Sau khi nhà Thanh được lập nên, dù người Mãn đã tích cực tiếp nhận văn hóa Hán nhưng vẫn tồn tại rất nhiều điều mâu thuẫn và khác biệt. Chẳng hạn như trang phục lưu giữ rất nhiều đặc điểm văn hóa Mãn Châu.
Chúng ta đã xem nhiều bộ phim truyền hình về triều Thanh và thấy rằng khi các quan đại thần diện kiến hoàng thượng thường phất tay áo hai lần. Trong các triều đại của Trung Quốc, chỉ có triều Thanh mới xuất hiện hành động này. Nhiều người nói nó là sự kết hợp giữa văn hóa Mãn Châu và văn hóa Hán, tại sao lại nói vậy?
Trang phục của người Hán (gọi chung là Hán phục) tương đối rộng, đặc biệt là hai ống tay áo. Đây là một đặc điểm mang tính biểu trưng. Tất nhiên, những chiếc áo choàng dài quét đất mà chúng ta thường thấy trong phim không phải trang phục mà người xưa thường mặc, kể cả ở hoàng cung. Các loại áo choàng dài chỉ được mặc trong các buổi lễ lớn.
Trái ngược với người Hán, người Mãn Châu sống ở khu vực phía Bắc, thường cưỡi ngựa và bắn súng nên trang phục của họ rất gọn gàng để tránh dính bùn đất, tay áo cũng khá nhỏ để thuận tiện cho việc cử động.
Tuy nhiên, sau khi người Mãn tiến vào vùng đồng bằng trung tâm, văn hóa của hai tộc người đã có sự tiếp biến sau hàng trăm năm. Trang phục người Mãn cũng bắt đầu có sự kết hợp của các yếu tố Hán, thay đổi lớn nhất là tay áo rộng hơn.
Cổ phục với phần tay áo rộng không chỉ xuất hiện ở nhà Thanh, nhưng tại sao chỉ có nhà Thanh mới xuất hiện hành động phất tay áo? Theo góc nhìn của văn hóa, là do người Mãn đã tiếp thu nền văn hóa Hán, nhưng trên thực tế, hành động này còn mang một số ý nghĩa khác.
Đầu tiên, “Lưỡng tụ thanh phong”
“Lưỡng tụ thanh phong” (hai tay chỉ có gió nhẹ) nghĩa là bản thân làm quan nhưng vẫn giữ sự thanh liêm, trong sạch, trong tay trống trơn, không có gì giấu giếm, khuất tất. Ví dụ như khi Chu Nguyên Chương còn là hoàng đế rất ghét tham quan, thậm chí còn đưa ra chính sách chấn chỉnh quan lại. Có thể nói đến như việc cho phép dân chúng áp giải quan chức có biểu hiện tham nhũng vào cung. Quan lại không được phép chống cự hay ngăn cản trên đường áp giải. Từ việc này có thể thấy người xưa coi trọng sự thanh liêm của quan lại đến mức nào.
Thứ hai, không có vũ khí
Thời xa xưa, không chỉ có chuyện về Kinh Kha ám sát vua Tần mà còn nhiều trường hợp người hoàng tộc tìm cách chiếm đoạt ngai vàng mà ám sát hoàng thượng. Chính vì lẽ đó, việc phất tay áo hai lần nhằm bày tỏ bản thân không có vũ khí giấu trong tay áo hay bất cứ mối đe dọa nào khác. Điều này cũng biểu hiện lòng trung thành của các quan đại thần đối với hoàng thượng.
Khi nhà Thanh được lập lên đã ban hành rất nhiều pháp lệnh, như buộc cạo tóc, cạo râu và phục dịch, buộc người Hán phải thay đổi kiểu tóc, trang phục nhưng tình hình thực tế không mấy khả quan. Thời đó còn có một khẩu hiệu “Còn tóc thì mất đầu, còn đầu thì không giữ tóc”, dù vậy vẫn có rất nhiều người Hán kiên quyết không cạo trọc. Người Mãn Châu phải mất đến 37 năm mới có được một số dấu hiệu tích cực. Ngoài ra, người Mãn Châu cũng thỏa hiệp và nhượng bộ một số điều kiện để cai trị người Hán thuận lợi hơn. Đó là lý do tại sao dưới thời Thanh vẫn có những người Hán làm quan.