Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Sputnik
Theo đài RT (Nga), Nagorny-Karabakh là một thực thể ly khai khỏi lãnh thổ Azerbaijan từ đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, lãnh thổ này vẫn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
Trong khi đó, người dân ở Nagorny-Karabakh chủ yếu là người dân tộc Armenia và có chính quyền riêng với liên hệ chặt chẽ với chính phủ Armenia. Armenia và các nước thành viên Liên hợp quốc chưa công nhận chính quyền này. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng.
Là một đồng minh truyền thống của Armenia, Nga đóng vai trò là nhân tố then chốt trong nỗ lực giải quyết các tình trạng leo thang trước đây, bao gồm cả hai cuộc chiến tranh toàn diện trên vùng lãnh thổ này.
Tuy nhiên, Chính phủ Armenia hiện tại dưới thời Thủ tướng Nikol Pashinyan đã nhiều lần cáo buộc Moskva đi ngược lại lợi ích của Yerevan. Và Nga đã bác bỏ các cáo buộc này.
Gần một ngày sau cuộc leo thang gần đây nhất, chính quyền Nagorny-Karabakh đã công bố quyết định ngừng bắn, hạ vũ khí, chấp nhận đàm phán sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ Azerbaijan. Chính quyền Nagorno-Karabakh ghi nhận lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận đột phá này.
Xung đột leo thang
Ảnh: AFP
Trước đó, ngày 19/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã công bố “các biện pháp chống khủng bố địa phương” ở Nagorny-Karabakh. Baku cáo buộc Armenia triển khai các thiết bị quân sự bên trong lãnh thổ của nước này và tiến hành các hoạt động phá hoại chống lại quân đội Azerbaijan.
Yerevan đã phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Baku đang thực hiện cuộc “thanh lọc sắc tộc”, bởi phần lớn người dân sinh sống ở khu vực này là người thuộc sắc tộc Armenia.
Armenia đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Mỹ, cùng các quốc gia khác can thiệp để giải quyết cuộc xung đột này.
Phản ứng của Nga
Trong ngày 19/9, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận nhiều động thái vi phạm lệnh ngừng bắn từ phía Azerbaijan. Quân đội nước này đã sơ tán dân thường khỏi khu vực xung đột. Nga đã triển khai phái đoàn gìn giữ hòa bình ở Nagorny-Karabakh.
Bộ Quốc phòng cho biết tính đến sáng ngày 20/9, ít nhất 2.000 dân thường, trong đó có 1.049 trẻ em, đã được sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Giới chức quân sự Nga kêu gọi “tất cả các bên trong cuộc xung đột ngừng bắn ngay lập tức và thực hiện các biện pháp để giảm leo thang tình hình và nối lại các cuộc đàm phán”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các bên quay trở lại thỏa thuận 3 bên do Armenia, Azerbaijan và Moskva đã ký kết sau cuộc xung đột năm 2020 ở Nagorny-Karabakh. Cuộc xung đột kéo dài 44 ngày đã chấm dứt với việc Azerbaijan giành quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn. Theo thỏa thuận này, lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai trong khu vực này để giám sát lệnh ngừng bắn do Moskva làm trung gian.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Ngay sau khi Azerbaijan và giới chức Nagorny-Karabakh đồng ý ngừng bắn hôm 20/9, Tổng thống Vladimir Putin cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đang hợp tác với tất cả các bên trong cuộc xung đột.
“Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang làm việc rất tích cực với tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột này. Họ đang làm mọi thứ để bảo vệ dân thường”, ông Putin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc đối thoại có sự tham gia của Moskva, Yerevan, Baku và chính quyền ở Nagorno-Karabakh sẽ giúp giảm leo thang và giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
Ông Putin nói thêm rằng trên 2.000 dân thường, trong đó có khoảng 1.000 trẻ em, đang được cung cấp chỗ ở tại căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực.
Thay đổi hiện trạng
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tình hình ở Nagorny-Karabakh bị ảnh hưởng đáng kể bởi Armenia sẵn sàng thừa nhận khu vực này là một phần của nước láng giềng Azerbaijan.
Theo cơ quan ngoại giao Nga, Yerevan đã chính thức tuyên bố điều này 2 lần trong các cuộc đàm phán do EU làm trung gian. Moskva cho rằng điều này đã ảnh hưởng đến vị thế của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga
Lần thứ nhất là trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm ở Praha vào năm 2022. Tuyên bố khẳng định Armenia và Azerbaijan “cùng công nhận toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau”.
Lần thứ hai diễn ra vào tháng 5 năm nay, khi Thủ tướng Armenia Pashinyan tuyên bố rằng tổng lãnh thổ của Azerbaijan là 86.600 km2 – tính cả Nagorny-Karabakh.
Tuy nhiên, Armenia chưa từng chính thức công nhận nền độc lập của Nagorny-Karabakh, mặc dù mối quan hệ của nước này với khu vực này đã dần sâu sắc trong nhiều thập kỷ. Việc coi Nagorny-Karabakh, vùng lãnh thổ mà người Armenia gọi là Artsakh, như một phần của Armenia chính là nền tảng chính trị của đất nước.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Politico vào tuần trước, trước khi căng thẳng với Azerbaijan leo thang, ông Pashinyan đã tái khẳng định lập trường này. Thủ tướng Armenia tuyên bố Nga không thể thay mặt Armenia can thiệp vào các cuộc đụng độ ở biên giới với Azerbaijan.
Tuần trước, Tổng thống Nga Putin cho biết người đồng cấp Azerbaijan, ông Ilham Aliyev, đã nói với ông rằng vì Armenia không tranh chấp hiện trạng Nagorny-Karabakh, nên mọi vấn đề liên quan sẽ được giải quyết mà không có Yerevan.
“Chúng tôi có thể nói gì về điều đó? Không có gì đáng nói nếu chính Armenia công nhận Karabakh là một phần của Azerbaijan”, ông Putin giải thích.
Phát biểu hôm 20/9, Thư ký báo chí của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ những tuyên bố từ Armenia cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã không hoàn thành sứ mệnh. Ông nói thêm rằng theo tuyên bố của Yerevan, Baku đã hành động bên trong lãnh thổ có chủ quyền của nước này.
Thỏa thuận với phương Tây
Thủ tướng Armenia Pashinyan lên nắm quyền vào năm 2018. Mỹ và các đồng minh đã kêu gọi Chính phủ của ông liên kết với phương Tây.
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ, đã đến thăm Yerevan sau cuộc khủng hoảng biên giới năm 2022 để bày tỏ sự ủng hộ của Washington đối với “nền dân chủ Armenia”.
Trong khi đó, EU đã tiến vào khu vực này với sứ mệnh giám sát riêng. Moskva coi động thái này là một mưu đồ địa chính trị có thể “gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của người Armenia và người Azerbaijan”.
Vài tuần trước khi xung đột leo thang, Armenia đã tổ chức cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ. Đầu tháng này, bà Anna Hakobyan, phu nhân của Thủ tướng Pashinyan, cũng đã tới Kiev để chuyển hàng viện trợ và được chụp ảnh bắt tay với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.