Vì sao Việt Nam nên mua vận tải cơ Kawasaki C-2 của Nhật Bản?

Nguyễn Anh Tuấn |

Kawasaki C-2 đang nổi lên như một ứng viên sáng giá trong cuộc đua giành vị trí máy bay vận tải hạng trung của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Theo thông tin từ phía Nhật Bản, sau khi quốc gia Đông Bắc Á này thay đổi chính sách cấm xuất khẩu vũ khí, họ đã rất tích cực giới thiệu các sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng nước mình ra thế giới, trong đó bao gồm máy bay vận tải quân sự C-2 do Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki chế tạo.

Các công ty Nhật Bản đang xúc tiến tìm kiếm khách hàng nước ngoài, đồng thời họ đề xuất chính phủ cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Có thể nói với sự hợp tác ngày càng đi vào thực chất, cả về bề rộng lẫn chiều sâu giữa Việt Nam và Nhật Bản, cơ hội để chúng ta sở hữu vận tải cơ tầm trung C-2 trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, đây là sự bổ sung cần thiết đối với Lực lượng Đổ bộ đường không nói riêng cũng như Không quân vận tải Việt Nam nói chung.

Vì sao Việt Nam nên mua vận tải cơ Kawasaki C-2 của Nhật Bản? - Ảnh 1.

Máy bay vận tải Kawasaki C-2

Trong phân khúc máy bay vận tải tầm trung có thể kể đến những tên tuổi lớn như Airbus A400M của châu Âu hay C-130J Super Hercules của Mỹ...

Tuy nhiên sau khi nghiên cứu kỹ các ứng viên đến từ nước ngoài, Bộ quốc phòng Nhật Bản kết luận rằng không có loại nào đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của JASDF, do vậy Kawasaki C-2 đã ra đời.

Vì sao Việt Nam nên mua vận tải cơ Kawasaki C-2 của Nhật Bản? - Ảnh 2.

Kawasaki C-2 được chế tạo dựa trên những yêu cầu rất cao của Bộ quốc phòng Nhật Bản

Chiếc máy bay này được trang bị 2 động cơ phản lực General Electric CF6-80C2K1F (lực đẩy 266 kN mỗi chiếc), cho tốc độ lớn nhất 890 km/h, trần bay 12.200 m, tầm bay chuyển sân 10.000 km (hoặc 6.500 km khi mang tải 12 tấn), chở được tối đa 37,6 tấn hàng hóa.

Cần lưu ý rằng so với "người tiền nhiệm" C-1 chỉ mang tải 10 tấn còn C-130J là 20 tấn, C-2 có kích thước và khả năng chuyên chở tương đương A400M của Airbus, nó sẽ được sử dụng để vận chuyển quân, thả vật tư, hay thực hiện công tác sơ tán y tế...

Vì sao Việt Nam nên mua vận tải cơ Kawasaki C-2 của Nhật Bản? - Ảnh 3.

Khoang hàng hóa rộng rãi của C-2

Kích thước khoang chứa hàng (16 x 4 x 4) m cho phép chuyên chở 120 binh sĩ, hoặc 8 pallet hàng hóa hàng không tiêu chuẩn, hoặc 1 trực thăng UH-60J. Chiếc phi cơ này có một đoạn đường nối tải phía sau có thể mở trong chuyến bay.

Thông số kỹ thuật cơ bản: chiều dài 43,9 m; sải cánh 44,4 m; chiều cao 14,2 m; trọng lượng rỗng 60,8 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 141,4 tấn; kíp lái 3 người. Tính năng nổi bật của C-2 là hoạt động tốt từ đường băng ngắn hay sân bay dã chiến không chuẩn bị trước.

Với quãng đường cất hạ cánh yêu cầu chỉ 900 m khi mang tải nhẹ (2.300 m khi mang tải tối đa), Kawasaki C-2 đủ khả năng hoạt động tại sân bay trên Quần đảo Trường Sa (nếu được nâng cấp). Điều này cho phép Việt Nam chi viện nhân lực và vật lực nhanh chóng cho các căn cứ xa trong thời chiến cũng như thời bình.

Vì sao Việt Nam nên mua vận tải cơ Kawasaki C-2 của Nhật Bản? - Ảnh 4.

Buồng lái hiện đại của Kawasaki C-2

Tuy nhiên cũng có một trở ngại cần tính tới, đó là đơn giá một chiếc C-2 hiện vào khoảng 136 triệu USD, mặc dù rẻ hơn con số 200 triệu USD của A400M nhưng lại đắt hơn đáng kể C-130J (110 triệu USD).

Nhưng như đã đề cập ở phần đầu bài viết, nếu phía Nhật Bản thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho đối tác nước ngoài thì khả năng C-2 được Việt Nam lựa chọn vẫn là khá cao, đặc biệt khi chúng ta gần đây đã bày tỏ sự quan tâm tới máy bay tuần tra hàng hải P-3C hay trực thăng săn ngầm SH-60J của đất nước Mặt Trời Mọc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại