Vì sao tên lửa "mới nhất, tốt nhất" của Mỹ bắn trượt Su-22 Syria?

QS |

Chiếc Super Hornet khóa Su-22 và bắn ra tên lửa không-đối-không tầm ngắn tiên tiến nhất của quân đội Mỹ hiện nay "AIM-9X Sidewinder" nhưng trượt mục tiêu.

Cú bắn trượt Su-22

Cách đây hơn 1 tuần, các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi rằng, tiêm kích F/A-18E của Mỹ đã bắn hạ một chiếc Su-22 của quân chính phủ Syria.

Tuy nhiên, theo trang mạng Popular Mechanics, có một chi tiết mà ít người biết đến, đó là: Trước khi hạ được Su-22, chiếc F/A-18E đã bắn trượt mục tiêu dù sử dụng loại tên lửa "mới nhất và tốt nhất" của Mỹ.

Sự việc diễn ra vào ngày 18/6. Kkhông bao lâu sau khi máy bay Su-22 của Không quân Ả rập Syria tấn công lực lượng liên minh, tiêm kích F/A-18E Super Hornet đã vào tư thế sẵn sàng bắn hạ nó.

Chiếc Super Hornet khóa Su-22 và bắn ra tên lửa không-đối-không tầm ngắn tiên tiến nhất của quân đội Mỹ hiện nay "AIM-9X Sidewinder" nhưng trượt mục tiêu.

Mặc dù cuối cùng chiếc Su-22 vẫn bị bắn hạ bằng 1 tên lửa khác nhưng câu hỏi được đặt ra là: Tại sao tên lửa AIM-9X Sidewinder không bắn trúng?

Nguyên nhân nằm ở đâu?

Popular Mechanics cho biết, Sukhoi Su-22 là máy bay chiến đấu từ thời Chiến tranh Lạnh, được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên bộ.

Giống như nhiều mẫu phi cơ ra đời trong những năm 1970, Su-22 là máy bay 1 chỗ ngồi "cánh cụp cánh xòe". Thiết kế này đưa Su-22 vào hàng các loại máy bay tiên tiến ở thời điểm đó và cho phép nó tối đa hóa phạm vi chiến đấu.

Su-22 được NATO định danh là "Fitter", chủ yếu giữ vai trò máy bay tấn công mặt đất và không có nhiều năng lực tác chiến không-đối-không.

Liên Xô đã sản xuất số lượng lớn máy bay Su-22 và xuất khẩu rộng rãi ra nước ngoài. Ngày nay, Su-22 đã trở nên lạc hậu dù vẫn còn nhiều lực lượng Không quân vận hành chúng.

Trong khi đó, Super Hornet là máy bay tấn công hàng đầu của Hải quân Mỹ, trang bị tên lửa không-đối-không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder có đầu dò hồng ngoại và tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar AIM-120 AMRAAM. Đây là sự kết hợp tiềm năng giữa các loại tên lửa không-đối-không, đại diện cho công nghệ quân sự tốt nhất của Mỹ.

Vì sao tên lửa mới nhất, tốt nhất của Mỹ bắn trượt Su-22 Syria? - Ảnh 1.

Máy bay Su-22 của Không quân Syria. Ảnh: Getty

Theo hãng tin CNN, chiếc Super Hornet đã "khóa" Su-22 ở khoảng cách 800m, sau đó bắn tên lửa AIM-9X. Tuy nhiên, phi công Syria đã bắn pháo sáng mồi bẫy để đánh lạc hướng tên lửa này. Kết quả, tên lửa của Mỹ đã trượt mục tiêu.

Chiếc Super Hornet tiếp tục bắn 1 tên lửa AIM-120 AMRAAM. Nhờ được dẫn đường bằng radar nên nó không bị pháo sáng "đánh lừa". Lần này, chiếc Su-22 mới bị bắn hạ.

Tại sao tên lửa AIM-9X lại trượt mục tiêu? Angad Singh, một chuyên gia cộng tác với tạp chí Combat Aircraft đã đặt ra giả thuyết như sau: Tên lửa AIM-9X được thiết kế để không bị pháo sáng đánh lừa, song có vẻ chúng chỉ "miễn nhiễm" với các loại pháo sáng của Mỹ.

Trên Twitter cá nhân, ông Angad Singh đã dẫn lại một bài viết của tác giả Bill Sweetman (tạp chí Aviation Week) về các vụ thử nghiệm máy bay Liên Xô mà Mỹ đã tiến hành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo đó, trong những năm 1980, Không quân Mỹ đã triển khai Phi đoàn thử nghiệm và đánh giá số 4477 thuộc hàng "tối mật". Họ đã thu thập được một số máy bay Liên Xô từ khắp nơi trên giới (thường là từ các nước đồng minh của Mỹ).

Phi đoàn 4477 vận hành các máy bay này tại khu vực thử nghiệm Tonopah ở Nevada để đánh giá khả năng của chúng.

Theo câu chuyện của Sweetman, Không quân Mỹ đã thu được 1 băng pháo sáng từ một chiếc Su-25 bị bắn rơi ở Afghanistan. Sau đó, họ nhanh chóng lắp băng pháo này lên một chiếc MiG-21 của phi đoàn 4477 và tiến hành thử nghiệm với tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại AIM-9P.

Những gì diễn ra tiếp theo đã khiến Không quân Mỹ kinh ngạc. Tên lửa AIM-9P Sidewinder, vốn được thiết kế để không mắc bẫy các loại pháo sáng trước đó, đã bị pháo sáng Liên Xô đánh lạc hướng.

Vấn đề nằm ở chỗ, tên lửa 9P chỉ được điều chỉnh để nhận diện các loại pháo sáng của Mỹ trong các cuộc thử nghiệm trước đây. Nó chưa từng được thử nghiệm với các loại pháo sáng của Liên Xô.

Vì sao tên lửa mới nhất, tốt nhất của Mỹ bắn trượt Su-22 Syria? - Ảnh 2.

Các thủy thủ trên tàu sân bay USS George Bush lắp tên lửa AIM-9X lên tiêm kích Super Hornet (Ảnh tư liệu: Hải quân Mỹ).

Dựa trên câu chuyện này, Popular Mechanics đặt câu hỏi: Phải chăng một điều tương tự đã diễn ra trên bầu trời Syria? Bởi đáng lý, AIM-9X - loại tên lửa mới của Mỹ - phải dễ dàng bắn hạ được chiếc Su-22 cổ lỗ.

Trong khi đó, lý giải trên tạp chí National Interest, chuyên gia Dave Majumdar cho biết, kể từ những năm 1980, mọi tên lửa thuộc dòng Sidewinder đều có tính năng tránh bị đánh lừa bằng mỗi bẫy. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là không có công nghệ nào hoàn hảo, trong khi đối phương thường có kỹ năng khắc chế bí mật.

Các hãng sản xuất tên lửa không-đối-không của Mỹ thường khoe tỷ lệ diệt mục tiêu (PK) tuyệt vời trong quá trình thử nghiệm và diễn tập bắn đạn thật. Song, thường thì chúng lại không chứng tỏ được hiệu suất cao như vậy trong thực chiến.

Chẳng hạn như khi phát triển tên lửa AIM-7 Sparrow vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, Raytheon tuyên bố nó có tỷ lệ diệt mục tiêu ở mức 80-90%. Nhưng khi đưa vào thử nghiệm vận hành, tỷ lệ đó giảm xuống còn 50-60%.

Khi được đưa vào thực chiến trong những năm 1960, phiên bản đầu tiên của AIM-9 chỉ có tỷ lệ PK ở mức 16%, tương đương 29/187 quả trúng mục tiêu, kém hơn dòng AIM-7.

Sang thập niên 1970, mẫu AIM-7 chỉ có PK đạt mốc 11%, trong khi AIM-9 là 19%. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, biến thể AIM-7 mới hơn có tỷ lệ PK 51%, so với 67% của AIM-9.

Chỉ số PK của các loại tên lửa hiện đại như AIM-120 và AIM-9X vẫn được giữ bí mật, dù chúng đã phô diễn khả năng tuyệt vời trong các cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Kể từ lần đầu tham chiến trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, mẫu AIM-120 AMRAAM đã diệt 6 mục tiêu trong 13 lần khai hỏa ngoài tầm nhìn thị giác, đạt tỷ lệ PK 46%. Lần này, nó đã bắn hạ Su-22 Syria nhưng vụ phóng lại diễn ra ở tầm gần.

Cú bắn trượt Su-22 được xem là thất bại gây sốc đối với công nghệ tối tân trên tên lửa AIM-9X của Mỹ. Có thể thấy, mồi bẫy nhiệt lạc hậu từ thời Liên Xô vẫn gây không ít khó khăn cho Không quân số 1 thế giới.

Hiện nhiều lực lượng không quân, đặc biệt là các nước đồng minh NATO của Mỹ, đang phụ thuộc vào tên lửa tầm ngắn AIM-9X. Vì thế, việc nó không thể bắn hạ một chiếc máy bay 30 năm tuổi có lẽ sẽ khiến nhiều nước vô cùng lo ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại