Tên lửa hành trình Sea Breaker. Ảnh: Rafael
Hội tụ những tính năng ưu việt
Di chuyển với tốc độ cận âm cao, bám sát địa hình hoặc lướt trên mặt nước, tên lửa hành trình Sea Breaker có khả năng nhắm bắn các mục tiêu từ nhiều hướng, đồng bộ và toàn diện, bất kể ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.
Được tích hợp đầu đạn nổ xuyên thủng và phân mảnh nặng 113kg cùng hệ thống liên kết dữ liệu hỗ trợ việc ra quyết định theo thời gian thực, Sea Breaker có thể vô hiệu hóa một tàu hộ tống cỡ nhỏ chỉ bằng một đòn tấn công.
Là tên lửa hành trình tự động, có hệ thống dẫn đường chính xác, có thể tấn công nhiều mục tiêu giá trị cao trên biển và trên đất liền, Sea Breaker được cho là vượt trội hơn và có giá thành phải chăng hơn bất cứ hệ thống vũ khí tương tự nào mà Hải quân Mỹ đang sử dụng ở thời điểm hiện tại.
Đây là lý do tại sao Mỹ lại thèm muốn tên lửa này.
Công ty Rafael cho biết, tên lửa thế hệ thứ 5 Sea Breaker có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km. Sea Breaker có bộ khung được chế tạo từ vật liệu khí động lực học với một khe hút gió ở phía sau, đuôi hình chữ thập và cánh có thể linh động kéo ra giữa hoặc xếp gọn về phía sau.
Ưu điểm lớn nhất của loại tên lửa này là khả năng tấn công với độ chính xác cực cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng AI kết hợp với các công nghệ khác đã tạo ra sự khác biệt của Sea Breaker so với các loại tên lửa hành trình thông thường. Nhà sản xuất cho biết AI cho phép tên lửa đạt được hiệu quả vượt trội khi tấn công các mục tiêu "cố định lẫn di chuyển".
Nhờ AI, Sea Breaker thực hiện quá trình học sâu, phân tích kỹ lưỡng và đối chiếu hình ảnh dựa trên các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp, cho phép Thu thập mục tiêu tự động (ATA) và Nhận dạng mục tiêu tự động (ATR).
Tên lửa hoạt động dựa trên các kế hoạch tấn công được xây dựng trước, chẳng hạn như xác định điểm tham chiếu, vị trí, góc tác động và lựa chọn điểm nhắm, nhằm đảm bảo khả năng thành công cao khi thực hiện nhiệm vụ.
Ông Eli K., một quan chức của Rafael cho biết, tên lửa có khả năng hoạt động không cần GPS, miễn nhiễm với các biện pháp đối phó điện tử (ECM) hay gây nhiễu điện từ.
"Tên lửa này sẽ không bị tác động bởi bất cứ hệ thống tác chiến điện tử nào. Hơn nữa do có đường bay bám sát địa hình đất liền hoặc trên biển, nó sẽ có khả năng tấn công bất ngờ", ông Eli K. nói.
Với thiết bị tìm kiếm IIR (Imaging Infra-Red) tiên tiến, Sea Breaker có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền trong các khu vực "Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/AD).