Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ

Bài và ảnh: Đào Thanh Tùng (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản) |

Sáng 9/11, từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng thành công lên vũ trụ. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành mới của ngành công nghiệp vũ trụ của Việt Nam trên con đường từng bước làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, người đã có mặt tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura để chứng kiến vụ phóng, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Dưới đây là nội dung của cuộc trao đổi:

Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ - Ảnh 1.

Đại sứ Vũ Hồng Nam và Chủ tịch JAXA theo dõi phóng vệ tinh NanoDragon ở Trung tâm Vũ trụ Uchinoura.

Đại sứ có thể cho biết cảm xúc của mình khi được tận mắt chứng kiến vệ tinh của Việt Nam được phóng vào vũ trụ?

Tôi không thể kiềm chế được niềm xúc động lớn lao trào dâng khi chứng kiến vệ tinh chúng ta được phóng vào vũ trụ. Tôi rất vinh dự khi được là đại diện của Chính phủ Việt Nam tận mắt chứng kiến giây phút tên lửa Epsilon-5 ở Trung tâm Vũ trụ Uchinoura bắt đầu khởi động mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào không gian vũ trụ. Giây phút trọng đại này đã đi vào lịch sử, đánh dấu mốc trưởng thành mới của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.

Do dịch bệnh COVID-19, các nhà khoa học vũ trụ Việt Nam không thể sang được Nhật Bản để tận mắt chứng kiến thành quả của bao ngày vất vả của các nhà khoa học Việt Nam. Tôi muốn thay mặt Chính phủ cảm ơn họ, những nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ nhân viên của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).

Sự kiện hôm nay một lần nữa chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của riêng mình. Một ngành khoa học mới non trẻ nhưng đã phát triển nhanh như vũ bão, làm nên niềm tự hào của Việt Nam.

Đại sứ có thể cho biết vì sao Việt Nam lựa chọn Nhật Bản làm nơi phóng vệ tinh NanoDragon?

NanoDragon là vệ tinh thứ 3 do các chuyên gia, nhà khoa học của VNSC trực tiếp nghiên cứu và phát triển, có kích thước lớn gấp hơn 3 lần so với PicoDragon - vệ tinh đầu tiên của Việt Nam. Hai vệ tinh trước, gồm Pico Dragon và Micro Dragon, có sự tham gia của kỹ sư Việt Nam nhưng lại được chế tạo ở Nhật Bản.

Đáng chú ý, tất cả các khâu trong quá trình chế tạo vệ tinh Nano Dragon đều được thực hiện ở Việt Nam, từ việc lên ý tưởng, thiết kế đến chạy vi mạch, nguyên vật liệu…, đều do người Việt Nam thực hiện. Điều này thể hiện sự trưởng thành và chủ động của chúng ta trên con đường từng bước làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh.

Trước đây, vệ tinh VinaSat của Việt Nam do Mỹ sản xuất và được phóng tại Pháp. Khi phóng vệ tinh NanoDragon, chúng ta đã chọn Nhật Bản, vốn là đối tác phối hợp và hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm các vệ tinh nhỏ.

Tôi cho rằng đây là sự hợp tác có tính biểu tượng cao của mối quan hệ hợp tác hữu nghị tin cậy giữa hai nước trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam–Nhật Bản hướng tới kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ - Ảnh 2.

Tên lửa Epsilon số 5 (Epsilon-5) mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng thành công vào không gian.

Một số ý kiến cho rằng do việc phát triển vệ tinh đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên Việt Nam cần đi mua vệ tinh hơn là tự sản xuất. Đại sứ bình luận như thế nào về ý kiến này?

Trong quân sự, ai chiếm được điểm cao, người đó có lợi thế tác chiến. Ở điểm cao, ta có thể quan sát rộng và chủ động trong mọi hoạt động phòng vệ cũng như tấn công. Vệ tinh cũng giống như chiếc ống nhòm, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quan sát mọi hoạt động dưới mặt đất, thu thập dữ liệu và cung cấp thông tin toàn diện cho mọi ngành kinh tế, khoa học, quốc phòng, an ninh đất nước.

Các thông tin do vệ tinh cung cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các ngành kinh tế như quản lý khai thác biển, quản lý rừng, quản lý thiên tai, quản lý đất đai, tài nguyên… Không những vậy, nó còn giúp ích cho cả những dự án cụ thể như lập bản đồ quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp, đường xá, sân golf….

Về quốc phòng-an ninh, vệ tinh như tai mắt giám sát mọi hoạt động xâm phạm biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, quản lý hoạt động tàu bè trên biển, dẫn đường và định vị mục tiêu…

Nói tóm lại, làm chủ được thông tin vệ tinh là làm chủ được chiến lược phòng thủ, chủ động quản lý và khai thác mọi ngành kinh tế. Do vậy, mặc dù có thể tốn kém nhưng công nghiệp vệ tinh là ngành không thể thiếu của những quốc gia đi tiên phong.

Ở nhiều nước, ngành công nghiệp vệ tinh, vũ trụ không những là lĩnh vực của Nhà nước, mà còn của rất nhiều công ty tư nhân. Do vậy, chúng ta cũng cần phải huy động mọi nguồn lực, cả từ khu vực Nhà nước lẫn tư nhân và thậm chí đầu tư nước ngoài trong việc khai thác vũ trụ.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại