Theo đó, năm 2023, Việt Nam có điểm trung bình tăng, đạt 54,48 điểm (năm 2022 là 53,96 và 2021 là 51,82 điểm).
Kết quả Báo cáo được mở rộng phạm vi xếp hạng với 193 quốc gia/vùng lãnh thổ. Theo đó so với toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181). Đây là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới.
Với kết quả đánh giá, Oxford Insights dựa trên 3 trụ cột gồm: Chính phủ, công nghệ và khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng. Trong đó, Chính phủ (quy định, chính sách, sẵn sàng thích ứng với thay đổi) đạt 69,04 điểm. Hai trụ cột còn lại gồm công nghệ (37,82 điểm) và khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng (56,58 điểm).
Cũng theo Báo cáo, năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ với những đột phá về AI cùng hành động trong quản trị và đạo đức AI, sự gia tăng của các hội nghị về AI trên toàn cầu đã khiến công nghệ này trở nên nổi bật.
Báo cáo phân chia 9 khu vực trên thế giới gồm Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Caribe, Tây Âu, Đông Âu, châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi, Nam và Trung Á, Đông Á và Thái Bình Dương. Đồng thời phân tích các ý kiến chuyên gia cho từng khu vực, trong đó mỗi khu vực được đánh giá tổng quan, mức độ sẵn sàng các chỉ số, các quốc gia tiêu điểm dẫn đầu cùng các định hướng tương lai.
Theo kết quả Báo cáo, Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với 84,80 điểm nhờ điểm cao ở cả ba trụ cột, trong đó vượt trội ở tốc độ phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Một trong những bước phát triển quan trọng nhất về mức độ sẵn sàng AI tại quốc gia này thể hiện ở chính sách AI, trong đó có việc công bố sắc lệnh về phát triển và sử dụng AI an toàn, bảo mật cùng các quy định rõ ràng tiêu chuẩn về AI của Tổng thống Joe Biden.
Xếp thứ hai thế giới và dẫn đầu khu vực Đông Á là Singapore (81,97 điểm), đồng thời Singapore cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu ở cả hai trụ cột Chính phủ (90,40) và dữ liệu và cơ sở hạ tầng (89,32). Điều này phản ánh điểm số về tầm nhìn của đất nước, thông qua chú trọng phát triển khung rủi ro về AI, thử nghiệm riêng chatbot hoạt động tương tự ChatGPT và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để nâng cao trải nghiệm người dùng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và bảo vệ dữ liệu.
Top 5 là các quốc gia khác trong nhóm Tây Âu gồm Anh (thứ ba, 78,57 điểm), Phần Lan (thứ 4, 77,37 điểm) và Canada (thứ 5, 77,07 điểm), phản ánh thực tế rằng Bắc Mỹ và Tây Âu là những khu vực có các quốc gia dẫn đầu chỉ số sẵn sàng AI trên toàn cầu.
Trong số này, Canada được đánh giá là một trong những quốc gia thích ứng nhanh với sự bùng nổ của xu hướng AI tạo sinh, thông qua việc ban hành các quy tắc trong phát triển và quản lý có trách nhiệm AI tạo sinh.
Trong bảng xếp hạng, khu vực Đông Á được quan tâm đặc biệt trong năm nay khi điểm số trung bình là 51,41, xếp thứ 4/9 khu vực được đánh giá, vượt qua Nam và Trung Á lẫn Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điểm xếp hạng giữa các quốc gia tại khu vực này có sự chênh lệch cao, ví dụ khoảng cách 52 điểm giữa Singapore (thứ nhất) và Timor-Leste (xếp thứ 17).
Tại Việt Nam, theo Bộ Khoa hoc và Công nghệ, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030".
Theo Quyết định số 127, chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0", góp phần phát triển kinh tế-xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Sau hơn hai năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI trong những năm qua đã được xã hội và thế giới ghi nhận.