"Việt Nam đầu tư cho vệ sinh an toàn thực phẩm bằng 1/36 Thái Lan"

Tuệ Minh |

Bức xúc trước thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng: Chúng ta đang chống thực phẩm bẩn từ ngọn.

Là người trăn trở với việc làm thế nào để thực phẩm sạch có thể đến tay người tiêu dùng và thực phẩm bẩn phải bị chặn đứng, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đã có mặt tại Diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch từ khá sớm.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn vị nguyên tư lệnh ngành thương mại Hà Nội này bên lề diễn đàn sáng 23/8.

"Việt Nam đầu tư cho vệ sinh an toàn thực phẩm rất thấp"

PV: Là người từng có nhiều ý kiến về việc chống thực phẩm bẩn. Thưa ông, đâu là lý do khiến thực phẩm bẩn vẫn còn chỗ đứng trong xã hội hiện nay?

Ông Vũ Vinh Phú: Chúng ta đang chống thực phẩm bẩn từ ngọn. Tại sao tôi lại nói thế bởi chúng ta đang kiểm soát rất lỏng lẻo. Đã có nhiều cán bộ hải quan, quản lý thị trường bị kỷ luật vì cho qua thực phẩm bẩn.

Những cũng phải nói rằng anh em không có phương tiện để kiểm tra. Tôi lấy ví dụ, một xe táo có hàng nghìn thùng nhưng chỉ kiểm tra được một vài quả, thậm chí là vài thùng mà không thể kiểm soát được hết.

Dù vậy vẫn cho đi qua nếu số ít đạt yêu cầu. Và như vậy số táo đó ra chợ luôn, chưa được kiểm nghiệm.

Đó là hàng nhập khẩu, còn trong nước, chúng ta không kiểm soát được khâu sản xuất: Một con lợn nuôi 4 tháng mới được, chu kỳ rất dài, phải có nhật ký về cho giống thức ăn, tiêm phòng...

Nếu không kiểm soát được quá trình nuôi mà lại chỉ kiểm soát bà bán thịt (người bán thịt chỉ bán 2 tiếng đồng hồ) thì tức là giải quyết vấn đề không từ gốc.

Vì chúng ta đang kiểm soát từ "ngọn" nên dẫn tới cuộc chiến chống thực phẩm bẩn không đến nơi đến chốn.

Việt Nam đầu tư cho vệ sinh an toàn thực phẩm bằng 1/36 Thái Lan - Ảnh 1.

Ông Vũ Vinh Phú tham dự Diễn đàn ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH sáng 23/8.

Tôi đã đi đến lò mổ nhiều lần rồi. Đối với lợn thì phải kiểm tra từ huyết tương mới biết con lợn có sán hay không. Ở đây, nhìn bề mặt thịt lợn tươi và một số dấu hiệu khác rồi đóng một cái dấu tím lên là xong. Chính vì thế mà tôi cho rằng những người kiểm tra thú y cũng... vô vị.

Ngoài những lý do trên còn có lý do nữa là đầu tư cho vệ sinh an toàn thực phẩm rất thấp. Đầu tư của Việt Nam bằng 1/36 của Thái Lan, bằng 1/136 của Mỹ, đến nỗi có những vật xét nghiệm cần phải đưa ra nước ngoài. Chờ đến bao giờ? 

Cả nước không có những trung tâm kiểm nghiệm vùng cho ra trò. Chúng ta chỉ kiểm tra vỏ ngoài, còn bên trong có chất gì thì không làm được.

Thêm nữa, còn các cơ chế chính sách, thuế phí. Một cân thịt lợn ở siêu thị có giá 100.000 đồng và 10% thuế VAT (tức là 10.000 đồng tiền VAT). Những người ít tiền sẽ chọn phương án ra chợ để đỡ mất 10% thuế với suy nghĩ rất đơn giản về ung thư.

Trong khi đó, 90% thực phẩm hiện nay bán ở chợ chứ không phải trong siêu thị. Cho nên có thể có đến 8 đoàn kiểm tra vào siêu thị để kiểm tra nhưng chợ thì lại bỏ lửng.

Một vấn đề nữa là "tham bát, bỏ mâm". Phong trào nọ, phong trào kia nhưng số lượng ca ngộ độc thực phẩm vẫn tăng lên. 

Chúng ta chỉ nên chọn 4-5 mặt hàng để làm cho xong sau đó mới nhân rộng ra. Siêu thị có tới 30.000 mặt hàng cơ mà. Ví dụ như chọn thịt, rau, quả, thuốc chữa bệnh thiết yếu, chọn sữa, gạo...

Chúng ta cũng cần phải làm cho đến nơi đến chốn, tập trung nhân lực, tài lực, vật lực để làm cho xong rồi nhân rộng ra chứ lúc thì chọn mắm tôm, lúc thì chọn nước tương thì chạy theo để chống lại thực phẩm bẩn đến bao giờ?

PV: Là Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, hiện nay nguồn thực phẩm nhà ông đến từ siêu thị hay từ chợ?

Ông Vũ Vinh Phú: Có những nguồn đến từ chợ khi siêu thị không có. Nhưng có hàng từ siêu thị cũng phải cảnh giác. 

Siêu thị cũng có 5% có vấn đề mặc dù tôi là người đầu tiên mở siêu thị cách đây 21 năm nhưng tôi cảnh giác quản trị siêu thị. Bản thân giám đốc không có chủ trương nhưng vấn đề có thể đến từ cán bộ nghiệp vụ, họ kiểm định không kỹ.

Việt Nam đầu tư cho vệ sinh an toàn thực phẩm bằng 1/36 Thái Lan - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận mở đầu tiên của diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" diễn ra vào sáng 23/8 (Ảnh: Thành Đạt)

"Không khí rất bẩn, đất không sạch, nước bẩn thì làm gì có rau an toàn"

PV: Như vậy, theo ông, vấn đề trong quản trị siêu thị cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn vẫn có khả năng "chen chân" vào siêu thị?

Ông Vũ Vinh Phú: Chúng ta phải nói khách quan, cái gì là lỗi của siêu thị, cái gì là lỗi của người sản xuất. 

Ví dụ, hợp tác xã rau, họ bỏ thêm rau bẩn vào rau sạch để giao cho siêu thị thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Ba Chữ bởi vì đã bỏ hàng rởm vào siêu thị. Cái đó siêu thị không chịu trách nhiệm vì siêu thị có máy kiểm nghiệm đâu mà biết.

Nhưng nếu hộp cá, hộp thịt mà phồng rộp hết hạn để trong siêu thị mà siêu thị không kiểm soát thì đó là trách nhiệm của siêu thị.

Tóm lại phải thiết lập một chuỗi sản xuất - phân phối đối với một số mặt hàng thiết yếu, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ. Điều này vừa giảm giá thành sản xuất vừa đảm bảo an toàn.

Còn nhớ, một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2007 có ghi rất rõ: Những mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng thì người sản xuất đầu nguồn phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng và giá cả.

Thực tế, chúng ta không thực hiện mà mua đứt bán đoạn. Ở các nước họ bán theo đại lý, bán như thế nào, giá bao nhiêu họ đều kiểm soát được. Còn ở Việt Nam thì muốn bán thế nào cũng được...

Một hộp sữa bán ở vỉa hè, nếu hạn ghi còn 6 tháng thì thực ra hạn chỉ còn 4 tháng bởi vì do thời tiết, điều kiện nhiệt độ không đảm bảo.

Chúng ta ít đầu tư, chúng ta ít quan tâm cho nên ở Việt Nam, một năm chúng ta mới có 150.000 người xuất hiện ung thư và khoảng một nửa trong số đó tử vong trong đó hơn 30% là do thực phẩm bẩn.

Tôi đã từng nói: Không khí rất bẩn, đất không sạch, nước bẩn thì làm gì có rau an toàn. Chỉ có làm trong lồng kính, lọc nước như một số doanh nghiệp đang làm hiện nay thì được.

Cái chết hiện nay là chúng ta đang không bảo vệ người sản xuất thực phẩm sạch cho nên có hiện tượng làm giả rau sạch. Quản lý nhà nước mình chưa tốt vì không phân biệt những người làm ăn tử tế và không tử tế.

Một vấn đề nữa là nâng thu nhập của người dân. Một công nhân lương hơn 3 triệu/tháng thì lấy đâu ra tiền mà ăn rau sạch. 

Một mớ rau sạch đắt gấp đôi bình thường. Mà số người còn khó khăn hiện nay chiếm phần lớn. Số đi xe hơi, nhà lầu, ăn thịt bò Úc không có nhiều. Chúng ta đang tập trung quản lý ở đâu, đang quan tâm ở chỗ nào là chính?

Theo tôi là quan tâm đến nhân dân, quan tâm đến sản xuất là cái gốc. Thêm nữa, lợi nhuận của người sản xuất, người sản xuất thực phẩm sạch bây giờ đang bị ép từ thương lái, trung gian... Những người bán rau sạch họ không bán nữa vì những người bán rau không sạch vẫn bán được cơ mà.

Ngoài ra, có những siêu thị ép chiết khấu đến 15-17% với nhiều loại phí khác nhau. Những người gửi rau mới sợ và lập chuỗi riêng thậm chí bán ra ngoài thị trường nên rau sạch không thực hiện được. cả sản xuất và phân phối đều có lỗi.

Tôi là chủ tịch hiệp hội siêu thị, tôi không bênh siêu thị đâu. Tôi là người kinh doanh, tôi biết chăn có rận. Cho nên phải làm ăn tử tế, thương mại công bằng, hai bên đều thắng thì an toàn vệ sinh thực phẩm mới vững vàng được.

Thực phẩm bẩn sẽ trở thành... quốc nạn

PV: Như ông vừa nói, thương mại công bằng thì an toàn vệ sinh thực phẩm mới vững vàng. Vậy vai trò điều tiết của Nhà nước thể hiện ở chỗ nào?

Ông Vũ Vinh Phú: Nhà nước quan trọng lắm. Nhà nước phải đầu tư, phải quan tâm và từ nhận thức đến hành động.

Nhận thức về ung thư, nhận thức về việc thêm giường bệnh viện, nhận thức về việc nhập hàng trăm triệu USD tiền chữa bệnh trong đó có một phần ba là ăn. Phải nhận thức thì mới hành động được. Sau khi nhận thức xong thì đầu tư vào: nước sạch, môi trường sạch...

Nhà nước phải quan tâm đến vấn đề thực phẩm bẩn đi, đừng làm nhiều bảo tàng, nhiều dự án không thực sự cấp thiết, hoành tráng nữa. Phải tập trung vào nông nghiệp sạch.

Một cân xà lách ở Nhật là 1,2 triệu đồng, tại sao chúng ta không đầu tư vào? Ở Việt Nam chúng ta bán mấy chục ngàn không xong là vì rau bị lẫn lộn, không sạch. Các nước đang đầu tư vào nông nghiệp nhưng ở nước mình lại không làm, toàn đi làm thuê cho nước ngoài.

PV: Theo xu hướng này, trong thời gian tới, ông có nghĩ vấn đề thực phẩm sạch sẽ trở thành vấn đề cực kỳ nhức nhối xã hội ở Việt Nam không?

Ông Vũ Vinh Phú: Quốc nạn. Hôm trước ở một diễn đàn doanh nghiệp họ nói vấn đề thực phẩm bẩn là vấn nạn nhưng tôi cho là quốc nạn. Quốc nạn thể hiện ở chỗ: ung thư, số người chết do ăn uống... Có vị quan chức nào đó nói thực phẩm hầu hết sạch nhưng vị quan chức đó nói sai.

Tôi nghĩ kỷ cương phép nước phải nghiêm và phải là hai chiều: ai làm ăn tốt thì khen để người dân biết đến mua, còn ai làm săn sai thì phải phạt để tránh việc sản xuất thực phẩm bẩn lan rộng. Ở Singapore, nếu một cửa hàng thực phẩm bị dán giấy đen thì không ai dám vào mua.

Vấn đề là cơ quan kiểm soát phải trong sạch. Nếu người dân ra chợ không dám mua thịt, ra ruộng không dám mua rau thì đó là thất bại của các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề thực phẩm, thất bại trước trách nhiệm đối với nhân dân.

PV: Là một người rất quan tâm đến thực phẩm, ông có thể chia sẻ một slogan nào đó cho cuộc chiến chống thực phẩm bẩn hiện nay?

Ông Vũ Vinh Phú: "Hãy cung cấp thực phẩm cho xã hội như cho chính người thân của mình". Đó là lòng mong muốn của mình. Đừng có mớ rau cho bà hàng xóm và mớ rau bán ở chợ. Ở Nhật, một mớ rau mùi mà người nông dân còn dán mã vạch để chịu trách nhiệm. Trời ơi, kỷ luật thị trường sướng quá.

Nhiều người Việt Nam nhanh nhẹn, láu cá, làm ăn cẩu thả, không bền vững. "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" thì việc dẫn tới thực trạng hiện nay là tất yếu. Mà nó sẽ còn ảnh hưởng đến đầu tư, du lịch nữa chứ không chỉ là vấn đề miếng ăn của người dân.

Xin cám ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại