Việt Nam phong tục: Vì sao có kiểu đặt tên Lần - Thần, Nhăng - Nhố, Sung - Vả?

B.T sưu tầm, Việt Nam phong tục |

Ngày nay, trong các lễ thôi nôi phần "hướng nghiệp" cho các em bé rất được coi trọng. Nhưng thật ra, phần nghi thức này đã có từ cách đây rất lâu.

"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".

Phan Kế Bính (1875-1921)

PHONG TỤC TRONG GIA TỘC

Thử con

Tàu có tục đẻ con đầy một năm thì làm tiệc thử con. Hôm ấy tắm rửa cho con sạch sẽ, mặc quần áo mới, con giai thì bày đồ cung tên, bút giấy; con gái thì bày đồ kim chỉ, dao kéo. Lại bày những đồ chơi quý báu ở trước mặt đứa trẻ để nghiệm xem nó tham liêm ngu trí làm sao, chữ gọi là tiệc thí nhi (thử trẻ).

Các nhà đại gia ở ta cũng theo dùng tục ấy, nhưng chỉ bày ít món đồ ấn triện, cung tên, bút mực, cày bừa, gọi là trong bốn món văn, võ, canh, độc để nghiệm đứa trẻ mai sau làm nghề gì mà thôi.

Thuật kiêng giữ

Con nhà nào sinh phải giờ con sát, hay phải giờ kim xà thiết tỏa, sợ mai sau khó nuôi thì cúng đổi giờ. Nhà nào sinh con muộn mằn sợ khó nuôi thì làm lễ bán cửa tĩnh hoặc cửa chùa nào cho làm con Thánh con Phật gọi là bán khoán.

Bán cho cửa tĩnh thờ Đức Thánh Trần, thì đổi họ gọi là họ Trần, bán cho cửa nhà chùa thì đổi họ gọi là họ Màu, đến mười hai tuổi mới làm lễ mà chuộc về làm con mình.

Đưa con cho người khác bế, không được đưa qua cửa, sợ mai sau nó đi ăn cắp ăn trộm. Ẵm con đi đâu phải bôi ít nhọ chảo trên trán, hoặc cầm con dao, cái kéo hay là chiếc đũa đi theo, kẻo sợ người ta quở quang.

Con hay khóc đêm, gọi là dạ đề, thì mượn một người khác họ lấy cái cọc chuồng lợn ném xuống gầm giường thì khỏi khóc. Có người lạ vào, con khóc mãi không thôi, thì lấy một bó lửa ném vào trước mặt người ta thì con thôi khóc.

Việt Nam phong tục: Vì sao có kiểu đặt tên Lần - Thần, Nhăng - Nhố, Sung - Vả? - Ảnh 2.

Con ngủ lì không dậy, lấy vài cái tóc mai của người ngoài phẩy vào miệng đứa trẻ thì khỏi.

Con hay trớ, lấy nước lòng đò cho uống thì khỏi.

Con nấc, lấy ngọn lá giầu không dán vào chỗ trán cho nó. Con ngủ giật mình, luộc một cái trứng gà, con giai thì cắt làm bảy miếng, con gái thì cắt làm chín miếng, và bảy hay là chín nắm cơm, hú vía cho nó rồi cho nó ăn thì nó khỏi sợ.

Con đau bụng khóc lắm, mượn người nhổ bão (nhổ cục tóc trên đầu) cho mẹ nó thì khỏi.

Con lồi rốn, mượn kẻ ăn mày cầm gậy chọc vào rốn nó thì khỏi.

Con chơi phải chỗ cỏ ngứa, nổi mẩn tịt cả mình mẩy gọi là ma tịt, thì giải một cái nón mê, tễ bảy hoặc chín miếng giầu lá lốt cúng ông Cầu bà Quán cho nó thì khỏi.

Con lên đậu, ngoài cửa ngõ treo một bó vàng và giồng một cây lá ráy vào một cái nồi đất ở trước cửa, hoặc cài một cành kinh giới để giữ cho con được bình yên.

Con hắt hơi thì nói: "Sống lâu, trăm tuổi, già đầu, thượng thọ" để chúc thọ cho con.

Việt Nam phong tục: Vì sao có kiểu đặt tên Lần - Thần, Nhăng - Nhố, Sung - Vả? - Ảnh 3.

Con quặt quà quặt quẹo thì bế đứa con đưa qua cái săng người già chết thì nó được sống lâu.

Cách đặt tên. - Con mới sinh ra thì thường gọi là thằng đỏ con đỏ, ở nhà quê thì thường gọi là thằng cu con đĩ, ở về vùng Thanh Nghệ thì thường gọi là thằng cò cái hĩm, chớ không mấy người mới sinh ra đã đặt tên. Đặt tên thì nhà thường dân hay bạ tên gì đặt tên ấy, hay lấy vần hoặc lấy nghĩa gần nhau với tên cha mẹ mà đặt.

Ví như cha mẹ là Lần thì đặt là Thần, cha mẹ là Nhăng thì đặt con là Nhố, hoặc cha mẹ là Đào thì đặt con là Mận, cha mẹ là Sung thì đặt con là Vả, v.v. Kẻ hiếm hoi thì thường lấy tên xấu xí mà đặt cho con, như gọi là thằng Cún (con chó cún) thằng Đực (con chó đực), v.v.

Nhà có học thì thường kiếm những tên đẹp đẽ đặt cho con, mà nhất là hay tìm từng bộ chữ nho. Ví như người thì dùng toàn một bộ chữ Ngọc, như anh là Hoàng thì em là Hành, là Cư, là Vũ; người thì dùng toàn một bộ chữ Thủy như anh là Giang thì em là Hoài, là Hà, là Tế, v.v. 

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục  của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại