Giá lúa cao nhất trong lịch sử hơn 30 năm xuất khẩu gạo

Nguyễn Huyển |

Tại Đồng bằng sông Cửu Long giá lúa tươi OM 5982, OM 6976, IR 50404 … dao động từ 6.800 - 7.000. Giá chào gạo 5% tấm mức 495 – 500 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 30 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo.

Thu hoạch lúa - Ảnh: Nguyễn Huyền

Thu hoạch lúa - Ảnh: Nguyễn Huyền

Hiện nay các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cuối vụ thu hoạch lúa Thu Đông 2020, đã có khoảng 90% diện tích vụ Thu Đông đã thu hoạch xong. Lượng lúa không dào dồi, nguồn cung đã cạn nên giá lúa được thương lái đẩy lên cao để mua vào.

Giá lúa năm nay cao ở mức lịch sử

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tại thị trường An Giang, giá lúa OM 9577 đang ở mức 7.000 đồng/kg; giá lúa OM 9582 dao động từ 6.800-7.000 đồng/kg; lúa IR 50404 dao động 6.700-6.900 đồng/kg, lúa OM 6976 đang được thu mua từ 6.800 – 7.000 đồng/kg, tăng 100 đ/kg so với mấy hôm trước.

Các loại gạo ổn định: gạo Hương lài 19.500 đồng/kg; gạo sóc thường 14.500 đồng/kg. Gạo sóc Thái 17.500 đồng/kg; gạo Nàng hoa 16.500 đồng/kg.

Các thương lái cho biết, hôm nay lượng gạo về ổn định. Nhu cầu hỏi mua các loại gạo thơm nhiều. Các kho và nhà máy đẩy mạnh mua lúa Thu Đông và cọc lúa Đông Xuân.

Ông Đỗ Hà Nam. Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intimex Group cho biết, giá gạo Việt Nam đang ở mức rất cao, nhất là đối với các loại gạo doanh nghiệp có nhu cầu mua để giao hàng. Giá gạo Việt Nam đã vượt qua cả Thái Lan.

Việt Nam với lợi thế sản xuất 3 vụ lúa/năm trong khi các nước khác chỉ có 1 hoặc 2 vụ lúa/năm và thu hoạch vào tháng 9, đến tháng 10 đã bán hết.

Thông thường vụ Thu Đông rơi vào giai đoạn giáp hạt nên nhu cầu nhập khẩu của các nước như Philippines rất lớn, nhưng sản lượng vụ lúa lại ít nên Việt Nam "một mình một chợ". Bên cạnh đó thuế nhập khẩu của Philippines dành cho các nước trong khối ASEAN chỉ 30% trong khi các nước ngoài khối là 50%, nên các nước khác không thể cạnh tranh được với Việt Nam.

Cho dù, Philippines thay đổi cơ chế thuế nhập khẩu gạo các nước bằng nhau thì Việt Nam vẫn có lợi thế thị trường gần và khả năng giao hàng tốt. Thái Lan cũng là nước trong khối ASEAN nhưng hiện nay Thái Lan chỉ còn một lượng nhỏ hàng nên chỉ bán cầm chừng và không cạnh tranh được với Việt Nam.

Khó nhất là giá thuê container rất đắt

Ông Nam cho biết thêm, công ty vừa ký hợp đồng bán 100 ngàn tấn gạo loại 5% giá 510 USD/tấn, giao hàng trong tháng 12 và tháng 1/2021, đến nay công ty đã giao được 70.000 tấn.

Tuy nhiên, bây giờ vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là giá thuê container rất đắt mà lại không có container để thuê nên công ty phải chuyển qua giao hàng bằng tàu rời.

Giá gạo trên thị trường cứ tăng liên tục nếu doanh nghiệp nào mua trước với giá hợp lý thì có lời, còn doanh nghiệp nào lỡ ký bán với giá thấp bây giờ giá lúa gạo tăng cao vẫn phải mua để giao thì chịu lỗ.

"Tình hình giá gạo biến động tăng như hiện nay, Intimex không dám ký bán xa mà chủ trương mua đâu bán đó. Nếu doanh nghiệp nào ký bán lúc Chính phủ mới cho mở cửa trở lại mà chưa mua được hàng với giá gạo như hiện nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ tiềm lực kinh tế hạn chế", ông Nam cho biết.

Hiện nay, nhu cầu gạo trên thị trường xuất khẩu vẫn cao nhưng đầu ra xuất khẩu gạo đang đối mặt với hai vấn đề: Thứ nhất giá cước cao, và khách hàng Philippines đang ép giá gạo Việt Nam. Song, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tốt đến hết vụ Đông Xuân 2021 và không loại trừ tình hình chỉ tốt cho vụ Đông Xuân thôi, khi nhu cầu gạo ở thị trường Philippines ổn định rồi thì giá gạo sẽ bình ổn trở lại.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Philippines chiếm khoảng 35%/ tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nhu cầu gạo của Philippines trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ tương tự năm 2020 với lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam tương đương năm 2020 . Philippines vẫn sẽ là khách hàng lớn nhất Việt Nam vì người tiêu dùng Philippines rất chuộng gạo Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 12/2020 ước đạt 423.066 tấn, kim ngạch ước đạt 229,266 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 15,31% về lượng, tăng 0,05 về giá trị.

Cộng dồn 12 tháng xuất khẩu gạo ước đạt 6,125 triệu tấn và trị giá 3,058 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 3,78% về khối lượng nhưng tăng 9% về giá trị.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, sản lượng đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, giá xuất khẩu từ 440 USD năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại