cáo một cách rầm rộ với dàn diễn viên nổi tiếng để tạo hiệu ứng dư luận, và khi chính thức ra mắt, phim (cùng nhiều ấn phẩm liên quan) được phát hành đồng loạt tại nhiều rạp trên khắp nước Mỹ và ra toàn thế giới để tối đa hóa lợi nhuận (khác với thời Tân Hollywood khi phim được phát hành hạn chế và chỉ bắt đầu lan rộng nếu khán giả đón nhận phim một cách tích cực).

Những gì chúng ta thấy ngày nay của Hollywood chính là “Tư duy bom tấn” được khởi xướng để thay thế cho cách làm phim cũ tuy hay nhưng không làm ra được nhiều tiền. Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy rằng các bộ phim bom tấn có doanh thu trên 300 triệu USD trong những năm gần đây hiếm khi có tên trong danh sách đề cử Phim hay nhất.

 	Gareth Bale hay Ronaldo phải chăng cũng chỉ là công cụ kiếm tiền của Real?

Gareth Bale hay Ronaldo phải chăng cũng chỉ là công cụ kiếm tiền của Real?

Và đó cũng chính là tư duy làm ăn của Real Madrid hiện tại. Để tối đa hóa doanh thu, họ để cho sự kiện được PR mạnh mẽ trên truyền thông về một cầu thủ nào đó trước khi mua ngôi sao ấy với cái giá ngất trời, và lập tức những sự cuồng loạn do truyền thông tạo ra khiến các fan Real trên toàn cầu phải đổ xô đi mua áo đấu của Cristiano Ronaldo hay Gareth Bale. Rồi sau đó là rất nhiều khoản lợi khác thu về từ việc quảng cáo, bản quyền hình ảnh… Tất nhiên, chẳng mất quá nhiều thời gian để họ thu hồi vốn và ăn nên làm ra.

Vậy còn vấn đề danh hiệu? Có thể nói đùa một cách sâu cay rằng trong một năm, lễ ăn mừng lớn nhất mà các fan Real có được lại là ăn mừng một cầu thủ mới đến, chứ không phải ăn mừng danh hiệu.

Nhưng trớ trêu làm sao, cũng trong lễ ra mắt của Gareth Bale tại Bernabeu, trên vài góc khán đài, những CĐV lâu năm của Real đã liên tục hô vang tên Mesut Ozil. Điều đó chứng tỏ Ozil thu phục được lòng người ở Real như thế nào, nhất là với những CĐV hạng nặng, những người đam mệ nghệ thuật đích thực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại