Việt Nam muốn làm đường sắt hàng tỷ đô kết nối với Trung Quốc, hai đơn vị hàng đầu thế giới đáp lời

Thái Hà |

Thủ tướng đề nghị AIIB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn lực thực hiện các dự án đường sắt lớn kết nối với Trung Quốc.

Việt Nam đề nghị Ngân hàng AIIB hỗ trợ vốn xây đường sắt nối với Trung Quốc

Ngày 10/10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị AIIB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn lực thực hiện các dự án lớn, mang tính biểu tượng như các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội… Thủ tướng cũng đề nghị AIIB cung cấp các khoản vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để triển khai các dự án quan trọng này.

Đáp lời, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần nhất trí cao với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh tầm quan trọng và tác động lan toả của các dự án hạ tầng quy mô lớn đối với kết nối, nâng cao năng lực logistics và phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương, qua đó thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Kim Lập Quần khẳng định AIIB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, bảo đảm năng lượng cho vận hành các tuyến đường sắt tốc độ cao. lượng ở tiểu vùng Mekong.

Hai bên nhất trí sẽ thành lập các nhóm làm việc để triển khai nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án hợp tác; tăng cường kết nối giữa sáng kiến "Hai hành lang, Một vành đai" của Việt Nam và sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.

AIIB là Ngân hàng phát triển đa phương được thành lập vào năm 2016 với 57 thành viên sáng lập, trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và kết nối cơ sở hạ tầng ở châu Á.

Hiện nay, AIIB có 109 thành viên quốc gia, chiếm 81% dân số và 65% GDP toàn cầu. Bốn ưu tiên hoạt động của AIIB bao gồm cơ sở hạ tầng xanh, huy động vốn tư nhân, kết nối - hợp tác khu vực và cơ sở hạ tầng hỗ trợ công nghệ. Tính đến nay, AIIB đã tài trợ cho 274 dự án với tổng trị giá trên 53,5 tỷ USD cho 37 thành viên.

Tại Việt Nam, AIIB đã tài trợ cho 3 dự án với tổng trị giá 223 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực ứng phó với COVID-19, phát triển năng lượng mặt trời, thủy điện và cơ sở hạ tầng bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hợp tác với Trung Quốc để đầu tư xây dựng 3 dự án đường sắt trị giá hàng chục tỷ USD kết nối đôi bên là: Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, chiều dài 380km; Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 156km và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài 187km.

Dự kiến quy mô khổ đường của cả 3 tuyến này đều là 1.435mm, tốc độ 160km/h với tàu khách, 120km/h với tàu hàng. Việc triển khai 3 dự án này đang là một trong những ưu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc vừa qua của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phía Trung Quốc đã trao Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa hai Chính phủ.

Hai bên cũng đã trao Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia Trung Quốc về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hà Nội.

Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và bàn giao cho Việt Nam kết quả nghiên cứu.

Đối với tuyến còn lại, phía Trung Quốc cũng đã nhất trí ủng hộ triển khai hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện quy hoạch chi tiết. Các dự án này đã được hai Chính phủ và hai Thủ tướng rất quan tâm, thúc đẩy triển khai công tác chuẩn bị.

 Đề nghị World Bank cho vay ưu đãi với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm 

Cũng trong ngày 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. 

Chia sẻ về tình hình và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và ưu tiên thực hiện 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ, cung cấp các khoản vay ưu đãi để triển khai các dự án trọng điểm về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, cảng biển, sân bay lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Manuela Ferro. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Manuela Ferro chúc mừng và bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua; khẳng định WB cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam trên chặng đường hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Bà Manuelo Ferro ủng hộ tích cực các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ưu tiên hỗ trợ cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.

Phó Chủ tịch WB cam kết hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư chất lượng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn. Bà Manuela Ferro cũng chia sẻ WB đang tìm cách đa dạng hoá các nguồn tài chính để giảm lãi suất cho các khoản vay hỗ trợ phát triển.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã từng có cuộc gặp hồi tháng 11 năm 2023 nhân dịp bà này có chuyến công tác tại Việt Nam.

Tại đây, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng thế giới cho vay lãi suất thấp nhất các dự án đường bộ cao tốc, hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, đường sắt đô thị, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Đáp lời Thủ tướng, bà Manuela Ferro nhất trí các ý kiến và cho biết Ngân hàng thế giới đang tích cực phối hợp với các cơ quan Việt Nam xác định dự án lớn, trọng điểm mà hai bên tập trung hợp tác thời gian tới "với lãi suất tốt nhất". Bà đề nghị hai bên giải quyết nhanh vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, phê duyệt và triển khai các dự án.

Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), thường được gọi tắt là Ngân hàng Thế giới, viết tắt là WB, là một tổ chức tài chính đa phương có mục đích trung tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở các nước thành viên. Việt Nam là thành viên từ năm 1976.

Đến nay, WB đã cam kết cho Việt Nam vay khoảng 25 tỷ USD để thực hiện hơn 170 dự án trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn, giáo dục đào tạo, năng lượng, nước sạch, hỗ trợ ngân sách, đô thị, môi trường, y tế... 

Danh mục dự án sử dụng vốn vay WB đang thực hiện với tổng vốn vay cam kết là 3 tỷ USD, đang tiến hành thủ tục đối với 29 dự án trị giá khoảng 2,4 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại