Vì sao Trung Quốc không dám 'tận dụng vũ khí lợi hại' là trái phiếu Chính phủ Mỹ?

Nguyễn Minh Hải |

Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1,1 nghìn tỉ đô-la công trái (trái phiếu chính phủ) Mỹ, là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ. Giữa lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang, không ít người cho rằng, kho trái phiếu này là một vũ khí lợi hại của Trung Quốc.

Những người đánh giá cao vũ khí này cho rằng, Trung Quốc có thể bán ra ồ ạt trái phiếu Mỹ để làm giảm giá trị trái phiếu này. Điều này có thể khiến chính phủ Mỹ gặp khó khăn trong việc vay nợ để đảm bảo sự hoạt động của chính phủ Trump, vốn đang thâm hụt ngân sách nặng. Đặc biệt đợt đóng cửa chính phủ dài ngày hồi đầu năm 2019 do bất đồng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ về ngân sách càng khiến ấn tượng này đậm nét hơn.

Trước hết, ta sẽ xem tính bền vững của nợ công Mỹ. Số nợ công của chính phủ Mỹ hiện nay là 22,06 nghìn tỉ đô-la bằng 106% GDP của Mỹ. Trong số này, khoảng 27% là nợ giữa các cơ quan Mỹ với nhau. Ví dụ An sinh Xã hội và Bảo hiểm Tàn tật (Social Security and Disability Insurance) sở hữu 2.798 tỉ đô la tiền nợ, còn các quỹ Hưu trí Liên bang (Federal Retirement Funds) là chủ nợ của 998 tỉ.

Số còn lại, chỉ 30% tổng số nợ là do các cá nhân, tổ chức tài chính, chính phủ nước ngoài nắm giữ. Số tiền Trung Quốc nắm là hơn một nghìn tỉ đô-la nghe thì khá to, nhưng con số này chỉ chiếm 5,31 % tổng số nợ của Mỹ.

Vì sao Trung Quốc không dám tận dụng vũ khí lợi hại là trái phiếu Chính phủ Mỹ? - Ảnh 1.

Nếu Trung Quốc tính chuyện bán một phần lớn trái phiếu Mỹ, họ phải bán một lượng lớn trong một thời gian tương đối ngắn. Vấn đề là ai có đủ khả năng bỏ ra một số tiền đủ lớn để mua số trái phiếu mà Trung Quốc muốn bán? Một cường quốc tài chính, chẳng hạn Anh, qua hàng chục năm tích lũy, hiện tại cũng chỉ giữ khoảng hơn 280 tỉ đô la công trái Mỹ. Do vậy, thị trường khó có khả năng hấp thụ được một lượng lớn trái phiếu bán ra như thế.

Ngay cả khi Trung Quốc có thể thu xếp xong việc bán lượng lớn trái phiếu thì ngay lập tức giá sẽ giảm theo đúng quy luật cung cầu: Bán nhiều thì giá rẻ. Như vậy rất có khả năng, Trung Quốc sẽ bị lỗ trong phi vụ tưởng tượng này. Chưa kể, nếu hành động như vậy, không chỉ trái phiếu Mỹ sụt giá mà đô-la cũng sẽ tạm thời rẻ hơn.

Trong kho dự trữ ngoại tệ hơn 3,3 nghìn tỉ đô-la của Trung Quốc thì 2/3 là đô-la. Ai mà lại muốn tài sản của mình bị rẻ đi chứ? Đô la rẻ hơn còn có hệ quả là Nhân dân tệ tăng giá, làm giảm sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc - đồng nghĩa với thua thiệt kép cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Hiện tại, Trung Quốc đang bán trái phiếu Mỹ rồi. Chẳng hạn tháng 3/2019 vừa rồi, Trung Quốc đã bán hơn 10 tỉ đô-la trái phiếu. Nhưng đây không phải đợt bán mạnh nhất. Từ tháng 10/2016 đến 11/2017, Trung Quốc đã bán mạnh trái phiếu Mỹ, khoảng 215,2 tỉ đô la. Cá biệt, chẳng hạn tháng 11/2016 họ bán 66,4 tỉ đô-la, tháng 10/2016 họ bán 41 tỉ đô-la, dẫn đến năm 2017-2018 họ đứng sau cả Nhật Bản về số lượng sở hữu trái phiếu Mỹ.

Đó là thời điểm Trung Quốc sắp vỡ thị trường chứng khoán và gặp nhiều khó khăn kinh tế cũng như các tham vọng địa chính trị. Vì thế, mặc dù chưa có thương chiến với Hoa Kỳ, họ vẫn cần bán trái phiếu để có tiền chi tiêu. Việc bán lượng lớn trái phiếu thời điểm đó đã không làm thị trường trái phiếu Mỹ khủng hoảng. Điều đó cho phép dự đoán rằng hậu quả của lời đe dọa của Trung Quốc cũng không đến nỗi khủng khiếp như những gì báo chí Mỹ đang đưa tin.

Nguyên nhân tiếp theo được lý giải từ nguồn cơn vì sao Trung Quốc phải nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của Mỹ. Mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc dựa rất nhiều vào xuất khẩu, cho dù từ năm 2008 tới nay, họ chuyển sang tiêu dùng nội địa (và họ đã rất thành công).

Để xuất khẩu nhiều thì phải có người mua, và người mua phải có tiền để mua hàng. Vì thế, Trung Quốc mua trái phiếu Mỹ, như là cách để gián tiếp cho Mỹ vay mà có tiền mua hàng Trung Quốc. Nay, nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu trong hoàn cảnh thuế đánh lên hàng Trung Quốc tăng thì tất nhiên Mỹ càng có cớ để mua "dè xèn" hàng Trung Quốc.

Cho dù có chiến tranh thương mại với Mỹ hay không, việc nắm giữ trái phiếu Mỹ cũng là một lựa chọn không thể đặng đừng mang lời cho Trung Quốc. Kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc nếu để trong "két sắt nhà" thì lãi suất sinh lời hàng năm là 0%. Đem cho Mỹ vay thì còn có thể sinh lời 3-4% mỗi năm. Trung Quốc cũng không thể kiếm ai khác có thể vay số tiền lớn như thế mà đảm bảo rủi ro như công khố Mỹ.

Có người sẽ nghĩ có tiền thừa thì hoặc gửi ngân hàng ăn lời 7-8% một năm hoặc đầu tư làm ăn. Nhưng việc đó chỉ làm được với số tiền trên quy mô cá nhân, còn với hàng trăm, thậm chí hang nghìn tỉ đô la là điều không thể. Bán đứt nợ Mỹ, Trung Quốc sẽ đưa hàng trăm tỉ đô la thành tiền "chết" trong két.

Nếu chúng ta bị ấn tượng với con số hơn 1,1 nghìn tỉ đô-la trái phiếu (gấp 4 lần GDP của quốc gia trăm triệu dân Việt Nam) thì đừng quên chủ nợ thứ hai của Mỹ là Nhật Bản cũng đang nắm giữ hơn một nghìn tỉ đô-la. Nhật Bản cũng chung mục đích cho Mỹ vay tiền mua hàng Nhật và giữ giá Yên thấp.

Nhật Bản với sức ảnh hưởng của mình sẽ không chịu ngồi yên để Trung Quốc tùy tiện sử dụng thứ "vũ khí" trái phiếu này. Một số chủ nợ (cỡ chính phủ) khác như Brasil (giữ 308 tỉ tiền nợ), Ireland (giữ 274 tỉ tiền nợ), Anh (giữ 284 tỉ tiền nợ), Thụy Sĩ (giữ 229 tỉ tiền nợ) cũng sẽ không chịu bó tay.

Xem ra việc đe dọa với thực hiện và xa hơn là hiệu quả thật sự là khoảng cách rất xa vời. Mỹ sẽ không xuống thang trong thương chiến vì họ coi thương chiến là cách giải quyết "hòa bình" không "đổ máu" để kiềm chế Trung Quốc, ngõ hầu bảo vệ vị trí siêu cường quốc số 1 của họ. Chúng ta sẽ chờ xem những diễn biến "thú vị" sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại