Việt Nam phong tục: Ngày đó, nếu nhà có đám ma thì phải tuân thủ đến 20 khâu này

B.T sưu tầm, Sách Việt Nam phong tục |

Ngày trước, ma chay cưới hỏi luôn là những sự kiện lớn và yêu cầu nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đặc biệt đối với các đám ma, người xưa luôn có những quy trình đặc biệt.

"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".

Phan Kế Bính (1875-1921)

PHONG TỤC TRONG GIA TỘC

TANG MA

Khi mới mất

- Nhà nào có ông già bà cả gần mất, con cái vực đến chỗ chính tẩm, hỏi han xem người giối giăng những gì, rồi đặt tên hiệu cho người biết, dùng nước trầm hương lau sạch sẽ, thay đổi quần áo tươm tất. Khi tắt hơi rồi, lấy chiếc đũa để ngang hàm, bỏ một vốc gạo và ba đồng tiền vào miệng. Nhà phú quý thì dùng ba miếng vàng sống, chín hạt châu trai, gọi là ngậm hàm.

Đoạn giải chiếu xuống đất, đưa người xuống một lát (lấy nghĩa người ta bởi đất sinh ra thì khi chết lại về đất), rồi lại đem lên giường. Người con cầm cái áo của người mất mới thay, trèo lên mái nhà hú vía ba tiếng, có ý còn mong cho người sống lại, rồi lấy áo phủ lên thây.

Khâm liệm, nhập quan

- Nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ lụa, nhà thường dùng vải trắng, may làm đại liệm, tiểu liệm (đại liệm: một mảnh dọc, năm mảnh ngang; tiểu liệm: một mảnh dọc, ba mảnh ngang) để khâm liệm, rồi thì nhập quan (bỏ vào săng).

Việt Nam phong tục: Ngày đó, nếu nhà có đám ma thì phải tuân thủ đến 20 khâu này - Ảnh 2.

Hình minh họa

Tục ta, phần nhiều người tin theo thầy phù thủy, trong quan tài thường có mảnh ván đục hình sao Bắc Đẩu thất tinh. Trước khi nhập quan, phải chọn giờ tránh tuổi, rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong, ngoài quan tài.

Có người cho là chết phải giờ xấu thì lại bỏ cỗ bài tổ tôm, hoặc quyển lịch Tàu, hoặc quyển lịch ta (nhất là quyển lịch có dấu bộ đóng thì càng hay), hoặc tàu lá gồi, để trấn áp ma quỷ. Đâu đấy sơn gắn quan tài cho kỹ càng, đặt chính gian giữa, hoặc nhà còn người tôn hơn thì đặt gian cạnh. Nhà nào muốn để lâu một vài tháng thì quàn lại để trong nhà, hoặc đem ra vườn mà phủ cát lên.

Mấy hôm mới nhập quan, con cháu còn được phép cưới, gọi là cưới chạy tang.

Thành phục

- Được vài ba hôm, công việc lo liệu đâu đấy thì làm lễ thành phục. Trước bàn thờ bày linh sàng, linh tọa, đặt hồn bạch (hồn bạch là lấy lụa đắp vào khi người gần mất, rồi kết lại có đầu, có tay, có chân như hình người). Ở ngoài thì bày hương án bàn độc và đồ cúng cấp. Con cháu mặc đồ tang phục, xõa tóc, theo thứ tự đứng sắp hàng ra sân mà khóc lóc.

Nhà phú quý có tế, nhà thường dân hay mượn thầy phù thủy cúng đỡ cho.

Tang phục

- Con giai, con gái, con dâu, đội khăn sô, mũ chuối, mặc áo sô, ngoài quàng sợi dây chuối, thắt dây lưng bằng chạc. Cháu nội thì đội mũ mấn, khăn trắng, mặc áo thụng trắng, thân thuộc cũng mặc đồ trắng cả.

Chiêu tịch diện

- Tế thành phục rồi thì mỗi ngày buổi sớm buổi chiều cúng cơm, gọi là chiêu tịch diện. Lễ chiêu tịch diện như thờ khi người còn sống. Buổi sáng con cháu bưng chậu nước, khăn mặt, cau giầu cho vào chỗ giường nằm, khóc ba tiếng rồi rước hồn bạch ra chỗ linh tọa, mới dưng cúng. Buổi tối dưng cúng xong, lại rước vào chỗ linh sàng, buông màn, đắp chăn rồi mới ra.

Lễ ấy, nhà đại gia mới dùng, nhà thường thì chỉ cúng ở chỗ linh tọa mà thôi.

Thổi kèn giải

- Trong những đêm ma còn quàn ở trong nhà, có nhà mỗi tối mời phường bát âm gảy đàn thổi sáo và có phường tang nhạc thổi kèn đánh trống. Con cháu, mỗi người thổi một câu khóc ông bà cha mẹ, rồi thưởng tiền cho bọn ấy. Nhà nào không có kèn giải thì không vui.

Chuyển cữu

- Trước hôm cất ma, hoặc ban đêm hoặc buổi sớm, làm lễ chuyển cữu, nghĩa là xoay quan tài. Nguyên lễ có rước quan tài sang chầu tổ miếu, nhưng nhà chật hẹp không mấy người rước quan tài, chỉ có rước hồn bạch, nhà đại gia thì phong áo mũ đại trào rước sang mà thôi. Còn những nhà không có nhà thờ tổ riêng thì chỉ xoay quan tài đi một vòng rồi lại đặt đấy.

Phát dẫn

- Hôm cất ma gọi là ngày phát dẫn. Hôm ấy con cháu, anh em, và người quen biết đều đi đưa cả.

Cha mất thì con giai chống gậy tre, mẹ mất thì chống gậy vông. Con giai nào mất trước rồi thì con giai người ấy phải chống gậy thay cho cha, hoặc con nào đi vắng thì treo cái gậy ấy ở đầu đòn đại dư. Nếu không có con giai thì ai vào ăn thừa tự phải chống gậy. Con gái, con dâu thì lăn đường cho cha mẹ mới là con có hiếu.

Người thân thích thì một vài người đi kèm chỗ linh cữu gọi là hộ tang.

Còn người đi đưa hết thảy gọi là tống tang.

Nghi trượng đi đường

- Trước hết có hai thần phương tướng làm bằng giấy, bốn mắt, hình dung dữ tợn, cầm đồ qua mâu đi dẫn đạo.

Thứ đến thể kỳ, có hai người khiêng một bức hoành vải trắng đề bốn chữ (ví dụ cha mất thì đề Hổ sơn vân ám, mẹ mất thì đề Dĩ linh vận mê, v.v.). Đôi bên treo đèn lồng đề chức tước, húy hiệu của người mất.

Thứ đến minh tinh. Minh tinh làm bằng lụa hoặc bằng vóc nhiễu đỏ, dài độ 7, 8 thước, lấy phấn trắng đề chức tước, họ tên thụy hiệu người đã mất, treo vào một cành tre, hoặc làm như hình cái trụ đề vào toàn bộ cho người khiêng. Đề lòng minh tinh thường tình theo bốn chữ "quỷ, khốc, linh, thính" viết dài ngắn thế nào mặc lòng, nhưng chữ cuối cùng không được chạm vào chữ "quỷ", chữ "khốc", e chạm phải hai chữ đó thì độc chăng.

Kế đến hương án, bày giá hương, độc bình, đồ tam sự (hai cây nến và một cái lư hương), mâm ngũ quả.

Kế đến thực án bày tam sinh, hoặc lợn quay, bánh trái. Rồi đến linh xa rước hồn bạch, có phường tài tử bát âm đi dàn mặt và có đủ đồ minh khí, nào đèn giấy, nào biển đan triệu, đàn ông đề hai chữ "trung tín", đàn bà đề hai chữ "trinh tiết". Nào trướng, nào câu đối liễn của con cháu và của người phúng viếng.

Kế nữa thì cờ công bố, đèn chữ á, nhà đại gia dùng đủ đồ nghi trượng sứ thần, có kiệu phong áo mũ đại trào, có cờ, có tán, đồ lộ bộ, nến sáp hai dãy, có chiêng có trống, có võng có lọng, có trống cà rồng. Nhà thường thì chỉ có phường kèn trống thổi khúc nam thương mà thôi.

Sau cùng thì là đại dư rước linh cữu, trên linh cữu che cái nhà táng giấy. Nhà phú quý thì làm nhà táng rất hoa mỹ, có cái tốn đến ba bốn chục bạc, có trống tiêu cổ hoặc lệnh dẫn linh cữu đi.

Ảnh mViệt Nam phong tục: Ngày đó, nếu nhà có đám ma thì phải tuân thủ đến 20 khâu này - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Con cháu tống táng đi theo linh cữu có bạch mạc (ta thường gọi là phương du) để che cho khỏi mưa nắng.

Ở về các vùng nhà quê, thì chỉ dùng mấy thứ đồ minh tinh, nhà táng, võng chủ, đèn biển sơ sài mà thôi, không mấy nhà trang hoàng như cách phố xá, nhưng lại có các vãi cầm phướn đi dưỡng dực đôi bên, tụng kinh niệm Phật, gọi là đi hộ phúc, có nhà sư ngồi xe, bận áo cà sa, tay gõ mõ, miệng tụng kinh để cầu nguyện cho linh hồn được về Tây phương cực lạc thế giới, các người quy Phật mà mất thì các vãi lại đội cầu bát nhã để làm đường cho vong hồn đi sang Tây phương.

Trong khi đi đường có rắc vàng thỏi, vàng giấy, là tục cho rằng có quỷ phụ vào quan tài, phải rắc vàng để tống quỷ, kẻo quan tài nặng, khó đi.

Nhà trạm

- Khi đi đường, nhà phú quý có trạm trung đồ, để đình cữu mà diện tế. Nhà trạm lợp tạm bằng lá hoặc bằng cót, căng vải kết hoa treo đèn treo liễn, bài trí lịch sự. Đến chỗ huyệt lại có một trạm tế hạ huyệt.

Lúc tế trạm, tục thường kén mời người nào có chức tước danh giá đề chủ và mượn một người nữa phủng chủ. Lúc tế thì người phủng thần chủ phủng ra đặt lên trên án, người đề chủ cầm bút chấm một nét trên đầu chữ "chủ" và sổ một nét. Đề xong thì nhà chủ phải hậu tạ lễ vật cho người đề chủ, có khi bao nhiêu đồ tế tự trong rạp phải biếu cả.

Hạ huyệt

- Lúc hạ huyệt có tế thổ thần ở nơi đó. Có ông thầy địa lý phân kim dóng hướng, đợi đến giờ tốt (giờ hoàng đạo) thì hạ huyệt. Ở nhà quê thì các vãi chờ khi lấp đất xong, mỗi người cầm một nắm hương, tụng kinh, niệm Phật đi chung quanh mộ, rồi mỗi người cầm một hòn đất ném vào mộ gọi là dong nhan.

Huyệt thường nhờ thầy địa lý tìm đất trước, nhà đại gia thì làm sẵn sinh phần.

Khóc lạy

- Từ lúc ma còn để trong nhà thì con cháu và khách khứa phúng viếng chỉ lạy hai lạy, nghĩa là còn coi như người còn sống. Đến lúc hạ huyệt rồi thì mới lạy bốn lạy, nghĩa là đến lúc đó thì mới lấy đạo thờ người chết mà thờ.

Việt Nam phong tục: Ngày đó, nếu nhà có đám ma thì phải tuân thủ đến 20 khâu này - Ảnh 4.

Ảnh: Tieudungplus.

Trong lúc đưa ma, con cái lúc nào cũng phải khóc. Khi có khách vào phúng viếng, thường có ô hô ba tiếng (hoặc tình không thân thì lễ không), con giai con rể đều phải khóc mà đáp lễ lại, nhưng chỉ đáp có một nửa mà thôi, nghĩa là khách lạy hai thì mình đáp một, khách lạy bốn thì mình đáp hai.

Ngu tế

- An táng rồi giở về nhà lại tế, gọi là ngu tế. Ngày hôm trước gọi là sơ ngu, ngày thứ hai là tái ngu, ngày thứ ba là tam ngu. "Ngu" nghĩa là "yên". Vì người mất nên xương thịt mới chôn dưới đất, hồn phách chưa được yên, cho nên tế ba lần để yên hồn phách cho người mất.

Nhà phú quý mới có ngu tế, nhà thường thì trong ba ngày chỉ những họ hàng thân thuộc đến phúng viếng mà thôi. Ở nhà quê thì có tư văn hàng giáp đến trợ tế, ăn uống tốn lắm.

Viếng mộ, đắp mộ

- Trong ba ngày sau khi mới chôn, mỗi buổi chiều con cái đem cơi giầu đến chỗ mả khóc lóc, gọi là viếng mộ. Tục ta thường để đến hôm ba ngày mới sửa sang lại mộ cho tốt đẹp, hoặc làm nhà mộ. Thường dân thì hay mượn thầy phù thủy yểm bùa ở mả, hoặc dùng gà trắng, hoặc dùng chó đen để cúng thổ thần, hoặc dùng lươn, cá chép, ốc, mỏ quạ để yểm bùa, cho rằng làm như thế thì trừ được hung thần, kẻo nó quấy nhiễu người mới chết.

Từ đó giở đi thì ngày nào cũng cúng cơm hai buổi và phải khóc lóc.

Chung thất

- Bốn mươi chín ngày gọi là tuần chung thất. Tuần này có tế, có nhà đem vào chùa làm chay, nhờ nhà sư tụng kinh sám hối ba đêm hoặc bảy đêm ngày, để cho vong hồn được siêu thăng tịnh độ.

Tốt khốc

- Một trăm ngày là tuần tốt khốc, nghĩa là đến bấy giờ mới thôi khóc, tuần này tế lễ một tiệc rồi thì thôi không cúng hai buổi nữa.

Tiểu tường

- Được một năm thì giỗ đầu gọi là lễ tiểu tường. Bấy giờ mới trừ bỏ đồ hung phục như đồ sô gai, gậy mũ, v.v. Nhưng vẫn còn mặc đồ tang chế cho hết ba năm.

Đại tường

- Hai năm giỗ hết gọi là đại tường.

Đàm tế

- Sau đại tường hai tháng, chọn một ngày làm lễ trừ phục, gọi là đàm tế. Bấy giờ mới bỏ hết đồ tang phục mà mặc các sắc phục thường.

Đốt mã

- Trong khoảng tiểu, đại tường, có hai kỳ đốt mã. Kỳ mã đầu gọi là mã biếu, kỳ mã sau mới thực là mã dưng cho người mất dùng. Tục hay đốt về tuần Trung nguyên tháng Bảy, cũng nhiều nhà thì đốt vào ngày giỗ đầu và ngày giỗ hết.

Việt Nam phong tục: Ngày đó, nếu nhà có đám ma thì phải tuân thủ đến 20 khâu này - Ảnh 5.

Hình minh họa

Đồ mã thì làm những đồ thường dùng của người, như chăn màn, quần áo, hòm xiểng, mâm bát, v.v. cho chí thằng quýt con nhài, con mèo con chó, có nhà sắm đồ mã tốn đến năm bảy chục, một vài trăm bạc.

Nhà thì đốt mã tại gia, nhà thì đốt mã tại chùa. Có người làm chay cúng tam tứ phủ năm bảy ngày.

Từ khi mới khâm liệm cho đến khi đàm tất, mỗi tuần mỗi tiết, như ngày thành phục, ngày phát dẫn, trong ba ngày tế ngu cho đến ngày đại tường, tiểu tường, giỗ đầu, giỗ hết, nhà giàu có thì tế bái linh đình, nhà nghèo thì cúng cấp. Tuần tiết nào cũng mời họ mạc, làng nước, khách khứa, lại có bánh giầy bánh chưng biếu, người có nhiều tốn nhiều, người có ít tốn ít, có nhà tốn vài nghìn bạc.

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại