Việt Nam báo tin vui với dự án 3.000 tỷ, 'ông lớn' có hơn 700 tàu chốt liền thỏa thuận

Vy Lam |

Tập đoàn vận tải biển số 1 thế giới đã chốt thêm thỏa thuận mới trong kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam.

Việt Nam báo tin vui với dự án 3.000 tỷ, ông lớn có hơn 700 tàu chốt liền thỏa thuận - Ảnh 1.

Cảng cạn gần 3.000 tỷ chính thức đi vào hoạt động

Ngày 28/10, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa vào hoạt động Cảng cạn Phú Mỹ do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư tại Khu Công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ. Cảng có tổng diện tích khoảng 38ha, tổng mức đầu tư hơn 2.992 tỷ đồng.

Đây là cảng cạn đầu tiên đi vào hoạt động tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 trong khu vực phía nam.

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cảng cạn Phú Mỹ là "cánh tay nối dài" của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải và là tiền đề quan trọng, tạo bước ngoặt cho sự phát triển mạnh mẽ dịch vụ hậu cần cảng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong tương lai.

Cảng cạn Phú Mỹ gồm các phân khu chính như khu bến thủy nội địa, chiều dài bến gần 581m; kho hàng gồm kho hàng tổng hợp, kho lạnh và kho CFS; Khu bãi gồm bãi container hàng xuất nhập khẩu, bãi container hàng nội địa, bãi container lạnh, bãi container rỗng và khu bãi hàng hở.

Nơi này sẽ cung cấp một hệ sinh thái dịch vụ logistics đa phương thức, tích hợp, trọn gói với các dịch vụ cốt lõi như dịch vụ vận chuyển đa phương thức, dịch vụ xếp dỡ, đóng rút hàng hoá, kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, sửa chữa, vệ sinh và bảo dưỡng container, dịch vụ lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ logistics khác.

Việt Nam báo tin vui với dự án 3.000 tỷ, ông lớn có hơn 700 tàu chốt liền thỏa thuận - Ảnh 2.

Cảng cạn Phú Mỹ trên sông Mỏ Nhát. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

"Cánh tay nối dài" đưa siêu cảng vươn tầm khu vực

Cảng cạn được coi là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, góp phần giảm ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị, giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển.

Theo nghiên cứu của hai tác giả Marta Gonzalez-Aregall và Rickard Bergqvist đăng trên Science Direct , việc tích hợp cảng biển và cảng cạn có thể được xem là bước đi chiến lược nhằm kéo dài vòng đời của cảng biển và là giải pháp hiệu quả để giải quyết các tình huống gián đoạn hoạt động có thể xảy ra trên cảng biển.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Đa ngành Thế giới (Ấn Độ) cho biết, các cảng biển Việt Nam thường bị giới hạn bởi không gian cũng như khu vực kho bãi nên diện tích kho hàng khó có thể mở rộng.

Các nhà khai thác cảng thường áp dụng một số biện pháp nhằm giảm thời gian container nằm tại cảng, ví dụ như tăng phí lưu kho hoặc tính phí theo phương pháp lũy tiến cho thời gian quá hạn.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các chủ hàng không thể giải phóng container khỏi cảng trong thời gian ngắn. Vì vậy, giải pháp thích hợp nhất để giải quyết vấn đề này chính là cảng cạn.

Việt Nam báo tin vui với dự án 3.000 tỷ, ông lớn có hơn 700 tàu chốt liền thỏa thuận - Ảnh 3.

Cảng cạn được coi là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Thời gian trước, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu phản ánh rằng, khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải không có cảng cạn nên các hoạt động dịch vụ tiếp nhận và giải phóng hàng hóa rất khó khăn, làm giảm năng lực cạnh tranh của cụm cảng này.

Trong khi đó, dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, với tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng, đang đặt mục tiêu phát triển ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045.

Do vậy, việc sớm đưa vào hoạt động cảng cạn Phú Mỹ sẽ tạo điều kiện giúp cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải giải phóng nhanh hàng hóa, giảm áp lực cho cầu bến và bãi, tăng khả năng thông quan hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển.

Các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào cảng cạn

Cũng tại buổi lễ công bố và đưa vào hoạt động cảng cạn Phú Mỹ, công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác mở bãi chứa (depot) container rỗng với MSC - tập đoàn vận tải biển số 1 thế giới hiện nay, đồng thời thành lập liên doanh với Medlog, nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp trọn gói tại 70 quốc gia trên thế giới.

Hiện chưa có thông tin cụ thể về thỏa thuận với MSC nhưng trước đó, theo hãng tin CNBC , MSC đang tích cực tham gia vào các dự án cảng biển tại Việt Nam. Tập đoàn này đánh giá Việt Nam nói riêng, và Đông Nam Á nói chung là thị trường rất quan trọng trong chuỗi cung ứng. Theo số liệu thống kê mới nhất của Statista, tính đến thời điểm hiện tại, MSC đang sở hữu đội tàu lên tới 756 chiếc.

Đây là một trong số các tập đoàn vận tải và hậu cần lớn nhất thế giới đang theo xu hướng dịch chuyển trọng tâm sang Đông Nam Á.

Việt Nam báo tin vui với dự án 3.000 tỷ, ông lớn có hơn 700 tàu chốt liền thỏa thuận - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Patric Bergamini, Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh và quan hệ chính phủ của Tập đoàn CMA-CGM tháng 12/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhận định về mối liên hệ tương quan giữa xu hướng dịch chuyển của các tập đoàn nước ngoài với việc phát triển cảng cạn ở Việt Nam, chuyên san Thương mại và Hậu cần Quốc tế (JILT - Hàn Quốc) cho rằng, đây là một trong những cơ hội lớn nhất để Việt Nam nhanh chóng gia tăng số lượng cảng cạn.

Theo bản Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7 năm nay, Bộ Giao Thông Vận Tải đã đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại 19 hành lang vận tải tại cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Ước tính, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng 27.400 - 42.380 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, đã có một số tập đoàn nước ngoài bày tỏ mối quan tâm tới các dự án cảng cạn của Việt Nam.

Tiêu biểu như vào tháng 12 năm ngoái, CMA-CGM (1861) - tập đoàn vận tải và logistics hàng đầu Pháp cũng như trên thế giới với hơn 257 đường vận chuyển tàu thủy trung chuyển giữa 420 cảng tại 160 quốc gia - đã đề cập tới kế hoạch đầu tư cảng cạn tại miền Nam Việt Nam.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Brussels (Bỉ), ông Patric Bergamini, Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh và quan hệ chính phủ của Tập đoàn CMA-CGM nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong 20 địa bàn đầu tư chiến lược của Tập đoàn.

Đáp lại, Thủ tướng đã hoan nghênh và ủng hộ CMA-CGM mở rộng đầu tư cảng cạn tại miền Nam Việt Nam, nơi còn nhiều dư địa phát triển các cảng cạn.

Cũng trong năm ngoái, ông Sổm Vắng Vông Vi Lay - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Chitchareune đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn đầu tư cảng cạn 200ha nhằm kết nối hàng hóa tại các tỉnh nước CHDCND Lào đến cảng Vũng Áng.

Trước đó, vào năm 2019, trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, ông Robert Yap - Chủ tịch Tập đoàn YCH (Singapore) bày tỏ rằng, với thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ logistics và các chuỗi cung ứng, YCH mong muốn đầu tư xây dựng cảng cạn với quy mô lớn tại Vĩnh Phúc để trung chuyển hàng hóa trong khu vực ASEAN, đồng thời, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và đào tạo kỹ năng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại