"Máy bay ném bom Tu-160M2 tiên tiến hơn bất cứ vũ khí nào mà Mỹ có"

QS |

Theo ông Tuchkov, Tu-160M2 vượt trội tất cả các loại máy bay ném bom chiến lược khác trên thế giới, trong đó có cả 2 mẫu B-1B Lancer và B-2 Spirit của Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Krasnaya Zvezda (ấn bản chính thức của bộ Quốc phòng Nga) hồi đầu tuần trước, Tư lệnh Không quân vũ trụ Nga Viktor Bondarev cho biết chiếc Tu-160M2 đầu tiên sẽ bay thử nghiệm cấp nhà nước vào mùa xuân năm tới và trong tương lai, Không quân Nga kỳ vọng sẽ tiếp nhận khoảng 3-4 chiếc Tu-160M2 mỗi năm.

Ngoài hiện đại hóa sâu 16 máy bay ném bom Tu-160 Beliy Lebed (Thiên nga trắng) đang có trong biên chế Không quân Vũ trụ, Bộ Quốc phòng Nga sẽ kết hợp các cải tiến trên mẫu Tu-160M2 vào quá trình sản xuất các máy bay Tu-160 mới.

Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tái sản xuất Tu-160 tại nhà máy Tupolev ở Kazan vào đầu năm nay. Đơn vị này cũng nhận được yêu cầu với dự án PAK-DA - máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Nga.

Tu-160M2 vượt trội B-1 và B-2

Bình luận về tuyên bố của ông Bondarev, chuyên gia phân tích quân sự Vladimir Tuchkov nhận định, thông tin đợt bay thử nghiệm bắt đầu vào mùa xuân năm tới - sớm hơn dự định 1 năm - cho thấy khung thời gian chuyển giao các máy bay Tu-160M2 đã được rút ngắn đáng kể:

"Về cơ bản, có thể hiểu là, trong 2 nhiệm vụ chính (hiện đại hóa sâu Tu-160 và phát triển PAK DA), Tupolev đã tập trung vào chương trình Tu-160 trước".

Theo ông Tuchkov, đây là một quyết định khôn ngoan bởi "một con chim trong tay có giá trị hơn hai con chim trên trời" (ý nói chương trình Tu-160 đã nắm chắc trong tay, còn PAK DA lại có phần viển vông, chưa chắc đã đạt được).

Máy bay ném bom Tu-160M2 tiên tiến hơn bất cứ vũ khí nào mà Mỹ có - Ảnh 1.

Máy bay ném bom B-1B Lancer

"Tất nhiên, Tu-160M2 không phải là một chú chim nhỏ, mà là 'đại bàng' - vượt trội tất cả các loại máy bay ném bom chiến lược khác trên thế giới, trong đó có cả 2 mẫu B-1B Lancer và B-2 Spirit của Mỹ" - ông Tuchkov viết.

"Thậm chí đến mẫu Tu-160 cơ bản cũng vượt trội các máy bay Mỹ. B-2 đích thực là máy bay tàng hình. Tuy nhiên, Tu-160 cũng không cần thiết phải ẩn mình, tên lửa của nó có thể bay xa tới 5.500km, đồng nghĩa máy bay không cần thiết phải tiến tới gần hệ thống phòng không của đối phương".

Theo vị chuyên gia, các nhà quan sát quân sự Mỹ đang xem xét rất nghiêm túc mối đe dọa tiềm năng từ Tu-160. Năm ngoái, trên tạp chí National Interest, chuyên gia phân tích Dave Majumdar đã viết rằng, lợi thế chính của Tu-160 so với các máy bay cùng loại là "sự kết hợp giữa tốc độ cao và khả năng mang tên lửa hành trình lắp đầu đạn hạt nhân".

"Phải thừa nhận rằng, các hệ thống điện tử hàng không trên mẫu Tu-160 cơ bản (tiến hành chuyến bay ra mắt năm 1981) đã không còn mới và cần được hiện đại hóa.

Điều này đã được giải quyết bằng phiên bản Tu-160M1 với trang thiết bị nâng cấp. Công tác sửa chữa và hiện đại hóa đang được tiến hành tại nhà máy hàng không Gorbunov ở Kazan" - ông Tuchkov cho biết thêm.

Máy bay ném bom Tu-160M2 tiên tiến hơn bất cứ vũ khí nào mà Mỹ có - Ảnh 2.

Đại tu Tu-160 tại nhà máy Kazan

Đối với mẫu M2, mặc dù được gọi là phiên bản hiện đại hóa sâu nhưng thực chất, nó là một mẫu máy bay hoàn toàn mới với khả năng tác chiến vô cùng vượt trội khi so với các phiên bản tiền nhiệm.

Tính năng các hệ thống trên Tu-160M2 đang được bảo mật. Tuy nhiên, dự đoán chúng sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng của mẫu máy bay này.

Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng tuyên bố, hiệu quả tác chiến của Tu-160M2 sẽ gấp 2,5 lần so với các phiên bản cũ.

Theo ông Tuchkov, dựa trên những thông tin được công bố thì quá trình hiện đại hóa sâu sẽ biến Tu-160 thành một mẫu máy bay hoàn toàn mới trên khung máy bay cũ.

"Tất cả những trang bị khác đều là đồ mới. Thậm chí cả động cơ cũng được nâng cấp. Viện thiết kế Kuznetsov ở Samara đã phát triển một phiên bản mới của động cơ NK-32 - mẫu NK-32-02 với tính năng cải tiến. Động cơ mới sẽ được sản xuất bằng trang thiết bị mới, cũng như tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn".

Ngoài ra, vị chuyên gia lưu ý rằng, Thiên nga trắng có thể "trẻ mãi không già" nhờ khả năng nâng cấp thêm với chi phí thấp. Điều này đạt được là nhờ các hệ thống điện tử trên khoang máy bay kết nối với nhau thông qua kết cấu mở. Do đó, khi cần thiết, có thể tích hợp thêm bất cứ hệ thống điện tử mới nào.

Chưa hết, các kỹ sư tại Công ty Radioelectronic Technologies Concern (KRET) còn cho biết, kết cấu module của hệ thống điện tử cho phép hệ thống này có thể đảm đương vai trò của hệ thống khác nếu cần thiết.

Phiên bản Tu-160M2 dự kiến sẽ trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động và hệ thống điều khiển hỏa lực mới, giúp tăng hiệu quả của tên lửa tầm xa Kh-101 và Kh-102. Bên cạnh đó còn có các pod tác chiến điện tử hiện đại, giúp tăng khả năng sống sót của máy bay trước các mối đe dọa từ tên lửa phòng không của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại