Không quân Đông Nam Á nhộn nhịp với các cuộc diễn tập chung
Ngày 19/05 vừa qua, Không quân Hoàng gia Thái Lan và Không quân Hoàng gia Malaysia đã tổ chức cuộc diễn tập mang tên Air Thamal 2016, tại căn cứ sân bay Korat (Thái Lan). Theo đó, Malaysia cử 28 sĩ quan và 54 nhân viên cùng 5 máy bay chiến đấu Hawk, trong khi Không quân Thái Lan có hơn 100 người cùng 5 tiêm kích bom F-5E và 1 trực thăng UH-1 tham dự.
Tướng Tan Sri Roslan Saad - Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia cho biết: "Chúng tôi đã trao đổi những thông tin và ý tưởng rất thiết thực nhằm chung tay nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của khu vực. Hy vọng tới đây, các máy bay chiến đấu mới, hiện đại của không quân hai nước sẽ cùng tham gia diễn tập".
Trong biên chế không quân Thái Lan hiện có 12 chiếc JAS-39 Gripen mới được trang bị gần đây bên cạnh các tiêm kích F-16, còn Malaysia có nhiều loại máy bay hiện đại, đáng kể nhất là 18 chiếc Su-30MKM và một số MiG-29N.
Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia và Thái Lan dự Lễ Bế mạc cuộc diễn tập Air Thamal 26/2016 tại căn cứ không quân Korat, Thái Lan.
Không quân 2 nước đã thống nhất, bắt đầu từ 2017, cứ 2 năm một lần các cuộc diễn tập Air Thamal sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ vốn đang rất tốt đẹp giữa quân đội 2 nước nói chung và không quân nói riêng.
Nhìn rộng ra khu vực, Không quân các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore đều đã cử các máy bay tiêm kích hiện đại của mình tham gia các cuộc diễn tập lớn. Cụ thể, Indonesia cử những "con át chủ bài tối mật" là tiêm kích Su-27 và Su-30MK2 tới Australia dự cuộc tập trận Pitch Black 2012.
Không quân Malaysia cũng cử F/A-18, Su-30MKM, MiG-29N tham gia diễn tập với máy tàng hình F-22 của Không quân Mỹ.
Mặc dù, không có chi tiết tại các cuộc diễn tập kể trên, phi công chiến đấu và máy bay tiêm kích của các bên được phép thực hành các bài đối luyện, giao chiến trên bầu trời hay không, những rõ ràng, việc cử lực lượng hùng hậu tới tham dự cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng về con người, máy bay, đảm bảo hậu cần kỹ thuật ở nơi diễn tập cách quê nhà hàng nghìn km.
Nhìn rộng thêm chút nữa, ở châu Á, quốc gia tích cực cử Không quân đi tập trận nhiều và với lực lượng hùng hậu nhất chính là Ấn Độ. Các phi công Su-30MKI đã làm nức tiếng Không quân nước này khi liên tiếp đánh bại các đối thủ sừng sỏ là những loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất thế giới hiện nay như F-15, EF-2000 ngay trên sân nhà của chúng (Anh, Mỹ).
Điều đó chứng tỏ Không quân Ấn Độ có những "gà nòi" với trình độ bay rất cao, điêu luyện, cộng với tính năng hoàn hảo của Su-30MKI, làm nên những chiến thắng vang dội, khiến các đối thủ phải lắc đầu lè lưỡi công nhận một cách tâm phục, khẩu phục.
Tiêm kích Su-27 và Su-30 của Indonesia và F/A-18 của Ausialia tham dự cuộc diễn tập Pitch Black 2012 ở Australia.
Tiêm kích Su-30MKM, F/A-18, MiG-29 của Không quân Malaysia diễn tập cùng máy bay tàng hình F-22 của Không quân Mỹ tại Cope Taufan 16, Malaysia 2016.
Việt Nam sẽ cử Không quân với tiêm kích Su-30MK2 đọ sức?
Với chủ trương tăng cường đối ngoại quốc phòng, Việt Nam đã cử nhiều đoàn tham dự các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực. Ban đầu chỉ là quan sát viên, vài năm gần đây, Hải quân, Đặc công, Cảnh sát biển đã cử con người và phương tiện chiến đấu hiện đại tham dự và thực hành diễn tập chiến đấu cùng các nước bạn.
Gần đây nhất, Hải quân Việt Nam đã cử tàu tên lửa tấn công nhanh lớp BPS-500 số hiệu 381 và một đội đặc công tham dự Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh hàng hải và chống khủng bố 2016 tại Brunei và Singapore. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Việt Nam tham gia diễn tập chiến đấu ở nước ngoài.
Do vậy, rất có thể Không quân Việt Nam cũng sẽ tham dự các cuộc diễn tập chung với các quốc gia trong khu vực, có lẽ cũng chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Trước mắt, ta có thể tham gia với tư cách là quan sát viên hoặc cử các máy bay trực thăng hay huấn luyện phản lực đi trước để làm quen, tích lũy kinh nghiệm, trước khi tung ra lực lượng chiến đấu hiện đại là Su-30MK2 tham dự.
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam.
Vậy việc diễn tập thực binh có sự tham dự của các máy bay chiến đấu hiện đại (như Su-30MK2) ở nước ngoài có tác dụng gì?
Thứ nhất, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa quân đội các nước nói chung và không quân nói riêng, đóng góp vào việc xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình và ổn định của khu vực.
Thứ hai, là cơ hội rất tốt để nâng cao trình độ bay cho phi công tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam. Đồng thời, khâu hậu cần kỹ thuật cũng sẽ được rèn luyện, nâng cao hơn nữa, đảm bảo nếu nước ta đăng cai tổ chức thì mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.
Việc tiếp cận, nhìn tận mắt cách thức hoạt động và hiểu phần nào tính năng của những loại máy bay chiến đấu của các nước bạn sẽ giúp phi công ta có cơ hội trực quan hơn khi bay cùng, nhận diện chính xác khi "gặp" nhau trên bầu trời.
Thứ ba, sẵn sàng cho Không quân tham gia vào phối hợp xử lý các tình huống đột xuất ở tầm khu vực. Đã qua rèn luyện, các cán bộ, sĩ quan Việt Nam sẽ không còn bỡ ngỡ. Tương tự, các sĩ quan chỉ huy sẽ có thêm kinh nghiệm để điều hành, điều phối hoạt động bay của cùng lúc nhiều tốp với nhiều chủng loại máy bay chiến đấu trên bầu trời.
Biết đâu trong tương lai gần, các phi công tiêm kích và máy bay Su-30MK2 của Không quân Việt Nam được đọ cánh với những loại tiêm kích hàng đầu thế giới như JAS-39 Gripen, F-16C/D, F/A-18E/F, F-15SG, MiG-29,... và lập nên những kỳ tích.