Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả đạt 373 triệu USD, giảm 38,8% với tháng trước và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 11 tháng 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70,3% so với cùng kỳ 11 tháng 2022.
Nhìn chung, trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu, các sản phẩm vẫn tập trung chủ yếu dưới dạng tươi và đông lạnh. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến của Việt Nam cũng dần có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Theo đó, xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến trong tháng 10/2023 đạt hơn 105 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng, Việt Nam thu về 996,5 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, hạnh nhân là mặt hàng đang ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu sản phẩm chế biến từ hạnh nhân đạt 7,14 triệu USD, tăng 30,6% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng, Việt Nam bỏ túi hơn 51,2 triệu USD xuất khẩu hạnh nhân, tăng 24,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,1%.
Hạnh nhân là loại hạt được yêu thích nhất trên thế giới. Hạnh nhân có chứa nhiều protein, canxi, magie, vitamin E và chất chống oxy hóa. Có tác dụng giảm cholesterol, tăng cường não bộ, tốt cho hệ tim mạch và làm đẹp da, tóc. Hạnh nhân cũng là nguyên liệu chính để làm sữa hạnh nhân, bánh hạnh nhân, dầu hạnh nhân và bơ hạnh nhân.
Bởi hạnh nhân có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người nên rất được yêu thích và được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Trên thế giới, cây hạnh nhân được trồng nhiều ở Georgia, Texas, Arizona, miền trung California của Mỹ và ở một số nước như Úc, Morocco, Syria, Iran, Ý, Tây Ban Nha. Trong suốt hai thập kỷ qua, sản lượng hạnh nhân tại California đã tăng gấp 3 lần và khiến cho vùng đất này chiếm hơn 80% sản lượng hạnh nhân của thế giới.
Cây hạnh nhân có thể sống từ 20 đến 25 năm và bắt đầu cho trái từ 3 đến 5 năm sau khi được trồng. Tuy nhiên, nó thực sự cho giá trị kinh tế đầy đủ là từ năm thứ 5-6 trở đi.
Theo báo cáo của Statista, giá trị xuất khẩu hạnh nhân của Hoa Kỳ, quốc gia sản xuất hạnh nhân lớn nhất thế giới, đã tăng từ 2,4 tỷ USD vào năm 2010 lên 6,5 tỷ USD vào năm 2020. Đây cũng là sản phẩm tiềm năng mang lại lợi nhuận cao mà doanh nghiệp có thể kinh doanh.
Việt Nam tuy không xuất khẩu mạnh hạnh nhân nhưng cũng có một số vùng trồng hạnh nhân lớn như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc. Sở dĩ được trồng nhiều ở các vùng trên là do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng của vùng này là gần nhất với đặc điểm thích nghi của cây hạnh nhân.
So với nhiều loại cây ăn quả khác như cam, quýt thì cây hạnh nhân là giống cây dễ trồng, ít rủi ro hơn và mang lại giá trị kinh tế khá cao. Nhờ thời gian thu hồi vốn nhanh chóng nên việc trồng cây hạnh nhân ở Việt Nam đang là một hướng đi mới của nông nghiệp nước ta.
Bên cạnh đó, hạt hạnh nhân cũng được nhập khẩu từ rất nhiều quốc gia khác nhau vào Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.