LẦN LỮA LÀM XE ĐIỆN
Trong thời gian gần đây, làn sóng xe điện đã trở nên lớn mạnh hơn. Điều này có được đến từ những thay đổi trong chính sách của chính phủ các quốc gia/khu vực trên thế giới, cũng như chiến lược và tầm nhìn của các hãng xe trên thế giới. Ở chiều ngược lại, Toyota lại đang có một kế hoạch khác.
Thương hiệu xe Nhật Bản muốn các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong tiếp tục nằm trong dải sản phẩm của hãng, từ chối dành thêm sức lực để đi tới một tương lai điện hóa 100% dù cho khách hàng đã rất mau chóng đón nhận xe điện.
Ông Akio Toyoda vẫn muốn xe sử dụng động cơ đốt trong xuất hiện trong dải sản phẩm của hãng. Ảnh: Toyota
Trong năm 2021 vừa qua, Toyota đã bán ra được 10,5 triệu chiếc, đứng số 1 thế giới. Mẫu xe hãng bán chạy nhất là Toyota Corolla với khoảng 1,1 triệu chiếc. Đây là dòng xe với nhiều phiên bản thuộc các dòng khác nhau, từ sedan, wagon tới SUV, hệ truyền động của dòng xe này cũng không cố định mà bao gồm cả động cơ thuần xăng và cả hệ thống hybrid xăng lai điện.
Theo kế hoạch mà ông Akio Toyoda (CEO của Toyota) chia sẻ, Toyota sẽ giới thiệu tới khách hàng toàn thế giới nhiều mẫu xe thuần điện trong các năm tới, và cũng sẽ tiếp tục phát triển thêm các phiên bản với các hệ truyền động khác nhau, như lai điện, pin năng lượng hydro, và cả động cơ thuần xăng.
Toyota Corolla Cross HV là mẫu xe lai điện đầu tiên bán đại trà tại Việt Nam.
Ông Akio Toyoda cho rằng các mẫu xe thuần điện sẽ còn lâu nữa mới có thể trở nên phổ biến, lâu hơn những gì mà giới truyền thông liên tục đưa tin. Ông ưu tiên việc cung cấp cho khách hàng dải sản phẩm với các hệ truyền động "phong phú nhất có thể". Ông chia sẻ rằng "Đó là chiến lược của chúng tôi và chúng tôi sẽ theo đuổi nó".
Quan điểm với xe điện của Toyota cũng đã cho chúng ta thấy được tình hình rối ren hiện nay, khi các hãng xe vẫn sẽ phải tìm cách tăng doanh thu, phục vụ được đa dạng khách hàng nhưng vẫn phải đạt các tiêu chí môi trường ngày một khắt khe hơn ở nhiều quốc gia/khu vực.
Kế hoạch giữ lại động cơ đốt trong của Toyota đối lập với nhiều hãng và thương hiệu xe trên thế giới, ví dụ là VinFast - hãng xe đầu tiên trên thế giới chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất xe điện, hay General Motors của Mỹ - tập đoàn xe đặt kế hoạch điện hóa 100% từ năm 2035.
Với việc dừng sản xuất xe xăng, VinFast được ghi nhận là hãng xe đầu tiên trên thế giới chuyển đổi sang sản xuất xe điện.
Với chiến lược đó, Toyota hiện đang vấp phải nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động môi trường và cả các nhà đầu tư, tiêu biểu như tổ chức Greenpeace đã đưa Toyota xuống cuối bảng xếp hạng nỗ lực giảm phát thải các-bon của các nhà sản xuất xe trên thế giới. Những chỉ trích hướng tới Toyota còn cho rằng hãng xe Nhật Bản ngủ quên trên chiến thắng của mẫu xe lai điện Toyota Prius - mẫu xe từng mang đến cho Toyota nhiều thắng lợi từ khoảng 25 năm trước.
Nhà hoạt động môi trường Katherin Garcia chia sẻ quan điểm: "Sự thật là: Lai điện không phải là một công nghệ xanh. Toyota Prius vẫn sử dụng khối động cơ phát thải giống như trên nhiều mẫu xe xăng khác".
Toyota đã dành được nhiều thắng lợi nhờ mẫu xe lai điện Toyota Prius. Ảnh: Autoevolution
LỜI HỨA CỦA TOYOTA VỚI XE ĐIỆN
Cuối năm 2021, Toyota đã gây bất ngờ khi một lúc giới thiệu tới 30 mẫu xe điện ý tưởng. Thương hiệu xe Nhật Bản đã thông báo về khoản đầu tư 28 tỷ USD để phát triển 30 mẫu xe này, ra mắt liên tục cho tới năm 2030. So sánh đơn giản, khoản đầu tư này của Toyota (hãng xe lớn nhất thế giới) vẫn nhỏ hơn nhiều so với con số 50 tỷ USD mà Ford dành ra để phát triển xe điện đến năm 2026.
Dù có khác biệt rõ ràng, ông Akio Toyoda vẫn cho rằng Toyota sẽ "dẫn đầu thế giới" trong việc giảm thải các-bon ở xe, nhờ việc Toyota đã đầu tư cho công nghệ lai điện hơn 2 thập kỷ. Ông cho biết: "Con số đầu tư có vẻ ít hơn các hãng khác, nhưng nếu tính đến những gì mà Toyota đã và đang làm suốt 20 năm qua, thì tổng số chưa chắc đã thua kém ai".
Toyota bZ4X là mẫu xe thuần điện đầu tiên của Toyota, cùng phát triển với Subaru. Ảnh: MotorTrend
Trong quan điểm của ông Akio Toyoda, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được mức độ phủ của xe điện sẽ là một trong những yếu tố khiến cho thương hiệu xe Nhật chưa muốn "tất tay" trong canh bạc xe điện. Lý do khác, ông Akio Toyoda muốn Toyota muốn cung cấp đa dạng sản phẩm để khách hàng thoải mái chọn lựa: "Toyota giống như một tiệm tạp hóa mà ở đó có đủ loại hệ truyền động. Với một cửa tiệm như vậy thì sẽ không đúng nếu chỉ cho khách hàng đây là sản phẩm mà bạn nên mua".
Ông cũng bày tỏ lo lắng với yêu cầu doanh số xe điện phải chiếm phần lớn từ năm 2030, và cấm bán xe sử dụng động cơ đốt xăng từ năm 2035 của bang California. Thêm vào đó, New York cũng đang tính toán để đưa ra yêu cầu tương tự.
Ông Toyoda nói: "Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu về giá, và cơ sở hạ tầng cùng tốc độ mà nó đang được xây dựng. Nói một cách thực tế thì có vẻ sẽ khó để đạt được".