Việt Nam làm lốp không săm cho Su-30MK2: Mục tiêu xa

Châu An |

Việc nghiên cứu và đưa vào sản xuất lốp máy bay không săm cho Su-30MK2 sẽ được Viện kỹ thuật Phòng không-không quân hoàn thiện đến năm 2018.

Điểm khó khi làm lốp không săm cho Su-30MK2

Sau khi hoàn thành dự án sản xuất lốp cho máy bay huấn luyện L-39, Viện Kỹ thuật Phòng không - không quân đang dự định tiếp tục nghiên cứu sản xuất lốp không săm dành cho chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2.

Trao đổi cụ thể hơn với Đất Việt về dự định trên, ngày 6/2, Đại tá, TS.Nguyễn Hữu Đoàn - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) cho biết: "Đây là đề tài thì bắt buộc phải thành công.

Dù nếu nói đến khó khăn thì cũng rất nhiều khó khăn, vì đây là loại lốp mới, máy bay của Su-30MK2 tải trọng lớn, tốc độ cất hạ cánh cũng rất lớn, nên khả năng chịu tải của nó cũng rất lớn.

Cụ thể, tải trọng của lốp Su-30 khoảng 30 tấn, trong khi lốp L-39 chỉ hơn 4 tấn, cho nên chênh lệch nhiều. Tốc độ của Su-30 là 360km/h, còn L-39 là hơn 200km/h, mà tốc độ ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu, độ bền của lốp.

Khi nghiên cứu để làm rất phức tạp, ngay cả quá trình thử nghiệm bắt đầu hình thành việc pha chế chất liệu cũng khác lốp của máy bay L-39".

Việt Nam làm lốp không săm cho Su-30MK2: Mục tiêu xa - Ảnh 1.

Việt Nam nghiên cứu chế tạo lốp cho máy bay Su-30MK2

Bên cạnh đó, theo Đại tá Nguyễn Hữu Đoàn, thực ra vì cũng là dạng lốp bơm hơi không săm như L-39, nên có thể nhiều người nghĩ cùng chủng loại, kế thừa sản xuất cũng dễ, nhưng nó khác biệt nhau rất nhiều. Hơn nữa, vì là loại mới bây giờ mới bắt đầu nghiên cứu để chế tạo nên rất khó khăn.

Kết cấu của lốp Su-30MK2 rất phức tạp không đơn giản như L-39, các lớp mố, cao su, các lớp vào phanh bố trí cũng khác lốp L-39.

Với dòng lốp cho Su-30MK2 thì vẫn có lớp màng bảo quản na nô để giúp thời hạn bảo quản dài hơn, quá trình vận chuyển đảm bảo môi trường bên ngoài tác động tốt hơn.

Thực tế chỉ có thể tận dụng các thiết bị chuyên dùng, như: Trống thành hình lốp, khuôn lốp, màng lưu hóa, vành ổn định sau lưu hóa và các thiết bị kiểm tra chất lượng lốp như thiết bị ép tĩnh, chạy lý trình, thử độ bám vành, độ đâm thủng, độ bất cân bằng, thiết bị thử độ bền chịu phá nổ.

Thế nhưng, các thiết bị này cũng chỉ chiếm khoảng 5 - 10% tổng kinh phí đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất lốp máy bay.

"Khó thì khó nhưng chúng tôi vẫn phải thành công vì Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ thì phải cố gắng hết sức. Thời hạn dành cho Viện là đến năm 2018 phải có sản phẩm ra lò", Đại tá Nguyễn Hữu Đoàn khẳng định.

Mục tiêu sự chủ động trong sản xuất thiết bị phục vụ quốc phòng

Ở góc độ khác, theo Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân, dòng lốp cho L-39 hiện nay đã sản xuất rất nhiều, 100% là sử dụng sản phẩm sản xuất nội địa, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, giá thành chỉ bằng 1/3 giá nhập bình thường.

"Với Su-30MK2 chúng tôi chưa dự trù được kinh phí, nhưng tất nhiên rẻ hơn thì Bộ Quốc phòng mới cho làm, còn bằng hoặc đắt hơn thì không phải mất quá nhiều công sức để nghiên cứu, chế tạo và sản xuất", Đại tá Đoàn nhấn mạnh.

Việt Nam làm lốp không săm cho Su-30MK2: Mục tiêu xa - Ảnh 2.

Sản phẩm lốp máy bay L-39 không săm do Viện Kỹ thuật PK-KQ thiết kế, chế tạo đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tiến. Ảnh báo PK-KQ

Riêng việc xuất khẩu lốp không săm do Việt Nam sản xuất ra các thị trường cùng sử dụng loại máy bay này theo ông Đoàn là phải tính toán sau, khi đã làm thành công được. Như L-39 mình đáp ứng thì cũng chủ yếu trong nước chứ chưa có xuất khẩu hay bán sang các nước.

Nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng sản xuất đại trà, để cung cấp sản phẩm hướng đến xuất khẩu. Bởi chất lượng lốp máy bay do Việt Nam sản xuất tương đương sản phẩm cùng loại của nước ngoài, mà giá cả lại cạnh tranh hơn.

Mặt khác, Đại tá Đoàn cho hay: "Mục tiêu của Viện vẫn là nghĩ đến việc, tận dụng được nguồn nguyên vật liệu là cao su thiên nhiên do chúng ta sản xuất, giúp kích cầu trong nước, các địa phương trồng cây cao su cũng thêm thu nhập, vì cao su chiếm 60%.

Khi đã sản xuất được thì chúng ta có thể hoàn toàn chủ động, kịp thời cung cấp thêm một loại phụ tùng thay thế rất cần thiết và khan hiếm cho máy bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thay vì phải phụ thuộc nhập khẩu như trước đây".

Chia sẻ thêm về các dự định nghiên cứu trong thời gian tới, theo ông Đoàn, để phục vụ quốc phòng Viện kỹ thuật sẽ luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất các thiết bị đáp ứng nhu cầu trong quân chủng.

Cùng với đó, Viện cũng sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của một số nước sản xuất lốp không săm cho Su-30MK2, rồi nghiên cứu thêm, nhưng các nhân tố chính cho thành công này vẫn là cán bộ nhiều kinh nghiệm của Viện kỹ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại