Bạch đậu khấu là một loại gia vị quý có giá đắt đỏ thứ 3 trên thế giới, khoảng 9 USD cho 100 gram chỉ sau nhụy hoa nghệ tây và vani. Đáng chú ý loại quả này lại có rất nhiều ở Việt Nam và mang lại giá trị xuất khẩu cao trong năm 2023.
Cụ thể theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu nhóm quả bạch đậu khấu – nhục đậu khấu (BĐK-NĐK) trong năm 2023 đạt 3.551 tấn, thu về 27,4 triệu USD, tăng 36,5% về sản lượng nhưng giảm 15,4% về kim ngạch. Hà Lan, Trung Quốc và Mỹ là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng đạt lần lượt 923 tấn, 756 tấn và 484 tấn.
Trong nhóm hàng BĐK-NĐK, các doanh nghiệp lớn nhất là Olam Việt Nam với 822 tấn và Tuấn Minh với 323 tấn trong cả năm 2023.
Cây bạch đậu khấu (hay còn được gọi là bạch khấu xác, xác khấu, đới xác khấu) có tên khoa học là Amomum Repens Sonner – thuộc họ Zingiberaceae. Là loài thảo dược mọc hoang trong tự nhiên, bạch đậu khấu trồng nhiều các 1 số nước như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Nam Mỹ,... Ở Việt Nam, cây mọc ở vùng núi cao, khí hậu mát mẻ như Lào Cai, Cao Bằng,... Loài cây thảo này cao khoảng 2-3m, sống lâu năm. Rễ mọc bò, lá mọc thành 2 dãy. Cụm hoa mọc thành bông, hoa màu trắng.
Quả bạch đậu khấu có hình cầu và vỏ nhăn, còn được gọi là khấu mễ (khấu nhân), chứa từ 20-30 hạt, mùi thơm vị cay.
Hoa và quả bạch đậu khấu là những bộ phận được sử dụng làm dược liệu. Trong đó, quả được thu hái ở những cây có tuổi đời ít nhất 3 năm tuổi trở lên ở giai đoạn chuyển từ màu xanh sang màu vàng, thời điểm thu hái thích hợp là mùa thu. Sau khi thu hái đem phơi khô trong bóng râm và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Về công dụng, loại dược liệu này giúp tăng cường nhu động ruột, tăng tiết dịch vị, ngăn tình trạng ruột lên men không bình thường và chống buồn nôn. Bên cạnh đó, nó còn giúp chống nấm, hạ sốt, giãn cơ trơn, hạ huyết áp ở người cao huyết áp rất tốt.
"Anh em" của bạch đậu khấu là quả nhục đậu khấu. Nhục đậu khấu (ở một số địa phương còn được gọi là nhục quả, ngọc quả) có tên khoa học là Myristica fragrans Hourt và thuộc họ nhục đậu khấu Myristicaceae. Đây là loại quả thuộc dòng cây thân gỗ, chúng có chiều cao lên tới 8 – 10m, cành mảnh, toàn thân cây nhẵn, lá của chúng mọc so le, xanh tươi quanh năm, dai, phiến lá hình mác, mép nguyên, có 8-10 gân lá đối xứng 2 bên và cuống lá dài 7 - 12mm.
Nhục đậu khấu có nguồn gốc từ quần đảo Maluku (Indonesia) và được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới như ở Campuchia, Ấn Độ và Malaysia. Tại Trung Quốc, cây được trồng thử nghiệm và phát triển tốt ở các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Ở nước ta, cây nhục đậu khấu thường sẽ phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Cây có thể thu hoạch sau 7-8 năm, mỗi năm có thể thu hoạch 2 lần vào các tháng 11-12 và tháng 4-6.
Nhục đậu khấu được sử dụng như một loại gia vị để chế biến các món ăn vì nó có vị ngọt bùi và the the, ngoài ra còn sử dụng để làm tăng hương vị cho cà phê khi cho nhục đậu khấu vào cà phê.
Nhục đậu khấu còn được biết đến trong y học cổ truyền phương Đông với tác dụng dược lý như một thuốc giãn mạch và thuốc chống lo âu. Nó chứa các hóa chất tự nhiên như eugenol, terpen và trimyristin chịu trách nhiệm gây ngủ, thư giãn các cơ và dây thần kinh mệt mỏi, tạo cảm giác bình tĩnh và giảm đau, sưng và viêm.
Trong năm 2022, Việt Nam đã thu về 32,4 triệu USD từ xuất khẩu mặt hàng này với 5.589 tấn.