So với việc định ra trữ quân thì lập hậu cũng không kém phần quan trọng, bởi thực chất chế độ hậu cung thời xưa cũng có những tác động không nhỏ tới cục diện chính trị dưới tay Hoàng đế đương triều.
Thế nhưng ngay cả khi chế độ định Hậu đã được đặt ra từ rất sớm và được xem như “luật bất thành văn”, thì lịch sử Trung Hoa vẫn ghi nhận trường hợp ngoại lệ.
Lập hậu cung sớm nhưng Tần Thủy Hoàng chưa từng ưng một mỹ nhân nào làm hậu.
Tần Thủy Hoàng cả đời không lập hậu
Điều đáng nói hơn cả nằm ở chỗ, nhân vật này không phải ai xa lạ mà chính là Tần Thủy Hoàng. Nhìn lại cuộc đời của vị vua được mệnh danh là “thiên cổ nhất đế”, không khó để nhận thấy Tần Thủy Hoàng lúc sinh thời gần như không hề có hứng thú với việc chọn ra chính thê cho mình.
Từ khi kế vị vào năm 13 tuổi cho tới thời điểm tự mình chấp chính ở tuổi 22, ông đã có tới 9 năm ở ngôi trong bối cảnh thái bình.
Nếu xét về tuổi tác của các đàn ông thời cổ đại, đây vốn là khoảng thời gian mà nam nhân thời xưa rất chú trọng về việc thành thân, chọn ra chính thê hay nạp thêm tiểu thiếp. Và thực tế là chỉ khoảng 3 năm sau khi kế vị, Doanh Chính đã có tư cách lập vương hậu.
Tuy nhiên trong suốt gần một thập kỷ ấy, ông dường như chưa bao giờ có ý định làm việc này. Trong 17 năm cầm quyền sau đó, ngai vị này vẫn tiếp tục được ông bỏ trống trong gần 2 thập kỷ.
Giai đoạn từ năm 39 tuổi đến cuối đời, dù đã bước lên đỉnh cao quyền lực và trở thành Thiên tử đầu tiên của Trung Hoa thống nhất, Tần Thủy Hoàng dường như vẫn chưa bao giờ cân nhắc tới việc chọn ra một người phụ nữ ở ngôi “mẫu nghi thiên hạ”.
Thời gian trị vì của triều đại nhà Tần tuy ngắn ngủi, thế nhưng khoảng thời gian ấy cũng không trôi qua vội vàng tới mức khiến cho nhà vua chẳng kịp chọn lấy cho mình một Hoàng hậu. Dù vậy, trong suốt 37 năm tại vị, Tần Thủy Hoàng vẫn cương quyết giữ lập trường trên phương diện này, cho tới lúc qua đời cũng không sắc phong bất kỳ ai lên ngôi hậu.
Lý giải nguyên nhân
Về nguyên nhân của hành động kỳ lạ nói trên, các tài liệu lịch sử cũng không ghi lại rõ ràng. Tuy nhiên xuất phát từ một số cứ liệu về thân thế cũng như tính cách của vị vua này, các học giả hiện đại đã đưa ra nhiều lý giải, trong đó 3 giả thiết dưới đây được cho là hợp lý hơn cả.
Giả thiết đầu tiên cũng được xem là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới việc Tần Thủy Hoàng không lập hậu, đó chính là nguyên nhân liên quan tới ám ảnh tâm lý do mẹ ruột của ông gây ra.
Sử cũ ghi lại, người thân sinh ra Tần Thủy Hoàng là Triệu Cơ lúc sinh thời vốn có nhiều hành động không hề mẫu mực. Năm xưa bà vốn là tiểu thiếp của Lã Bất Vi, sau được dâng cho vương tôn Doanh Tử Sở của Tần Quốc, người sau này kế vị và trở thành Trang Tương Vương.
Xung quanh Tần Thủy Hoàng luôn có nhiều mỹ nhân.
Sau khi người chồng này qua đời, Triệu Cơ dù đã trở thành Thái hậu nhưng thường xuyên tư thông với Lã Bất Vi, sau đó lại bí mật qua lại với tình nhân tên Lao Ái, thậm chí còn sinh hạ 2 người con riêng cho người này. Những việc làm trái với cương thường, luân lý thời bấy giờ của Triệu Cơ chẳng những làm ảnh hưởng tới thanh danh Tần Thủy Hoàng mà còn tạo thành bóng đen tâm lý đối với vị Hoàng đế này ngay từ thuở thiếu thời.
Năm xưa, Doanh Chính vì bất mãn nên đã cách chức, bức tử Lã Bất Vi, tru di tình nhân Lao Ái, hạ sát 2 người con riêng của mẹ mình, thậm chí còn trục xuất mẫu hậu ra khỏi kinh thành, hạ lệnh tới chết vẫn không cho phép bà trở về Hàm Dương. Và rất có thể sự oán trách đối với mẹ ruột của mình đã khiến tính cách của Tần Thủy Hoàng trở nên đa nghi, nóng giận, thậm chí còn mang tâm lý chán ghét phụ nữ.
Hàng loạt việc làm tai tiếng của mẫu thân đã tạo nên bóng đen tâm lý khiến Tần Thủy Hoàng coi phụ nữ trong thiên hạ như kẻ thù, từ đó trở thành rào cản trong hôn nhân và khiến ông không muốn lập hậu. Giả thiết nói trên nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Đa số các ý kiến đều cho rằng đó mới là nguyên nhân khiến cho Doanh Chính năm xưa dù đã có hậu cung từ khi còn trẻ, nhưng bản thân ông chỉ coi đó là công cụ duy trì huyết mạch hoàng tộc chứ không thực sự xem trọng một người phụ nữ nào.
Say đắm nhiều bóng hồng nhưng vua Tần không chọn ai làm hoàng hậu.
Được mệnh danh là “thiên cổ nhất đế” và cũng là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, công lao cùng thành tựu to lớn của Tần Thủy Hoàng để lại cho hậu thế là điều không ai có thể phủ nhận.
Thế nhưng điểm đặc biệt còn nằm ở chỗ, vị vua này lúc sinh thời cũng ý thức rất rõ tài năng của bản thân, thậm chí ông vẫn thường cho rằng mình sở hữu công đức vượt qua cả các bậc thánh hiền thời cổ đại như Tam Hoàng Ngũ Đế.
Với một người tài giỏi và ý thức được sự tài giỏi của mình như Doanh Chính mà nói, yêu cầu của ông đối với chính thê đương nhiên sẽ vô cùng cao.
Đây cũng là rào cản cho việc lập hậu, và có lẽ bản thân Tần Thủy Hoàng năm xưa cũng chưa tìm được một người nào phù hợp với những tiêu chuẩn này. Tính cách của Tần Thủy Hoàng ngay từ khi còn nhỏ đã được nhận định là đa nghi và khắc nghiệt. Hơn nữa bản thân ông còn là người có tham vọng rất cao.
Những năm tháng chinh chiến liên miên cùng chiến công thống nhất lục quốc, thu phục tứ phương chính là minh chứng cho điều này. Một người có nhiều hoài bão và tham vọng chính trị như Tần Thủy Hoàng có thể sẽ xem việc lập hậu trở thành một rào cản cho mình, từ đó khiến ông khó có thể thực hiện những lý tưởng cao xa hơn.
Một cảnh phim tái hiện bí mật phòng theo của Tần Thủy Hoàng.
Chưa dừng lại ở đó, hậu thế đều biết Doanh Chính cả đời theo đuổi khát vọng trường sinh bất lão, cũng từng bỏ ra không ít tâm tư cho việc luyện đan, tìm kiếm bí thuật.
Ông từng nhiều lần phái người tìm kiếm tiên đan ở khắp các ngóc ngách của lục quốc, thậm chí còn cho Từ Phúc dẫn theo 3000 đồng nam, đồng nữ vượt biển đi tìm thuốc tiên chỉ vì mong muốn có được sự bất tử.
Xét trên một mực độ nhất định, khao khát quá lớn của vị Hoàng đế này dành cho ước vọng trường sinh bất lão vô hình chung sẽ áp chế đối sự hứng thú của ông trên những phương diện khác, mà việc lập hậu rất có thể cũng nằm trong số đó.
Về việc Tần Thủy Hoàng cả đời không lập hậu, có nhiều ý kiến cho rằng quyết định này đã phần nào giúp ông không chìm đắm trong nữ sắc như nhiều vị vua khác, cũng loại trừ được nguy cơ ngoại thích chuyên quyền, từ đó dành nhiều thời gian quản lý chính sự đồng thời bắt tay vào xây dựng các công trình vĩ đại lưu danh muôn thuở.
Cũng bởi cả đời chưa từng lập hậu, Tần Thủy Hoàng đã trở thành vị Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa không có hoàng hậu. Vì vậy mà nơi an nghỉ của ông dù bề thế nhưng vẫn luôn là một lăng mộ độc lập, không hợp táng với chính thê như những lăng tẩm đế vương thường thấy khác.
Cho tới ngày nay, nguyên nhân chân chính khiến Tần Thủy Hoàng cương quyết không sắc phong ai lên ngai vị “mẫu nghi thiên hạ” vẫn còn là một bí ẩn bỏ ngỏ, và có lẽ hết thảy mọi lý giải mà hậu thế đưa ra tạm thời vẫn chỉ dừng lại ở hai chữ “giả thiết”.