Vì sao nhiều doanh nghiệp đề nghị tạm dừng bán xăng E5?

Đức Thành |

Trong khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa xăng nhiên liệu sinh học E5 chính thức thay thế RON 92, song nhiều doanh nghiệp xăng dầu lại có đề xuất tạm dừng bán xăng E5. Nguyên nhân này do đâu? Liệu có phải chỉ vì lợi nhuận thấp?

Rõ ràng, các doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận, nếu lợi nhuận thấp thì họ có quyền hạn chế kinh doanh. Tuy nhiên, trước chủ trương 1.1.2018 sẽ chính thức bắt buộc dùng xăng E5 thay vì RON 92, thị trường vô cùng rộng mở nhưng nhiều doanh nghiệp lại không mặn mà.

Thông tin từ cuộc Hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học – Giải pháp phát triển bền vững", đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết thành phố hiện có 240/533 cửa hàng xăng dầu bán xăng sinh học E5, tức là giảm 42 cây xăng so với năm 2016.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này dược đánh giá là do thói quen tiêu dùng của khách hàng vẫn ưa chuộng xăng khoáng, nhiều người nhận thức về xăng E5 với những định kiến hơn là tiếp nhận cái mới.

Ví dụ như: vì ethanol dễ bị oxy hóa cùng với độ tinh khiết thấp dưới 99,50 nên xăng sinh học có thể làm hư hại động cơ; xăng E5 không thích hợp cho các loại xe đời cũ có thời hạn sử dụng trên 10 năm…

Thực tế, những lo ngại này là vô căn cứ và PGS. Ts Nguyễn Hữu Tuyến (Viện Cơ khí động lực – Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện các thử nghiệm bác bỏ những thông tin thiếu tính xác ở trên. Đồng thời khẳng định việc sử dụng xăng E5 những không gây tác hại cho thiết bị mà thậm chí còn tăng công suất làm việc của động cơ.

Tuy nhiên, lý do để các doanh nghiệp đề xuất xin dừng bán xăng E5 vì lý do lợi nhuận thấp cũng có thể được hiểu là một cách gây sức ép để đề nghị các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Các doanh nghiệp cho rằng, giá xăng E5 chỉ thấp hơn giá xăng RON 92 chưa tới 300 đồng/lít, không đủ mức thu hút người tiêu dùng về giá, khiến cho doanh thu từ xăng sinh học E5 đang rất thấp so với các loại xăng khoáng. Lượng hàng tồn kho nhiều dẫn tới việc bị hao hụt lớn, mức độ chiết khấu không đủ bù cho chi phí hoạt động…

Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền đề xuất cơ chế hỗ trợ như giảm thuế, miễn Thuế tiêu thụ đặc biệt, phí, thuế môi trường và tăng tỷ lệ chiết khấu…

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Phó TGĐ Trần Ngọc Năm cũng cho rằng Chính phủ cần giải quyết vướng mắc về chính sách thuế, phí, đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có đủ lợi nhuận, khi đó mới có thể tính tới đẩy mạnh sử dụng xăng E5 trên thị trường.

Có thể thấy, sau 1.1.2018, không có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng khi chỉ có thể một là tiếp nhận xăng E5 - tức là tiếp nhận cái mới, hai là đổi sang dùng xăng RON 95 - đắt hơn RON 92 hiện tại. Việc các doanh nghiệp đòi hỏi nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút người tiêu dùng xem ra chưa thật thuyết phục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại