Vì sao khi trẻ con cúng mụ lại phải chuẩn bị nhiều đồ đến thế? Món nào cũng phải đủ 12?

B.T sưu tầm, Sách Việt Nam phong tục |

Cứ như tục thành phố Hà Nội bây giờ thì đẻ con ra đầy cữ, đầy tháng, đầy tuổi tôi, mới làm cỗ cúng mụ. Trong đó, tất cả các món ăn, món đồ đều phải đủ con số 12.

"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".

Phan Kế Bính (1875-1921)

NÓI VỀ PHONG TỤC TRONG GIA TỘC

Cha mẹ

Hai tiếng cha mẹ, nước ta mỗi nơi gọi cũng hơi khác nhau: nơi thì gọi là bố là đẻ, nơi thì gọi là thầy là u. Về đường ngược (Hưng Hóa) thì gọi mẹ là bầm, về đường trong thì gọi là bụ. Nam kỳ thì gọi cha là tía, gọi mẹ là má.

Ở đây bây giờ lại nhiều người cho con gọi cha là ba, gọi mẹ là me. Còn các nhà hiếm hoi thì chẳng cứ gì, người thì cho con gọi là chú thím, người thì cho con gọi là anh chị, cậu mợ. Ngày xưa lại có tiếng gọi mẹ là cái nữa, tiếng ấy thì bây giờ không đâu dùng.

Sinh con

Đàn bà có mang ai cũng muốn sinh con giai mà ít người muốn sinh con gái. Hàng xóm bà con nghe thấy sinh con giai thì mừng. Trong khi có mang, váng đầu, đau mình thì gọi là ốm nghén; hay thèm ăn của chua của chát, gọi là ăn dở. Đến lúc sinh sản, mời bà tắm đến đỡ, con sổ ra rồi thì cắt rốn chôn nhau.

Vì sao khi trẻ con cúng mụ lại phải chuẩn bị nhiều đồ đến thế? Món nào cũng phải đủ 12? - Ảnh 2.

Chôn phải sâu, nếu chôn nông thì con hay trớ, mà phải tránh chỗ giọt gianh, kẻo về sau con chốc đầu loét mắt.

Người mẹ thì phải kiêng khem gió máy, phải nằm than. Ăn cơm thì chỉ ăn muối trắng hấp hay là nước mắm chưng, vài ba hôm mới dám ăn đến thịt. Đầy cữ (con giai 7 ngày, con gái 9 ngày), xông muối xoa nghệ rồi mới ra đến ngoài.

Nhà nghèo nuôi con lấy, nhà giàu nuôi vú cho con. Có người cho vú đem về nhà nuôi. Cho bú độ ba, bốn tháng thì cho ăn cơm và vẫn cho bú đến ba, bốn tuổi mới thôi.

Con nhà nào ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng biết lò cò chạy chơi, là hợp vào ca thì dễ nuôi mà mai sau làm nên người.

Vì sao khi trẻ con cúng mụ lại phải chuẩn bị nhiều đồ đến thế? Món nào cũng phải đủ 12? - Ảnh 3.

Tục ta hỏi thăm nhau đẻ con giai hay là con gái, người có chữ thường nói lộng chương hay lộng ngõa (nghĩa là chơi ngọc hay chơi ngói).

Điển ấy do ở Kinh Thi: sinh con giai thì quý hóa mà cho chơi bằng hạt ngọc, sinh con gái thì khinh bỉ mà cho chơi bằng hòn ngói. Lại có người hỏi huyền hồ hay huyền cân (nghĩa là treo cung hay là treo khăn mặt). Điển ấy cũng do tục Tàu: đẻ con giai treo cái cung ngoài cửa, mà đẻ con gái thì treo cái khăn mặt. Ta dùng điển mà hỏi thăm, chứ không có tục ấy.

Cúng mụ

Trong sách Bắc hộ lục có nói rằng: Tục Lĩnh Nam nhà giàu đẻ con được ba ngày, hoặc đầy tháng, thì tắm cho con, làm một bữa tiệc, gọi là đoàn du phạn (nghĩa là bữa cơm tròn trặn trơn tru).

Sách Vân đài loại ngữ của ông Lê Quý Đôn thì nói rằng: Tục nước ta, đẻ con được ba ngày, làm vài mâm cỗ cúng mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bày tiệc ăn mừng. Bà con, người quen thuộc, dùng thơ, câu đối, đồ chơi, đồ quần áo trẻ để mừng nhau. Mà nhất là tiệc một trăm ngày và tiệc đầy tuổi tôi to hơn cả.

Vì sao khi trẻ con cúng mụ lại phải chuẩn bị nhiều đồ đến thế? Món nào cũng phải đủ 12? - Ảnh 4.

Cứ như tục thành phố Hà Nội bây giờ thì đẻ con ra đầy cữ, đầy tháng, đầy tuổi tôi, mới làm cỗ cúng mụ. Trong lễ cúng thì dùng mười hai đôi hài, mười hai miếng giầu, cua, ốc, nham, bánh đúc, v.v. Vì ta tin rằng có mười hai bà mụ nặn ra người.

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại