Vì sao Thủ tướng Úc bất chấp rủi ro, "lĩnh ấn" điều tra Trung Quốc sau cuộc gọi với ông Trump?

Thúy |

Theo The Conversation, Úc đang hứng hậu quả ngoại giao từ nước đi không khôn ngoan trong cuộc tranh luận về trách nhiệm của Trung Quốc đối với đại dịch Covid-19.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 22/4 với mục đích thảo luận về trách nhiệm của Trung Quốc khi để dịch Covid-19 lây lan rộng, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đề cao vai trò điều phối của Úc trong cuộc điều tra độc lập quốc tế về nguồn gốc đại dịch.

Ông Morrison đề xuất để Úc làm điều phối viên cho cuộc điều tra này. Cuộc điều tra sẽ bao gồm xem xét lại vai trò của Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong phản ứng với sự lây lan của đại dịch.

Lý do Úc hăng hái đến vậy để "lĩnh ấn tiên phong" cho vụ điều tra sau cuộc điện đàm 22/4 vẫn là một bí ẩn.

Vì sao Thủ tướng Úc bất chấp rủi ro, lĩnh ấn điều tra Trung Quốc sau cuộc gọi với ông Trump? - Ảnh 1.

Ông Morrison (trái) trong chuyến thăm Mỹ (Ảnh: AP)

Công cuộc truy tìm nguồn gốc dịch bệnh

Trung Quốc nên nhận bao nhiêu phần trách nhiệm cho những hành động chưa hợp lý của nước này vào giai đoạn đầu đại dịch? Đó là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi giữa các quốc gia. Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) kêu gọi điều tra về phản ứng của toàn cầu với dịch Covid-19 đã được thông qua ngày 19/5, với sự nhất trí của tất cả thành viên WHO.

Theo The Conversation, điều còn chưa tỏ ở đây là: Thứ gì đã "sai khiến" ông Morrison thúc đẩy vai trò của Úc trong cuộc điều tra về Trung Quốc?

Nước đi này của ông Morrison đã để Úc ít nhiều gặp thiệt hại về kinh tế, bởi Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra.

Đường lối ngoại giao không rõ ràng đối với Trung Quốc đã tạo cơ hội cho sự xuất hiện của một bộ phận có lập trường chống Trung Quốc trong chính phủ Úc. Có thể kể đến ở đây nghị sĩ Andrew Hastie - người đứng đầu Liên ủy ban Tình báo và An ninh, ông từng so sánh Trung Quốc với "phát xít Đức".

Việc không rõ ràng ở đường lối một phần có thể là do cách tiếp cận không nhất quán của ông Morrison, một phần có thể nằm ở vai trò còn mờ nhạt của Ngoại trưởng Úc Marise Payne.

Vì sao Thủ tướng Úc bất chấp rủi ro, lĩnh ấn điều tra Trung Quốc sau cuộc gọi với ông Trump? - Ảnh 2.

Ông Andrew Hastie (Ảnh: REUTERS)

Các nhà quan sát đều cho rằng đối phó với áp lực ngoại giao đang gia tăng trong khu vực làm cho tình hình càng trở nên phức tạp hơn. Giải quyết sự phức tạp này đòi hỏi sự tinh tế mà kiên định – những điều còn thiếu trong quá trình hoạch định chính sách của Úc với Trung Quốc kể từ thời Thủ tướng Malcom Turnbull.

Luật "chống can thiệp chính trị từ nước ngoài" của Úc dưới thời ông Turnbull, dù được giải thích là áp dụng với tất cả các nước, nhưng vẫn luôn được đánh giá là hành động thể hiện mối bận tâm cao của chính quyền Turnbull đối với vấn đề an ninh quốc gia và thái độ có phần hơi hung hăng đối với Trung Quốc.

Kể từ năm 2016 đến nay, chưa có vị Thủ tướng Úc nào tới thăm Trung Quốc.

Trong một buổi thảo luận đáng chú ý về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Dennis Richardson, Cựu Giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Úc - người từng đứng đầu Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Nguyên Đại sứ Úc tại Washington - đề cập đến sự ảnh hưởng của các động thái ngoại giao đối với các vấn đề an ninh quốc gia.

Nếu đóng cánh cửa quan hệ với Trung Quốc, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận đặt cược hết sức liều lĩnh một khoản tiền trị giá hơn 100 tỉ đô la của ngành xuất khẩu, và phải biết rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính người dân Úc. Còn các hành động ngoại giao đừng mãi lấy lý do sợ ảnh hưởng đến "an ninh quốc gia".

Cựu Đại sứ Úc tại Washington Dennis Richardson

Thương mại là vũ khí chính trị

1/3 hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Úc phụ thuộc vào Trung Quốc. Trước những hành động của Morrison, Bắc Kinh đã không mất nhiều thời gian để đưa ra "hình phạt" cho Úc.

Trung Quốc đã dọa tăng thuế nhập khẩu lúa mạch Úc lên hơn 80% với cáo buộc Úc bán phá giá và đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò đối với 4 công ty chế biến thịt của nước này. Thậm chí ngành sữa, rượu, dệt may len,.. đều đứng trước nguy cơ chịu tổn thất. Các nhà xuất khẩu nông nghiệp cũng đang trong tư thế chuẩn bị cho các động thái tiếp theo của Bắc Kinh.

Trung Quốc có lẽ sẽ có một danh sách dài những mặt hàng "chịu trừng phạt" như thế này.

Than đá cũng đã "góp vui" cho danh sách. Năm ngoái, cảng Đại Liên ở phía bắc Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu vô thời hạn đối với than đá của Úc. Vào thời điểm đó, động thái này được cho là hành động trả đũa của Trung Quốc đối với việc Úc cấm tập đoàn viễn thông Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G của họ.

Vì sao Thủ tướng Úc bất chấp rủi ro, lĩnh ấn điều tra Trung Quốc sau cuộc gọi với ông Trump? - Ảnh 4.

(Ảnh: CNN)

Úc cần đường lối ngoại giao mang tính xây dựng hơn?

The Conversation chỉ ra, đầu tiên, các quan chức Úc cần thoát khỏi quan niệm công kích tập thể đối với Trung Quốc, bởi đây là một hành động đe dọa tới sự phát triển kinh tế của chính nước Úc.

Câu hỏi cấp thiết vẫn là: Làm thế nào để Úc đối phó được với gã khổng lồ trong khu vực?

So với việc thiết lập lại một chính sách rõ ràng hơn với Trung Quốc để xác định lợi ích riêng của Úc trong khu vực, ông Morrison đã có những hành động khiến mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc có phần thêm căng thẳng.

Thủ tướng Úc được khuyên hãy thôi hành động như một "cảnh sát khu vực" trong nỗ lực buộc tội Trung Quốc về trách nhiệm với đại dịch.

Những gì Úc nên làm ngay từ đầu nên chỉ là hỗ trợ quốc tế trong việc triển khai một cuộc điều tra độc lập. Úc có lẽ cần ít chú ý hơn đến "nỗi ám ảnh" với Trung Quốc về vấn đề an ninh quốc gia, và hãy lắng nghe nhiều hơn ý kiến từ những chuyên gia - The Conversation nêu.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại