Vì sao Nga không tấn công ào ạt như Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2?

Nguyễn Ngọc |

Có những vấn đề mà Quân đội Nga phải đối mặt, khiến họ không thể chuyển sang tấn công chiến lược quy mô lớn như Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2.

Những gì đang xảy ra ở khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt (SVO) đặt ra nhiều câu hỏi trong công chúng Nga.

Người ta đặc biệt lo ngại khi nói về “chiến hào”, một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong một cuộc xung đột kéo dài.

Vì vậy, trên kênh Telegram của mình, chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin đã đánh giá tình hình hoạt động ở mặt trận, cố gắng trả lời những câu hỏi cấp bách nhất và giải thích những điều đang diễn ra.

Theo lời chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin, sau gần 2 năm mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt (SVO) ở Ukraine, quân đội Nga đã thực hiện khá thành công các nhiệm vụ tấn công, mỗi khi bộ chỉ huy có quyết định như vậy.

Trong gần 2 năm qua, Lực lượng vũ trang Nga đã chiếm được 15 thành phố ở phía đông và phía nam Ukraine với tổn thất tối thiểu, trong đó mới nhất là thành phố Maryinka ở tỉnh Donetsk, còn thành phố Avdeevka cũng thuộc tỉnh Donetsk có thể sẽ sớm được bổ sung vào danh sách này.

Vậy chuyên gia đặt câu hỏi “tại sao chúng ta không tiến lên?”

Đây có lẽ là câu hỏi cấp bách nhất hiện nay mà công chúng cần giải thích khi có rất nhiều báo cáo về chiến thắng, nhưng thông tin hàng ngày khiến mọi người đã quen với thực tế là có những trận chiến kéo dài nhiều ngày để tranh giành một trang trại hoặc một ngôi làng không mấy kiên cố, chứ không phải là những chiến thắng hoành tráng.

Vì sao Nga không tấn công ào ạt như Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2? - Ảnh 1.

Thực tế trong xung đột Nga-Ukraine có rất nhiều trận đánh khốc liệt để giành quyền kiểm soát một ngôi làng

Và, rõ ràng là với thực tế như vậy, với quy mô của đất nước Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết “phi phát xít hóa và phi quân sự hóa”, thì người dân Nga sẽ phải quen với thực tế là cuộc chiến này có thể tiếp tục trong nhiều năm nữa.

Theo ông Shurygin, nhiều người Nga muốn thấy những đột phá quy mô lớn của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhưng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan cản trở việc Lực lượng Vũ trang Nga tổ chức các cuộc tấn công chiến lược kiểu như vậy.

Học thuyết chiến tranh hiện đại đã có những thay đổi

Thực tế là trong giai đoạn đầu của Chiến dịch Quân sự Đặc biệt (SVO) ở Ukraine, quân Nga đã tiến hành chiến dịch tấn công tổng lực ồ ạt giống như Hồng quân Liên Xô năm xưa tấn công sang châu Âu và tiến tới Berlin; nhưng sau đó, giới tướng lĩnh Nga đã nhận ra là họ không thể làm như thế.

Điều này đến nay chúng ta vẫn có thể nhận thấy ở chính Quân đội Ukraine khi gần đây họ liên tiếp mở các chiến dịch phản công, mà thực tế là các chiến dịch tấn công quy mô lớn với lực lượng từ 8-10 Lữ đoàn, nhưng đã phải nhận những thất bại thảm hại, mà nguyên nhân cũng tương tự như những điều mà Quân đội Nga gặp phải.

Có một vấn đề, hay nói chính xác hơn là có rất nhiều vấn đề, nhưng đây là vấn đề nghiêm trọng nhất được chuyên gia Shurygin chỉ ra là sự lỗi thời trầm trọng của toàn bộ học thuyết quân sự đã tồn tại trong Lực lượng Vũ trang Nga, trước khi mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine.

Vì sao Nga không tấn công ào ạt như Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2? - Ảnh 2.

Học thuyết chiến tranh hiện đại đã thay đổi nhanh chóng, không còn hiện tượng “pháo xếp thành hàng”

Trong một khoảng thời gian ngắn, không gian và nguyên tắc chiến tranh đã thay đổi, quy định chiến đấu ở các cấp hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế, bản thân nó đang thay đổi với tốc độ cao.

Ví dụ như việc sử dụng pháo binh hiện nay không còn hiện tượng pháo xếp thành hàng hay tập trung thành từng cụm, vì những điểm hỏa lực như vậy sẽ nhanh chóng bị phá hủy. Tình hình cũng diễn ra tương tự với các điểm tập trung quân hay các bàn đạp tập kết binh lực chuẩn bị tấn công.

Theo quy định tác chiến trước đây, có vùng an toàn mà hỏa lực tầm xa nhất của địch không thể tiếp cận tới và những điểm tập trung quân có thể vừa ngụy trang, chuẩn bị tấn công, thì nay không còn khái niệm về hậu phương chứ đừng nói là địa điểm an toàn trên tiền duyên.

Các phương tiện trinh sát hiện đại đã đơn giản loại bỏ khái niệm tập trung quân bí mật ở tiền tuyến, thậm chí là cả hậu phương.

Hậu phương của Nga hiện nay bị Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) coi như tiền tuyến của họ và AFU có đủ khả năng thực hiện các đòn tấn công có độ chính xác cao.

Vì vậy, cần có những quy tắc, lý thuyết và chiến lược tấn công mới, bởi không có có chúng thì binh sĩ trên chiến trường khó làm được bất cứ điều gì.

Nhưng sau khi giải quyết vấn đề này, Lực lượng Vũ trang Nga còn cần phải loại bỏ hàng loạt khó khăn khác, ví dụ hoạt động phản pháo vẫn là một khó khăn lớn với Lực lượng Lục quân Nga.

Vì sao Nga không tấn công ào ạt như Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2? - Ảnh 3.

Hoạt động phản pháo là một khó khăn đối với lực lượng lục quân Nga

Theo chuyên gia Vladislav Shurygin, Quân đội Nga cần các hệ thống pháo binh và thiết bị trinh sát pháo binh tầm xa, có độ chính xác cao hơn gấp nhiều lần nhưng không đủ nên chỉ có thể bù đắp cho sự thiếu thốn này bằng số lượng quân tấn công và theo đó là những tổn nghiêm trọng về quân số.

Thói quan liêu và thủ tục hành chính gây hại cho hoạt động cung cấp

Sẽ không đầy đủ nếu chúng ta không nói về những vấn đề chủ quan như một số quan chức che đậy các khiếm khuyết, giấu giếm các thất bại, hoặc báo cáo thổi phồng những chiến tích không tồn tại trên thực tế, nhưng trở ngại lớn nhất của Quân đội Nga là thói quan liêu, thủ tục hành chính và những yếu kém trong hệ thống cung cấp.

Vấn đề về nguồn cung cấp đạn dược gần đây đã giảm bớt nhưng vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Vẫn có thông tin về việc lính pháo binh không nhận được đủ cơ số đạn dược được xác định theo tiêu chuẩn cho các hoạt động tấn công.

Vì vậy, nhiều ổ đề kháng của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở tiền tuyến vẫn chưa bị hỏa lực tiêu diệt hoàn toàn, khiến binh sĩ Nga phải xông vào giải quyết, dẫn tới những tổn thất không đáng có.

Vấn đề về máy bay không người lái (UAV) cũng chưa được giải quyết triệt để nếu xét về mặt tổ chức, bởi khi đã tới được các đơn vị chiến đấu, máy bay không người lái sẽ trở thành vũ khí đáng gờm, nhưng trên thực tế, không có đơn vị nào trong quân đội cho biết là họ nhận đủ yêu cầu về UAV.

Vì sao Nga không tấn công ào ạt như Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2? - Ảnh 4.

Nguồn cung UAV chủ yếu của Quân đội Nga là từ các tình nguyện viên

Hiện nay, hầu hết công ty vũ khí Nga đều có UAV chiến thuật nhưng trớ trêu là phần lớn những máy bay không người lái cỡ nhỏ này thường do các tình nguyện viên cung cấp.

Theo các chuyên gia, tệ nạn quan liêu và thủ tục hành chính trong quân đội vẫn đang còn nhức nhối, đến mức cực kỳ vô lý.

Thói quan liêu cực kỳ có hại cho quân đội Nga, khi một số người không nhận ra rằng, máy bay trực thăng, máy bay không người lái cũng chỉ là một loại vũ khí có mức tiêu hao giống như tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hoặc đạn pháo thông thường.

Các nhà quan sát Nga cho rằng ví dụ như các nhà máy công nghiệp quốc phòng đang liên tục gửi trực thăng cho quân đội, nhưng chúng chỉ chất đống trong các nhà kho, bởi vì việc cấp phát hoặc loại biên, xóa sổ vũ khí là một thủ tục quan liêu lằng nhằng, thậm chí nói không ngoa là quân khí pháo binh phải viết giấy xóa từng quả đạn bắn ra...

Trong phần lớn thời gian của cuộc chiến, Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) có nhiều UAV trinh sát chiến thuật hơn và chúng hoạt động hiệu quả hơn cả về mặt quang học và trên không, cho phép AFU kiểm soát chiến tuyến ở độ sâu lớn hơn nhiều so với Lực lượng vũ trang Nga.

Ngoài ra, vấn đề về thiết bị tác chiến điện tử, vốn rất quan trọng đối với bất kỳ loại hoạt động tác chiến nào, vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Vì sao Nga không tấn công ào ạt như Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2? - Ảnh 5.

Lực lượng Vũ trang Ukraine chiếm ưu thế về UAV ở đầu cuộc xung đột

Ở đây, cũng như với UAV, không có thuật toán ứng dụng duy nhất, cũng như không có cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm điều phối hoạt động cho các bộ phận cấu thành của lực lượng này. Vì vậy, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga có lúc đã tác động đến chính các UAV của mình.

Lời kết:

Với những yếu kém và hạn chế như vậy, tất nhiên, quân đội Nga vẫn có thể mở những đợt tấn công lớn vào chiến tuyến của Ukraine ngay bây giờ, giống như Hồng quân Liên Xô đã làm trong Thế chiến Thứ hai, nhưng tổn thất sẽ rất lớn.

Chuyên gia Vladislav Shurygin đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho những tổn thất ở cấp độ này ở thời điểm hiện nay hay chưa? Liệu chúng ta có sẵn sàng kết thúc chiến tranh bằng cách tuyển thêm một triệu quân và khiến 200 nghìn người thiệt mạng trong cuộc xung đột với Ukraine hay không?

Vì vậy, để giành được thắng lợi với ít xương máu nhất, Nga cần phải nghiên cứu, tái tổ chức biên chế, cơ cấu lực lượng; điều chỉnh lại hệ thống nguyên tắc, chiến thuật tác chiến; thiết lập một hệ thống cơ cấu chế tạo, sản xuất vũ khí lưỡng dụng được quản lý thống nhất và một cơ chế quản lý, điều phối cung ứng vũ khí trang bị nhanh chóng, hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại