"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.
Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".
Phan Kế Bính (1875-1921)
PHONG TỤC TRONG GIA TỘC
II. - ANH EM, CHỊ EM
Nghĩa anh em. - Anh em cùng cha cùng mẹ đẻ ra gọi là anh em đồng bào, anh em cùng cha khác mẹ gọi là anh em dị bào, nhưng tổng chi gọi là anh em ruột cả, còn anh em cùng mẹ khác cha thì gọi là anh em đồng mẫu dị phụ, anh em ấy không thân thiết gì mấy, cũng như người ngoài mà thôi.
Anh em cùng một mẹ đẻ ra, thì cứ theo thứ tự đẻ trước là anh, đẻ sau là em. Nhiều mẹ đẻ ra thì con vợ cả là anh, con vợ lẽ là em, không cứ gì nhiều tuổi ít tuổi. Cũng có nhà lấy vợ hầu trước, dù có đẻ con cũng không được là con cả, khi nào kén được người chính thất, đẻ con mới là con cả, cũng có nhà thì bất cứ vợ nào, hễ đẻ trước gọi là anh, đẻ sau gọi là em.
Anh em cốt lấy tình thân ái làm đầu, lá lành đùm lá rách, bênh vực giúp đỡ lẫn nhau. Ta vẫn thường cho anh em ăn chung ở lộn với nhau, hòa mục với nhau là cách vui vẻ, là nhà có phúc. Nhưng thường tình thì anh em phương trưởng, phận ai người ấy lo.
Nhà phong phú thì cha mẹ lập cho con một cơ nghiệp, nhà tầm thường thì ai phải lo thân người ấy, có tư cấp ít nhiều, chớ không mấy người ôm ấp đùm bọc lấy nhau được mãi.
Quyền lợi
Người anh cả có quyền hơn cả các người em. Cha mất rồi thì người anh là người thay mặt cho cha mà trông nom các em. Em còn thơ bé thì anh phải nuôi nấng, rồi phải lo dựng vợ gả chồng cho em nữa, gọi là quyền huynh thế phụ. Gia sản của cha mẹ để lại, cũng người anh cả được hưởng phần lợi hơn, mà công việc trong nhà như là ma chay giỗ tết, người anh phải chịu phần nặng.
Nhưng cũng có khi người con út được hưởng phần lợi của cha mẹ để lại nhiều hơn các anh. Vì là anh em trước đã đâu yên phận đó, còn em út ở với cha mẹ, rồi thì thừa hưởng cái cơ nghiệp ấy. Cho nên có câu tục ngữ rằng: "Giàu con út, khó con út, trút sạch cửa nhà".
Câu chuyện khuyên anh em thân nhau. - Tục ta có một câu chuyện gọi là chuyện "Giết chó khuyên chồng": Xưa có một người chồng chơi bời thân thích với một người bạn, nay chè mai chén, ngày kia thuốc phiện, chỉ chơi với bạn mà không biết em là đâu.
Người vợ khuyên can mãi chồng mà không được, mới nghĩ ra một kế: Một hôm người vợ giết một con chó, cạo lông cho trắng trẻo, để trong xó nhà tối.
Chồng đi chơi về khuya, vợ nói dối rằng: Hôm nay nhỡ đánh chết một đứa trẻ, để giấu trong buồng, làm thế nào bây giờ?
Chồng sợ mất vía, vào xó buồng xem, quả nhiên có một đứa trẻ nằm đó. Chồng bảo gọi em để nhờ em chôn cho.
Vợ nói: Xưa nay chàng chơi thân thiết với người bạn, không tưởng đến chú nó, bây giờ có nạn sao nó chịu giúp mình, bất nhược nhờ người anh em bạn còn hơn.
Chồng nghe lời, cho mời bạn đến, nói chuyện đầu đuôi, rồi nhờ bạn chôn hộ cho.
Người bạn chôn xong, sáng mai lập tức đi báo quan để lấy công. Anh ta lại chỉ dẫn cho quan về tận nơi mà khám. Quan cho đào lên thì là con chó. Hỏi ra thì người vợ thuật chuyện mà nói cái mưu kế của mình cho quan nghe. Chồng từ đó chán người bạn mà thân với em.
Câu chuyện tuy tầm thường nhưng cũng làm được cái gương cho anh em.
* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.