Sự yên tĩnh đến kỳ lạ trên phần lớn chiến trường của Ukraine, ngoại trừ Bakhmut, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Điều gì khiến cuộc phản công mùa xuân chưa thể diễn ra?
Trong những tuần gần đây, các quan chức hàng đầu Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói rằng Kiev chưa thể bắt đầu một cuộc phản công lớn vào các phòng tuyến của Nga nếu không có thêm vũ khí từ Mỹ và phương Tây.
Cho đến nay, giới chức phương Tây cũng vẫn từ chối yêu cầu của Ukraine về máy bay chiến đấu F-16 và pháo phản lực tầm xa có thể vươn tới các phòng tuyến của Nga, vốn nằm ngoài tầm bắn 64km của các hệ thống pháo phản lực đa nòng mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine từ mùa hè năm 2022.
Xe tăng Ukraine ở Chasov Yar. Ảnh: Reuters
Chưa thể phản công khi chưa có thêm vũ khí của phương Tây
"Chúng tôi đang chờ đợi thêm vũ khí, đạn dược từ các đối tác", ông Zelensky cho biết khi trả lời phỏng vấn báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hồi cuối tháng 3.
Tổng thống Ukraine cho biết thêm, cuộc phản công "chưa thể bắt đầu – chúng tôi không thể đưa những người lính của mình ra tiền tuyến mà không có xe tăng, pháo và tên lửa tầm xa".
Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov trong một cuộc phỏng vấn với AP ngày 17/4 cho hay, cuộc phản công của Kiev "chỉ là vấn đề thời gian", đồng thời nói thêm rằng nhiệm vụ này đi kèm với "cái giá rất cao".
"Không ai trong chúng tôi bắt đầu cuộc phản công mà không chuẩn bị sẵn sàng", ông Danilov nói.
Thời điểm băng tan vào mùa xuân cũng là lúc những chiếc xe tăng Leopard của Đức được đưa đến Ukraine và tiếp sau đó là lời hứa về xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, ở Kiev, nhiều người cho rằng, những chiếc xe tăng này quá ít và đến quá muộn. Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng phải mất nhiều tháng nữa xe tăng Abrams mới có thể đến Ukraine, bởi Lầu Năm Góc còn xem xét lại kho dự trữ để xem có thể gửi đi những gì.
Tệ hơn, xe tăng Leopard đến từ 8 quốc gia khác nhau bắn các loại đạn khác nhau. Điều này khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc mua số lượng lớn đạn dược.
Bà Sasha Ustinova, một nhà lập pháp Ukraine, nói với Foreign Policy rằng quân đội Mỹ cung cấp ít hơn nhiều so với những gì ông Valeriy Zaluzhny, tướng hàng đầu của Ukraine, đã yêu cầu từ Lầu Năm Góc. Theo bà Ustinova, Ukraine hy vọng bắt đầu cuộc phản công vào tháng 4, nhưng việc thiếu vũ khí đã khiến thời điểm bị lùi lại vô thời hạn.
"Chúng tôi, với tư cách là một đội quân, muốn có tất cả vũ khí ngay bây giờ, nhưng tất nhiên điều đó là không thể trong tình hình hiện tại. Chúng tôi cần máy bay phản lực, nhưng thành thật mà nói, đây không phải là vấn đề có thể bàn đến trong những tháng tới", một quan chức quân sự Ukraine giấu tên cho biết.
Thời gian chờ đợi càng kéo dài, Ukraine sẽ càng bất lợi
Kiev muốn giành lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt từ tay Nga ở Donbass và khu vực miền Nam. Sau cuộc phản công vào mùa thu năm 2022, các lực lượng Ukraine đã đẩy quân Nga qua sông Dnepr và chiếm lại Kherson, phía Bắc Bán đảo Crimea.
Một cuộc phản công tiếp theo vào mùa xuân có thể chứng kiến Ukraine cố gắng tiến về phía Nam, mặc dù họ sẽ phải đối mặt với quân phòng thủ kiên cố của Nga bên kia sông, hoặc cố gắng tiến về phía Đông vào các khu vực do Nga kiểm soát ở tỉnh Zaporizhzhia trước khi tiến tới cắt đứt các tuyến tiếp tế vào Crimea.
Nhưng khi thời gian chờ đợi càng kéo dài, các quan chức Ukraine lo ngại Nga cũng đã bắt đầu điều chỉnh chiến thuật, đủ để tạo ra sự khác biệt.
Nghị sỹ Ustinova cho biết, các tàu Nga được trang bị tên lửa tầm xa có thể khai hỏa chính xác vào các khu vực đô thị của Ukraine từ Biển Caspian, khiến Kiev không thể phản công. Những chiếc Su-35, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Nga, cũng có tầm hoạt động xa hơn và có thể khai hỏa từ không phận Nga.
"Nga đang sử dụng vũ khí có độ chính xác cao hơn và gây ra nhiều thiệt hại. Ukraine chỉ có vũ khí cũ", bà Ustinova nói. Lực lượng phòng không của Ukraine chỉ đủ để bao phủ một số thành phố và đang cố gắng lấp chỗ trống trước khi được nhận các khẩu đội Patriot do Mỹ sản xuất bằng tên lửa Buk thời Liên Xô, hệ thống tên lửa tầm trung Hawk mà Mỹ đã ngừng sử dụng vào những năm 1990 và đã đưa đến Ukraine nhưng không có radar.
Với việc quân đội Ukraine chịu hàng trăm thương vong mỗi tuần ở khu vực Donbass, các cựu quan chức Mỹ cho rằng mỗi ngày Kiev chờ đợi để bắt đầu một cuộc phản công, sức mạnh quân sự của họ lại bị suy giảm thêm bởi cuộc chiến đang diễn ra ở các thị trấn như Bakhmut.
Ông Jim Townsend, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách NATO và châu Âu, cho biết: "Mỗi ngày trôi qua, Ukraine chỉ càng tiêu hao còn Nga lại được củng cố thêm. Do đó, cuộc phản công này cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt".
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, Ukraine nên chờ đợi thêm. Ông Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga của tổ chức tư vấn CNA có trụ sở tại Virginia, cho biết: "Tôi nghĩ rằng Ukraine càng chờ đợi lâu, tỷ lệ thành công càng cao". Theo ông, ngoài vũ khí, Ukraine cũng thiếu các nguồn công cụ hỗ trợ chiến đấu với Nga như thiết bị rà phá bom mìn, cầu phao và các thiết bị hậu cần.
Quân đội Nga đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cuộc phản công sắp tới của Ukraine. Tại thành phố Berdyansk, nằm bên bờ biển phía Bắc Biển Azov, binh sỹ Nga đã bắt đầu củng cố sân bay bằng các chiến hào, chướng ngại vật chống tăng hình chóp được gọi là "răng rồng".
Lực lượng Nga cũng đã bắt đầu đào các công sự phòng thủ ở Crimea, bao gồm cả tại cảng Sevastopol và căn cứ không quân Belbek, nơi đã hứng chịu nhiều vụ nổ kể từ khi xung đột bùng phát cách đây hơn 1 năm. Moscow tập trung củng cố phòng tuyến chứ không tiến quân.
Ông Yehor Cherniev, một nhà lập pháp Ukraine, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng cường độ hoạt động tấn công của họ đang giảm đi. Đây là cơ hội tuyệt vời cho cuộc phản công của chúng tôi"./.