Hiện tại, xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 vẫn là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam, nó được trang bị dàn vũ khí gồm pháo nòng xoắn D-10T2S cỡ 100 mm, súng máy đồng trục PKT cỡ 7,62 mm và súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm bố trí trên nóc tháp pháo.
Súng máy hạng nặng 12,7 mm DShK bắt buộc xạ thủ phải lộ diện ra ngoài tháp pháo để tác xạ
Việc yêu cầu xạ thủ đại liên DShK phải lộ diện ra khỏi tháp pháo, hoàn toàn "phơi mình", không được che chắn bởi các lớp giáp để tác xạ khẩu súng máy hạng nặng trên tiềm ần nguy cơ rất lớn, họ sẽ trở thành "tấm bia" hút hỏa lực của kẻ thù.
Chính vì vậy, trên các dòng xe tăng T-72 nâng cấp hay T-90 sau này, khẩu 12,7 mm NSV hay Kord đã được sửa đổi để việc điều khiển bắn có thể tiến hành từ trong xe thông qua thiết bị kiểm soát hỏa lực, vừa bảo đảm an toàn cho chiến sĩ lại tăng cường đáng kể hiệu suất chiến đấu.
Xe tăng T-72AG gắn súng máy 12,7 mm NSV được điều khiển từ bên trong
Trong tương lai, nếu Việt Nam nhập khẩu T-90MS từ Nga thì chúng sẽ được tích hợp sẵn một trạm vũ khí điều khiển tự động (có thể mang súng máy 12,7 mm hoặc 7,62 mm), tuy nhiên việc nâng cấp các xe T-54/55 thế hệ cũ để phối hợp tác chiến cùng T-90MS vẫn rất cần được tiến hành.
Mới đây, tổ hợp súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa của Viện Vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã bắn thử nghiệm lần cuối tại trường bắn Miếu Môn. Sản phẩm tích hợp các thiết bị hiện đại như: giá điều khiển đa năng, máy tính trung tâm, camera quan sát ngày đêm do cán bộ, kỹ sư Phòng Tự động điều khiển nghiên cứu chế tạo.
Vũ khí trên ngoài việc có thể triển khai nhằm thiết lập các chốt phòng thủ điểm cố định hay trạm canh gác, thì còn rất hữu dụng khi mang ra lắp đặt trên các xe tăng, xe thiết giáp, tàu xuồng cao tốc, hay thậm chí là tàu chiến lớn.
Bắn thử nghiệm súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa do Việt Nam sản xuất
Dựa trên một vài tấm ảnh đã được công bố, khả năng cao là những mẫu thử nghiệm T-/5455 nâng cấp của Việt Nam (cả T-55M3 lẫn mẫu mới giữ lại pháo 100 mm) vẫn chưa được trang bị súng máy hạng nặng điều khiển bắn từ trong xe. Nhưng hiện tại, khi sản phẩm "made in Việt Nam" đã ra đời, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến khả năng đưa nó lên xe tăng T-54/55/62.
Theo ý kiến nhận xét của Hội đồng tư vấn, sắp tới giá camera sẽ được đưa xuống dưới ụ súng để đảm bảo đồng trục với nòng và tăng sức chứa của hộp tiếp đạn từ 200 lên 500 viên, những cải tiến này tỏ ra khá phù hợp để lắp đặt trạm vũ khí trên nóc tháp pháo xe tăng.
Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, thành tựu mới nhất của Viện Vũ khí - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thực tế để nâng cao năng lực tác chiến cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.