Hợp đồng mua sắm vũ khí đáng chú ý nhất trong năm 2017 của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là thương vụ đặt mua 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và phiên bản chỉ huy T-90SK từ nhà sản xuất UralVagonZavod của Nga.
Được biết phía Nga đã cấp tín dụng cho Việt Nam để mua sắm vũ khí nước này chế tạo, thông tin trên do ông Aleksandr Mikheev - Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosoboronexport chia sẻ với hãng thông tấn Sputnik trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS 2017.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S Nga đang lắp ráp cho Iraq
Cùng đợt với Việt Nam, Nga còn thực hiện hợp đồng cung cấp 73 chiếc T-90S cho Quân đội Iraq. Mới đây trên kênh truyền hình Russia 24 đã xuất hiện hình ảnh đầu tiên của những chiếc T-90 đang được lắp ráp để bàn giao cho quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên vẫn chưa có thêm một thông tin nào liên quan đến tiến độ sản xuất T-90 của Việt Nam, có lẽ nhanh nhất phải đến giữa năm sau chúng ta mới nhận được chiếc MBT hiện đại này, còn trong năm 2017 thì nó chưa thể xuất hiện tại dải đất hình chữ S.
Máy bay tuần tra NC-212i Indonesia sản xuất cho Việt Nam bay thử nghiệm từ tháng 11/2017.
Trong khi Lục quân đã có sự đầu tư đáng kể thì Quân chủng Phòng không - Không quân vẫn khá trầm lắng. Mặc dù phía Nga đánh giá triển vọng Việt Nam sẽ tiến tới đặt hàng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 và tiêm kích đa năng thế hệ 4,5 Su-35S là rất cao, tuy nhiên mọi thứ vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.
Kể cả viễn cảnh xán lạn nhất là hợp đồng ký kết trong năm 2018 thì chắc chắn nhanh nhất cũng phải tới năm 2019 Việt Nam mới được tiếp nhận những phương tiện đầu tiên.
Theo Tập đoàn Airbus Defence & Space xác nhận thông qua bảng thống kê số lượng máy bay quân sự đặt hàng, chuyển giao và vận hành tính đến ngày 31/12/2015, Việt Nam đã đặt hàng một số máy bay vận tải - tuần thám biển NC-212i.
Những máy bay này sẽ được sản xuất tại Indonesia và giữa tháng 11 vừa qua, Nhà máy ở Bandung (Indonesia) đã công bố hình ảnh NC-212i của Việt Nam bay thử nghiệm, nhưng các máy bay vận tải - tuần thám biển này sẽ chưa được bàn giao trong năm 2017 mà phải sang đầu 2018 mới được tiến hành.
Tàu tên lửa Molniya 1241.8 M5 và M6 mang số hiệu 382, 383 trong Lễ thượng cờ
Trái ngược với Lục quân và Phòng không - Không quân, trong năm 2017 hạm đội tàu mặt nước của Việt Nam đã có sự bổ sung lực lượng rất đáng kể.
Vào ngày 9/10 tại căn cứ Vùng 2 Hải quân, lễ bàn giao, nhận và thượng cờ 2 tàu tên lửa Molniya 1241.8 M5 và M6 mang số hiệu 382, 383 đã được tiến hành. Đây là cặp Molniya cuối cùng trong tổng số 6 chiếc Việt Nam tự đóng trong nước theo giấy phép của Nga.
Sự bổ sung bộ đôi tàu tên lửa tấn công nhanh "Tia chớp" trên sẽ giúp gia tăng vượt bậc sức mạnh của Hải quân Việt Nam. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, có thể Việt Nam sẽ đóng tiếp 2 cặp Molniya nữa với cấu hình vũ khí mạnh hơn.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ ba của Hải quân Việt Nam đang được tàu vận tải Rolldock Star vận chuyển về cảng Cam Ranh
Chưa dừng lại đó, vào ngày 27/10, tàu vận tải siêu trường siêu trọng Rolldock Star của Hà Lan đã đưa tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ ba của Việt Nam từ cảng Novorossiysk bên bờ biển Đen về tới cảng Cam Ranh.
Chiếc chiến hạm này được Nhà máy đóng tàu Gorky của Zelenodolsk ký hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport để chế tạo theo đơn đặt hàng của Hải quân Việt Nam vào ngày 15/2/2013.
Hiện nay tàu Rolldock Star đang trong hành trình đưa nốt chiếc Gepard 3.9 còn lại về căn cứ. Với 4 chiếc Gepard 3.9, Hải quân Việt Nam đã có thể tự tin sánh vai các quốc gia trong khu vực.
Tàu CSB 8020 đã được làm lễ tiếp nhận vào hôm 16/12
Cuối cùng, chiều ngày 16/12 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vùng Cảnh sát biển 3 (Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam) đã tổ chức lễ tiếp nhận tàu tuần tra CSB 8020 vốn là chiếc USCGS Morgenthau số hiệu WHEC-722 thuộc lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ được chuyển giao cho Việt Nam theo chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa - EDA.
Hiện tại chiếc CSB 8020 chính là tàu tuần tra lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam, thậm chí cả trong khu vực Đông Nam Á, với lượng giãn nước 3.250 tấn, nó còn lớn hơn cả chiếc DN-2000 (2.500 tấn) và sẽ chỉ bị tụt hạng xuống thứ hai sau khi tàu DN-4000 mà CSBVN đã lên kế hoạch chính thức hoàn thành.
Trong năm 2018, khả năng cao là Việt Nam sẽ được nhận thêm 1 tàu tuần tra lớp Hamilton nữa từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ.
Xem video: Vùng 3 Cảnh sát biển tiếp nhận tàu tuần tra mới. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Vùng 3 Cảnh sát biển tiếp nhận tàu tuần tra mới