Vì sao Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ?

Trung Chánh |

Là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo của thế giới, nên thông tin từ Reuters về việc Việt Nam nhập khẩu gạo từ chính đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ có thể khiến nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng ngạc nhiên và bất ngờ. Vậy, lý do gì đã khiến Việt Nam phải nhập khẩu gạo?

Hoạt động bốc dỡ gạo xuất khẩu tại cảnh Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Hoạt động bốc dỡ gạo xuất khẩu tại cảnh Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Theo Reuters, những phân tích về thị trường gạo của thế giới cho thấy nguồn cung gạo ở châu Á khá khan hiếm, giá có thể tăng cao trong năm 2021, thậm chí buộc những nhà nhập khẩu gạo truyền thống từ Thái Lan, Việt Nam chuyển sang Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Trao đổi với TBKTSG Online liên quan đến thông tin các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải nhập khẩu gạo 100% tấm từ đối thủ Ấn Độ, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV nhấn mạnh, việc doanh nghiệp trong nước nhập khẩu gạo từ Ấn Độ chắc chắn là có, nhưng chưa rõ là đơn vị nào đã nhập.

Theo thừa nhận của ông Thành, đơn vị này cũng đã từng mua lại một ít nguồn cung gạo tấm được nhập khẩu về Việt Nam. “Tôi biết nguồn tấm đó không phải là của Việt Nam, mà có thể là từ Ấn Độ hoặc của Pakistan”, ông Thành cho biết và nói rằng, Phước Thành IV cũng đã từng tham khảo tấm của Ấn Độ và Pakistan.

Báo cáo của Tổng cục hải quan về nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, thì với thị trường Ấn Độ, mặt hàng gạo không được thể hiện trong báo cáo thống kê.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An thì cho biết, đơn vị này chưa nắm được thông tin Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, tuy nhiên, nếu có thì đây cũng là chuyện bình thường trong quan hệ thương mại. “Bởi, nguồn cung từ Ấn Độ có giá rẻ, trong khi nhu cầu trong nước thì cao”, ông Bình cho biết.

Trong khi đó, hãng tin Reuters xác nhận thông tin từ ông B.V.Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết, Việt Nam bắt đầu mua gạo từ quốc gia này và đây là lần đầu tiên Ấn Độ xuất khẩu gạo sang Việt Nam.

Theo hãng tin này, các doanh nghiệp của Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm cho Việt Nam với giá FOB khoảng 310 đô la Mỹ/tấn, các lô hàng được giao vào tháng 1 và 2.

Trao đổi với TBKTSG Online về việc có hay không doanh nghiệp trong nước đã ký hợp đồng nhập khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm của Ấn Độ, một vị lãnh đạo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận, có việc nhập khẩu, nhưng số lượng cụ thể ra sao, thì cần phải cập nhật lại.

Trong khi đó, khi nói về lý do Việt Nam phải nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, ông Thành của Phước Thành IV cho rằng, do nhu cầu đối với chủng loại gạo tấm phục vụ cho mục đích làm bột, bánh, bún, phở và cơm tấm…, ở trong nước đang có, trong khi nguồn cung của phân khúc này lại thiếu hụt, không đủ để phục vụ, cho nên, phải nhập khẩu. “Đây cũng là lý do lý giải vì sao giá lúa, gạo IR 50404 năm nay lúc nào cũng cao gần bằng với gạo thơm”, ông cho biết.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng sản lượng lúa của Việt Nam năm 2020 giảm 1,85% xuống còn 42,69 triệu tấn, tương đương 21,35 triệu tấn gạo. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm ngoái cũng được dự báo giảm 3,5%, chỉ còn 6,15 triệu tấn.

Các doanh nghiệp ngành gạo cũng cho rằng Covid-19 đã khiến Việt Nam và nhiều quốc gia khác phải tích trữ gạo. Năm ngoái, Việt Nam đã thông báo dự trữ 270.000 tấn gạo nhằm đảm bảo nguồn lương thực trong bối cảnh Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo cáo từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan cho thấy, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 498-502 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm là 473-477 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Ấn Độ là 368-372 đô la Mỹ/tấn và gạo 25% tấm là 328-332 đô la Mỹ/tấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại