NATO kết nạp Ukraine thời điểm này là mạo hiểm
Ngay sau khi Tổng thống Putin sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, Tổng thống Ukraine Zelensky đã chính thức gửi đơn đến Brussels đề nghị được xem xét công nhận là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Với nguyện vọng gia nhập NATO , Ukraine một lần nữa kêu gọi toàn bộ mấy chục quốc gia trực tiếp tham chiến chống lại Nga
Có thể hiểu, hiện tại đây là đòn đáp trả có sức ảnh hưởng lớn nhất mà Kiev có thể làm, chọc vào nỗi giận của người Nga, và hành động này như đổ thêm dầu vào lửa khiến cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng.
Từ sau chiến tranh lạnh đến nay, NATO thu nhận 14 quốc gia Đông Âu làm thành viên, đặc biệt trong năm 2004 có tới 7 thành viên mới. Các nước này đều đạt điều kiện không có tranh chấp, xung đột với bên ngoài trong lộ trình gia nhập NATO.
Như vậy, hiện tại Ukraine không đáp ứng tiêu chuẩn này, kể cả nhiều năm trước khi chiến sự Nga - Ukraine chưa xảy ra thì phương Tây cũng không vội vàng phê duyệt. Bởi vì Brussels nhận thấy khả năng đụng độ với Moscow.
Trong số những quốc gia Đông Âu, Tổng thống Putin chưa bao giờ rời mắt khỏi trường hợp Ukraine, là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Âu, đất đai màu mỡ, tọa lạc tại vị trí yết hầu trên con đường ra biển của nước Nga.
Đó là lý do mà Kremlin luôn luôn phản ứng rất gay gắt một khi Ukraine nhắc đến vấn đề NATO; thắt chặt quan hệ với Washington; xây dựng nội các có tư tưởng tách rời Nga.
Trước khi chiến sự xảy ra, ông Putin đã gửi đến Mỹ bản yêu sách về vấn đề an ninh nước Nga liên quan đến chính sách hướng Tây của Ukraine và động thái của Mỹ. Ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken hồi đáp, có đoạn: "Washington ủng hộ quyền của Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những nguyên tắc".
Giới quan sát quốc tế coi đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Nga nổ súng tấn công Ukraine từ ngày 24/2. Điều này cho thấy, ngăn cản Ukraine gia nhập NATO là nhiệm vụ sống còn với Kremlin. Trong quan điểm của Nga, NATO không thể tiến gần hơn nữa đến sát biên giới, Ukraine không bao giờ được phép liên minh quân sự với bên ngoài.
Ukraine có thể không được gia nhập NATO
Tiềm lực quân sự Nga không mạnh hơn NATO; thực lực kinh tế, công nghệ thua kém khá xa so với châu Âu và Mỹ. Nhưng đây không phải là tham chiếu đủ cơ sở để các lãnh đạo phương Tây hoàn toàn phớt lờ ý chí của Tổng thống Putin.
Nói cách khác, đụng độ vũ trang trực tiếp với Nga là nước đi quá mạo hiểm, có thể dẫn đến sụp đổ hàng loạt, đó là cuộc chiến không có hồi kết mà chiến lợi phẩm chẳng có gì rõ ràng.
Thay vì kết nạp NATO, qua đó đấu đầu trực tiếp với Nga thì phương Tây chọn cách đứng bên ngoài, viện trợ mạnh mẽ cho Ukraine chiến đấu với Nga. Các chuyên gia cho rằng đây là chiến lược khôn ngoan, một mũi tên trúng nhiều đích.
Duy trì một Ukraine luôn đủ sức đánh trả quân Nga, cuộc chiến này càng kéo dài kinh tế Nga càng kiệt quệ, suy yếu dần - đây là mục đích cuối cùng của châu Âu và Mỹ.
Thay vì sắm vai hiếu chiến như đã từng trong lịch sử, phương Tây lại được tiếng đứng về phía "chính nghĩa", bảo vệ luật pháp quốc tế, giúp nhân dân Ukraine bảo toàn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền độc lập.
Nói như cựu Ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger: "Từ góc nhìn của Moscow, dường như Mỹ đang cố gắng tạo ra tầm ảnh hưởng ở toàn bộ khu vực này, và đó là điều chạm tới giới hạn chịu đựng của Nga. Do vậy, việc Washington ủng hộ Ukraine vào NATO ngay thời điểm căng thẳng leo thang là không không ngoan".