Bắc Kinh đưa ra lý do là nhằm chống lại các hành động của Mỹ ở nước láng giềng Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo tờ The Week, đó chỉ là ý định thô thiển của Bắc Kinh nhằm đóng vai nạn nhân mà thôi. Trên thực tế, Trung Quốc đã lên kế hoạch từ nhiều thập kỷ.
Trung Quốc đang tranh giành chủ quyền lãnh thổ, tự đặt mình về một phía, và phía bên kia là tất cả các nước láng giềng khác cùng với Mỹ. Vấn đề mấu chốt là tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và kế hoạch của Bắc Kinh cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Bao bọc vùng duyên hải Đông Nam Á, Biển Đông là một trong những vùng biển mang tính chiến lược và quan trọng về kinh tế nhất thế giới. Một phần ba số hàng hóa giao thương toàn cầu phải đi qua đây.
Đi theo con đường mòn của Mỹ-Liên Xô
Biển Đông cũng giàu có tài nguyên, từ ngư trường phong phú cho đến trữ lượng dầu khí. Vùng biển này giáp giới nhiều nước, có thể kể Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh yêu sách đến 90% Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước lân cận. Trung Quốc ồ ạt sử dụng các tàu cuốc để biến đổi nhiều rạn san hô, đảo đá ngầm thành những vị trí quân sự tiền tiêu.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ phân bổ số vũ khí nguyên tử của mình ra nhiều loại, từ tên lửa tầm xa, oanh tạc cơ đến tàu ngầm phóng tên lửa. Sự đa dạng hóa này khiến khó có thể phá hủy kho vũ khí hạt nhân của một nước chỉ bằng một vụ tấn công bất ngờ.
Mỹ, với lực lượng hải quân đầy uy lực và tiến bộ kỹ thuật, có thể điều tàu ngầm nguyên tử đến mọi nơi. Còn Liên Xô, với các tàu ngầm cấp thấp hơn và tên lửa tầm ngắn hơn, có năng lực hạn chế.
Nhằm bảo vệ các tàu ngầm nguyên tử của mình, Liên Xô đã phải thành lập hai "pháo đài" nằm gần lãnh thổ - một căn cứ ở Đại Tây Dương và thêm một căn cứ nữa ở Thái Bình Dương.
Một tàu ngầm của quân đội Trung Quốc.
Là cường quốc mới trỗi dậy, Trung Quốc đang đi theo con đường mòn của Mỹ và Liên Xô 50 năm trước.
Bắc Kinh sở hữu các tên lửa trên đất liền, máy bay ném bom, tàu ngầm phóng tên lửa. Và Trung Quốc cũng đang thành lập "pháo đài" của họ ở Biển Đông. Chiếm biển là lời giải đáp logic cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc sắp tới sẽ triển khai tàu ngầm được cho là nhằm đáp trả việc Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, THAAD chỉ có thể sử dụng để đối phó với các tên lửa từ Bình Nhưỡng (đồng minh của Bắc Kinh) nhắm vào Seoul.
Bắc Kinh muốn đóng vai nạn nhân. Nhưng thật ra, Trung Quốc, với căn cứ tàu ngầm chính ngay cạnh Biển Đông, đang chuẩn bị tung ra các tàu ngầm trang bị tên lửa trong những năm tới.
Toan tính chiến lược
Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông có lẽ không chỉ là ý đồ tấn công, hay sự phô trương sức mạnh của một cường quốc mới nổi. Bắc Kinh hành động vì nhu cầu chiến lược, và theo The Time, có vẻ còn nguy hiểm hơn.
Chính phủ Trung Quốc đã tính toán các lợi ích chiến lược: có một địa điểm an toàn cho các tàu ngầm nguyên tử, bất chấp hình ảnh tiêu cực về đất nước này trên thế giới.
Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là Bắc Kinh sẽ không quay lui, trừ phi có chiến lược hạt nhân mới - có thể là không sử dụng tàu ngầm mà chỉ dựa vào số tên lửa giấu trong các đường hầm.
Bắc Kinh có thể đi vào các khu vực khác của Thái Bình Dương nhưng những nơi này, các địch thủ như Đài Loan và Nhật Bản cũng vào được. Còn Biển Đông thì nằm bên cạnh nhiều quốc gia nghèo hơn và yếu hơn.
Cùng lúc đó, Mỹ và các đồng minh khu vực lại thi nhau phản đối tham vọng chiếm biển của Trung Quốc. Họ bị đe dọa ngay trên thềm nhà mình bởi sự bành trướng của Bắc Kinh và có nguy cơ bị mất quyền tự do hàng hải trên tuyến đường huyết mạch này.
Một hang động (trong ngoặc đỏ) cho tàu ngầm trú ẩn tại căn cứ trên đảo Hải Nam.
Trong mắt Washington, việc mất kiểm soát Biển Đông có thể là một đòn đánh vào uy tín của Mỹ với tư cách siêu cường. Tốt nhất là phải đẩy lùi Trung Quốc ngay bây giờ, khi nước này còn tương đối yếu, và trước khi các láng giềng của Bắc Kinh phải cam chịu thực tế mới.
Liệu có nên nhường lại việc kiểm soát Biển Đông cho Bắc Kinh một cách không chính thức hay không, như Washington đã mặc nhiên kiểm soát vịnh Mexico? The Time khẳng định: Rất tiếc, câu trả lời là không!
Theo The Time, việc Mỹ quản lý vịnh Mexico không làm thiệt hại cho các quốc gia khác, trong khi Trung Quốc thì đang chà đạp các nước láng giềng. Hơn nữa, trước các động thái của Trung Quốc, nếu Washington tỏ ra mềm yếu thì coi như cổ vũ cho Bắc Kinh tha hồ tranh giành lãnh thổ trong tương lai. Lúc đó không dễ gì ngăn lại được.
Tờ báo kết luận, tại Biển Đông cả hai bên đều hành động theo những điều mà họ cho là phải làm. Một tình trạng nguy hiểm, trong đó không có chỗ cho thương lượng hay thụt lùi, và thế giới sẽ còn nghe nói nhiều về vùng biển này trong những năm tới.