Vì sao tên lửa thế hệ mới của Nhật Bản phải tự hủy trong lần phóng đầu tiên

PV |

Ngày 7/3, tên lửa thế hệ mới H3 của Nhật Bản đã được phóng thử lần đầu tiên nhưng chưa thành công.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết chế độ tự hủy đã được kích hoạt sau ít phút tên lửa được phóng đi vì động cơ giai đoạn 2 của tên lửa hoạt động không như tính toán. Trước đó, kế hoạch phóng thử tên lửa cũng bị hoãn vài lần, lần gần nhất là vào tháng trước.

Tên lửa H3 là thế hệ tiếp nối của H2A. Trong buổi thử nghiệm, tên lửa này được phóng đi vào trưa 7/3 nhưng JAXA đã buộc phải kích hoạt chế độ tự hủy sau khi đánh giá tên lửa không thể hoàn thành nhiệm vụ như đã định.

Như vậy, JAXA lại một lần nữa chưa thể đạt được thành công trong quá trình phát triển tên lửa. Hồi tháng 10/2022, tên lửa cỡ nhỏ Epsilon-6 cũng đã phải tự hủy vài phút sau khi được phóng đi vì chệch quỹ đạo.

H3 đánh dấu nỗ lực khả thi đầu tiên của Nhật Bản trong suốt 20 năm qua nhằm phát triển thế hệ tên lửa mới thay thế H2A.

Dù H3 được kỳ vọng sẽ giúp đưa Nhật Bản củng cố vị trí trong cuộc đua phát triển tên lửa phục vụ mục đích thương mại đang ngày càng trở nên cạnh tranh, quá trình phát triển tên lửa này vẫn hết sức gập ghềnh.

Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển thành công H3 để sử dụng không chỉ cho mục đích phóng vệ tinh và tàu thăm dò mà còn để tham gia các nhiệm vụ đưa hàng lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Ước tính chi phí chế tạo 1 tên lửa H3 là 5 tỷ yen (37 triệu USD), chỉ bằng 1 nửa so với chi phí chế tạo H2A, nhưng lại có năng lực phóng vệ tinh cao hơn 1,3 lần. Tên lửa H2A của Nhật Bản được đưa vào khai thác từ năm 2001, có tỷ lệ phóng thành công là 97,8%, với chỉ 1 lần thất bại trong tổng cộng 46 lần được phóng tính đến nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại