Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí: Tiêm kích F-16 đua với MiG-29K ở VN?

GTS |

Cả tiêm kích F-16 C/D Block 52 Plus lẫn Mig-29K đều có những thế mạnh riêng và dường như chúng sẽ đại diện cho Mỹ và Nga cạnh tranh quyết liệt để giành được khách hàng Việt Nam.

Tổng thống Hoa Kỳ Obama vừa chính thức tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thường cho Việt Nam, mở ra thời kì mới cho sự hợp tác giữa 2 nước nói chung và hợp tác quốc phòng nói riêng, mở ra cơ hội tiếp cận các loại vũ khí hiện đại do các tập đoàn công nghiệp quân sự hàng đầu của nước này sản xuất.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thêm một nhà cung cấp để lựa chọn những vũ khí phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa quân đội vừa tối ưu chi phí.

Không quân Việt Nam vừa loại biên MiG-21 sau nhiều năm sử dụng, khoảng trống mà nó để lại vẫn còn bỏ ngỏ khi vẫn chưa có thông tin về loại máy bay tiêm kích nào sẽ được cân nhắc lựa chọn để thay thế. Tạm thời, vị trí MiG-21 để lại được đặt lên vai của Su-30MK2 và phần nào là Su-22.

Tuy nhiên, tiến trình thay thế cần phải được gấp rút hoàn thành khi Su-30MK2 còn đang phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

F-16C/D Block 52 Plus liệu có phù hợp?

Mỹ dở hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cực kì đúng lúc trong thời điểm Việt Nam đang cần 1 loại máy bay đánh chặn có khả năng bảo vệ vùng trời, các cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng để thay thế MiG-21. Liệu tiêm kích F-16 (Block 52) có là sự lựa chọn hợp lý vào thời điểm hiện nay?

Như đã biết, F-16 là máy bay tiêm kích hạng nhẹ 1 động cơ, được phát triển bởi General Dynamics/Lockheed Martin từ những năm 1974, có nhiều phiên bản đã được sản xuất và sử dụng trong không quân của nhiều nước trên Thế giới.

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí: Tiêm kích F-16 đua với MiG-29K ở VN? - Ảnh 1.

 Tiêm kích F-16 Block 52 của Không quân Singapore.

Phiên bản tiêm kíchF-16 C/D Block 52 Plus là phiên bản được hiện đại hóa sâu được các chuyên gia quân sự đánh giá cao.

Nó giữ nguyên kiểu dáng khí động học so với nguyên mẫu của nó, tuy nhiên có những nâng cấp mang tính đột phá nhờ được lắp những hệ thống tác chiến điện – điện tử và cảm biến điện tử mới nhất.

Tất cả khung những chiếc F-16 Block 52 hai chỗ ngồi đều được mở rộng, giúp tăng thêm thể tích 30 feet khối (850 L) để lấy chỗ lắp các hệ thống điện tử mới, tuy nhiên lại tăng trọng lượng cũng như lực cản.

Đặc điểm đễ nhận biết nhất của biến thể này chính là thùng dầu phụ hòa nhập khí động dung tích 600 gallons gắn trên thân (có khả năng tháo rời), cho tầm bay chuyển sân lên đến gần 4.000 km.

Máy bay được trang bị radar khẩu độ tổng hợp AN/APG-68 (V5) có chế độ tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu, tầm trinh sát tối đa lên tới 296km đối với phi cơ cỡ lớn và khoảng 85 km đối với tiêm kích hạng nhẹ.

Bên cạnh đó, động cơ F100-PW-229 đặc trưng của F-16 Block 52 có độ tin cậy rất cao và hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ phi công cho khả năng không chiến cực mạnh ở cả tầm xa lẫn tầm gần.

Với đơn giá vào khoảng 78 triệu USD cho máy bay (không kèm vũ khí) và chi phí vận hành (tính theo cả vòng đời) tương đối hợp lý, dòng máy bay này là ứng viên sáng giá cho đợt mua sắm tiếp theo của Không quân Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu chọn F-16C/D Block 52 Plus, Việt Nam bắt buộc phải đầu tư trang thiết bị để vận hành và bảo dưỡng 1 dòng máy báy hoàn toàn mới. Ngoài ra, vũ khí đi kèm F-16 Block 52 không có sẵn trong biên chế hiện tại của KQNDVN mà phải đi mua kèm theo những điều kiện phía sau.

Giá của 1 chiếc F-16 đầy đủ vũ khí hiện tại rơi vào khoảng 90 triệu USD, chưa tính trang thiết bị để vận hành và bảo dưỡng, đắt hơn so với Su-30MK2 với giá rơi vào tầm khoảng 85 triệu USD. Nhưng Su-30MK2 lại là máy bay tiêm kích hạng nặng tầm xa, còn F-16 chỉ là tiêm kích hạng nhẹ 1 động cơ tầm gần, 1 cái giá không hề rẻ với 1 máy bay hạng nhẹ .

MiG-29K: Lựa chọn tối ưu?

Ra đời dựa dòng MiG-29 nổi tiếng, được thiết kế bởi phòng thiết kế Mikoyan cho mục đích phát triển 1 loại máy bay chiến đấu đa năng cho tàu sân bay, cũng như những nơi có đường băng cất cánh ngắn.

MiG-29K ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với nguyên mẫu MiG-29 ban đầu để đáp ứng với yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí: Tiêm kích F-16 đua với MiG-29K ở VN? - Ảnh 2.

 MiG-29K của Nga.

Chúng được trang bị radar thế hệ mới Zhuk-ME, buồng lái sử dụng các màn hình LCD độ phân giải cao và có thêm HOTAS (hands-on-throttle-and-stick) với đầy đủ các chức năng chính giúp phi công có thể sử dụng mà không cần rời tay khỏi cần điều khiển, hạn chế mất tập trung..

Hệ thống điện – điện tử hoàn toàn mới, hệ thống điều khiển hỏa lực vũ khí hiện đại hơn và cho phép sử dụng tất cả các loại vũ khí đang có trong biên chế Không quân Việt Nam.

MiG-29K được trang bị 2 động cơ RD-33MK khắc phục được nhược điểm thải nhiều khói khi hoạt động và tăng thêm 10% hiệu suất.

Tải trọng chiến đấu lên tới 5.500 kg, MiG-29K có 13 giá treo vũ khí để mang nhiều loại bom, tên lửa có điều khiển khác nhau, giúp dễ dàng hơn trong việc chọn cấu hình tác chiến tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.

Thùng nhiên liệu bổ sung ở dọc lưng máy bay và cánh, tăng tổng số lượng nhiên liệu mang được lên 50% so với biến thể đầu của MiG-29 cho phép máy bay có tầm bay 3.000km và cập nhật hệ thống điều khiển bay lái bằng dây số 4 kênh.

Hiện nay MiG-29K và MiG-29KUB chế tạo dùng chung kiểu nóc buồng lái 2 chỗ kích thước đủ. Với lớp sơn phủ đặc biệt, bề mặt phản xạ radar của MiG-29K nhỏ hơn 4 đến 5 lần so với MiG-29 nguyên bản.

Radar Zhuk-ME là một phiên bản tiên tiến dành cho xuất khẩu của radar nguyên bản N010 Zhuk, có thêm các chức năng không đối đất tiên tiến như chức năng lập bản đồ và bám sát địa hình. Các đặc tính cải tiến của radar là cải tiến xử lý tín hiệu và có tầm phát hiện lên tới 120 km đối với mục tiêu có diện tích phản xạ 5 m2.

Radar có thể bám 10 mục tiêu cùng lúc và tấn công cùng lúc 4 mục tiêu đang theo dõi trong chế độ không đối không. Tầm theo dõi của radar là 0.83 - 0.85 so với tầm phát hiện.

Trong chế độ không đối đất, radar có thể phát hiện một chiếc xe tăng từ khoảng cách 25 km và một cây cầu từ khoảng cách 120 km, một tàu khu trục hải quân có thể bị phát hiện từ xa 300 km và có thể theo dõi cùng lúc 2 mục tiêu dưới mặt đất, mặt biển.

Mig-29K – người kế thừa xứng đáng của Mig-29 nổi tiếng

MiG-29K vốn là một loại máy bay chiến đấu đa năng trang bị cho tàu sân bay. Với khả năng sử dụng hầu hết các đạn tên lửa không đối không RVV-AE; R-27ER/ET; tên lửa chống radar và chống tàu; cũng như các vũ khí không đối đất dẫn đường chính xác, ngoài việc không chiến – đánh chặn mục tiêu khi cần thiết Mig-29K có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất, mặt biển.

Đây có thể xem là sự lựa chọn 2 trong 1 khi mà "đôi cánh ma thuật" Su-22 cũng đã ở bên kia sườn dốc đỉnh cao, một mình Su-30MK2V phải gánh quá nhiều nhiệm vụ, trong khi số lượng máy bay lại rất hạn chế.

Đặc biệt, MiG-29K được trang bị hệ thống tiếp tiếp nhiên liệu UPAZ cho phép nó thực hiện vai trò tiếp nhiên liệu trên không (cho máy bay bạn) khi cần. Để đáp ứng yêu cầu hoạt động trên tàu sân bay, khung thân máy bay và bộ phận hạ cánh MiG-29K đã được gia cố, cánh máy bay có thể gấp gọn.

Được trang bị vật liệu hấp thụ sóng radar cho phép nó có khả năng tàng hình nhẹ nhằm tăng khả năng sống sót khi tác chiến. Lớp phủ đặc biệt trên thân máy bay được đánh giá giúp giảm tín hiệu phản xạ sóng radar từ 4-5 lần so với MiG-29 đời đầu.

Với một tiêm kích hạm có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, vì vậy chúng được thiết kế để chống chịu các hư hỏng do ăn mòn từ gió và muối biển rất tốt. Đây là một điểm cộng lớn cho Mig-29K khi khí hậu của Việt Nam là khí hậu nhiệt đới nóng-ẩm, biển bao phủ gần như trọn vẹn chiều dài lãnh thổ.

Như vậy, có thể nói MiG-29K đã thừa hưởng tất cả những gì tốt nhất của dòng MiG-29 cũng như là những gì tốt nhất của 1 dòng máy bay tiêm kích đánh chặn tầm gần, cụ thể là chỉnh sửa các chi tiết khí động học của máy bay từ MiG-29M/M2 cũng như hệ thống điện – điện tử của MiG-29SMT.

Cặp cánh có khả năng gập lại của MiG-29K giúp giảm diện tích khi bảo quản trong hầm ngầm (an toàn và kín đáo hơn hangga nổi), cũng như ngụy trang và xuất kích trong thời chiến. Khả năng cất cánh trên các đường băng ngắn cũng là 1 lợi thế to lớn trong trường hợp các sân bay bị đánh phá ác liệt và hư hỏng nặng.

Với đơn giá hiện của MiG-29K rơi vào khoảng 45-50 triệu USD/chiếc đầy đủ vũ khí đi kèm, quá trình vận hành và bảo dưỡng không có quá nhiều khó khăn khi Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm về bảo dưỡng các loại máy bay tiêm kích Nga nói chung và dòng MiG nói riêng.

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí: Tiêm kích F-16 đua với MiG-29K ở VN? - Ảnh 3.

 MiG-29K của Ấn Độ

Nhu cầu, trang bị một loại máy bay tiêm kích hạng nhẹ để thay thế cho Mig-21 là một nhu cần bức thiết, với một quốc gia nhỏ, tiềm lực kinh tế có hạn, việc mua sắm vũ khí phải tính toán cực kì kĩ lưỡng vì chúng ta gần như không có cơ hội để lựa chọn lại.

Cả F-16C/D Block 52 Plus lẫn Mig-29K đều có những thế mạnh riêng và với việc Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, sẽ đặt các công ty xuất khẩu của Nga vào một tình thế phức tạp hơn.

Để giành được bản hợp đồng béo bở này các công ty đến từ Mỹ và Nga đều phải đưa ra những lời mời đủ sức hấp dẫn Việt Nam và người được hưởng lợi nhất không ai ngoài chúng ta. Liệu MiG-29K có được chọn?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại