Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/6 đăng bài bình luận của GS Hoàng Hưng Cầu, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Chiết Giang về việc Việt Nam mời tàu Trung Quốc thăm cảng Cam Ranh.
Sau khi điểm lại 2 lần Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa ra lời mời tàu Trung Quốc thăm cảng Việt Nam, giống như tàu của các quốc gia khác, học giả Hoàng Hưng Cầu nhận định:
Việt Nam hai lần mời tàu Trung Quốc thăm Cam Ranh là cơ hội hiếm có. Điều khiến dư luận ngạc nhiên là ở chỗ, Việt Nam vốn rất cảnh giác và đề phòng với Trung Quốc, nay lại bỗng dưng mời tàu chiến Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam cập Cảng quốc tế Cam Ranh vừa khánh thành. Ảnh: Tuổi trẻ
"Đối với Việt Nam mà nói, động thái này có thể xem như tâm lý đề phòng đã trở thành tâm lý dịch vụ, hành vi quốc phòng trở thành hoạt động kinh doanh, rất đáng chú ý.
Mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh cũng là việc bình thường và hợp lý khi Việt nam định vị rõ Cảng Quốc tế ở Cam Ranh khác với Cảng Quân sự.
Trên phương diện kinh tế và lợi ích thương mại, bất luận tàu bè của quốc gia nào cập cảng và sử dụng dịch vụ tại Cảng Quốc tế Cam Ranh cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam, tàu Trung Quốc có vào đây cũng là việc bình thường".
"Việc các quan chức cấp cao Việt Nam mời tàu chiến Trung Quốc vào Cảng Quốc tế Cam Ranh là một quyết sách có được không dễ. Trong cục diện tranh chấp Biển Đông, Cam Ranh được người Việt Nam xem như át chủ bài.
Việt Nam mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh cho thấy, ít nhất Việt Nam mong muốn giải quyết trnah chấp bằng các biện pháp hòa bình. Là nơi có một cảng quân sự trọng yếu nằm trên địa bàn xung yếu ở Biển Đông nên mặc nhiên Cam Ranh trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Do đó nếu tàu chiến Trung Quốc nhanh chóng thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh theo lời mời và được phía Việt Nam tiếp đón nhiệt tình, cung cấp các dịch vụ chất lượng thì có thể góp phần củng cố thêm lòng tin, giảm căng thẳng ở Biển Đông.
Việt Nam quyết định thả viên minh châu Cam Ranh xuống biển lửa Biển Đông là một hành động có tầm nhìn, trí tuệ. Lời mời của Việt Nam ở góc độ nhất định cho thấy lòng tin giữa hai bên được tăng cường, là biểu hiện của thiện chí", GS Hoàng Hưng Cầu bình luận.
Trước đó, trả lời báo chí quốc tế ngày 4/6 bên lề Đối thoại Sangri-La, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nhắc đến việc mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh.
Ông nêu rõ rằng Việt Nam không chỉ mời Trung Quốc, mà còn mời tàu của những nước khác đến các cảng kinh tế của Việt Nam, bao gồm cảng Cam Ranh.
Đến nay, tướng Vịnh cho biết đã mời tàu nhiều nước đến cảng Cam Ranh gồm Singapore, Pháp, Nga, Ấn Độ, Australia…
“Về lâu dài, cảng Cam Ranh sẽ được sử dụng trong mục đích kinh tế, vừa để phục vụ mục tiêu đối ngoại nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước”, tướng Vịnh cho biết.
Bên lề giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt-Trung diễn ra tại Lạng Sơn và Quảng Tây hồi tháng 3/2016, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã nhắc đến lời mời Trung Quốc vào Cam Ranh.
Khi đó, dẫn ví dụ về những kế hoạch cụ thể của Việt Nam và Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc hợp tác hiệu quả hơn, tướng Vịnh cho biết: "Chúng ta chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc thăm các cảng Việt Nam, trong đó có cảng Cam Ranh, hưởng các dịch vụ ở đó giống như các nước khác".