Như đã từng phân tích trước đó, các khinh hạm thuộc lớp Đô đốc Grigorovich (Dự án 11356M) hay Talwar (Dự án 11356) tỏ ra quá tầm với của Hải quân Việt Nam, trong đó nhược điểm nổi bật nhất là giá thành rất cao (trên 600 triệu USD/chiếc), đi kèm chi phí khai thác và bảo dưỡng cũng ở mức rất "khủng".
Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ đang trên con đường xây dựng lực lượng với mục tiêu vươn lên thành đối trọng ngang hàng Trung Quốc, họ có kinh nghiệm vận hành nhuần nhuyễn 6 chiếc Talwar từ nhiều năm nay, mua lại 3 khinh hạm đang đóng dở của Nga sẽ là phương án nhanh nhất lấp đầy khoảng trống của hạm đội tàu mặt nước trong lúc tình hình đang ngày càng tăng nhiệt.
Với những lý do trên, khả năng Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam một khoản kinh phí lớn để mua các tàu chiến Dự án 11356/11356M là rất khó xảy ra, nhất là khi nhìn lại quá khứ, họ tỏ ra rất chi li và dè xẻn trong hợp tác quân sự với nước ngoài (từng "treo" lời đề nghị chuyển giao tàu chiến cỡ trung bình cho Việt Nam mặc dù chúng sắp hết hạn sử dụng).
Khinh hạm Đô đốc Grigorovich (Dự án 11356M) của Hải quân Nga
Nếu vậy, chiến hạm mang sẵn tên lửa BrahMos mà Ấn Độ muốn cung cấp cho Việt Nam sẽ thuộc loại nào? Với truyền thống của quốc gia Nam Á, không loại trừ bạn sẽ bán lại cho chúng ta một vài khu trục hạm Rajput sắp hết hạn sử dụng.
Rajput là một biến thể dựa trên Kashin của Liên Xô/Nga (nó còn được gọi là Kashin II), có tất cả 5 chiếc loại này được Ấn Độ đóng từ nửa đầu thập niên 1980, đánh số hiệu từ D51 tới D55, tàu đầu tiên vào biên chế năm 1983 còn chiếc "trẻ" nhất cũng đã trên 28 năm phục vụ, tất cả đều đã đến tuổi "nhận sổ hưu".
Vũ khí nguyên bản của lớp khu trục hạm có lượng giãn nước đầy tải 4.974 tấn này bao gồm tên lửa hành trình chống hạm SS-N-2D Styx, tên lửa phòng không SA-N-1 (S-125M), pháo hạm 76 mm, pháo phòng không AK-230 cỡ 30 mm, cùng các ống phóng ngư lôi chống ngầm 533 mm.
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến, Hải quân Ấn Độ đã tích hợp tên lửa hành trình BrahMos lên tàu đi kèm với việc vẫn giữ lại tên lửa Styx đời cũ (cấu hình có thể là 2 Styx - 4 BrahMos hoặc 4 Styx - 8 BrahMos), hay trang bị tên lửa phòng không Barak-1 và pháo AK-630M cho chiếc Ranvir cùng với Ranvijay.
Tên lửa hành trình chống hạm BrahMos được phóng đi từ khu trục hạm INS Rajput (D51)
Do đã đến lúc bị loại biên để nhường chỗ cho những lớp tàu chiến mới và hiện đại hơn, nhưng thay vì dỡ bỏ, Ấn Độ rất muốn bán lại những khu trục hạm lạc hậu này cho nước ngoài, mục đích vừa để có thêm tiền tái đầu tư cho các dự án vũ khí mới lại vừa đỡ phải tốn kinh phí tháo dỡ.
Chính vì thế, khả năng rất cao đây mới là lớp chiến hạm mang sẵn tên lửa BrahMos mà Ấn Độ muốn bán cho Việt Nam chứ không phải những khinh hạm tàng hình thuộc Dự án 11356 hiện đại. Nếu đúng như vậy, lời đề nghị này sẽ rất khó được Việt Nam thông qua, trừ khi chúng là hàng "cho không".