Quả bom mang biệt danh "Gã béo" được thả xuống thành phố Nagasaki ngày 9/8/1945, 3 ngày sau khi quả bom hạt nhân đầu tiên thả xuống Hiroshima.
Kể từ khi người Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki, Nhật Bản ngày 9/8/1945, một câu hỏi vẫn luôn tồn tại: Liệu quy mô chết chóc và sự hủy diệt đó có thực sự cần để kết thúc Thế chiến thứ II?
Giới lãnh đạo Mỹ rõ ràng đã nghĩ là có. Chỉ 16 tiếng sau khi chiếc máy bay ném bom B-29 của Mỹ mang biệt danh “Enola Gay” gây chấn động thế giới với việc thả quả bom A đầu tiên có tên “Little Boy” (Cậu bé) xuống thành phố Hiroshima, Nhà Trắng đã phát đi tuyên bố từ Tổng thống Harry S. Truman.
Ngoài việc giới thiệu với thế giới về chương trình nghiên cứu nguyên tử tối mật, gọi là Dự án Manhattan, Tổng thống Truman đã nhấn mạnh mối đe dọa mà vũ khí hạt nhân gây ra cho Nhật Bản, đối thủ duy nhất còn lại trong cuộc đại chiến.
Nếu người Nhật không chấp nhận các điều khoản đầu hàng vô điều kiện do các nhà lãnh đạo quân Đồng minh soạn thảo trong Tuyên bố Potsdam, ông Truman viết, “họ có thể chờ đợi một cơn mưa hủy diệt từ trên không, như chưa từng thấy trên Trái đất này”.
Ngay khi từ trước khi Tổng thống Truman đưa ra tuyên bố đó, một cuộc tấn công bom nguyên tử thứ hai đã sẵn sàng. Theo một sắc lệnh được soạn thảo vào cuối tháng 7/1945, bởi Trung tướng Leslie Groves thuộc Công binh Lục quân Mỹ, Giám đốc Dự án Manhattan, Tổng thống đã cho phép thả thêm bom xuống các thành phố Kokura (ngày nay là Kitakyushu), Niigata và Nagasaki ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Đám mây hình nấm trên bầu trời Nagasaki vào ngày 9/8//1945. Ảnh: Getty Images
Nagasaki không phải là mục tiêu ban đầu
Sáng sớm ngày 9/8/1945, chiếc B-29 “Bockcar” cất cánh từ đảo Tinian ở Tây Thái Bình Đương, chở theo quả bom hạt nhân gốc plutoni nặng 454 kg, biệt danh “Gã béo”, hướng về phía Kokura, nơi đặt kho vũ khí lớn của Nhật Bản. Nhận thấy Kokura bị mây che phủ, phi hành đoàn Bockcar quyết định chuyển hướng tới mục tiêu thứ hai, Nagasaki.
“Gã béo” nổ tung vào lúc 11h02 theo giờ địa phương, ở độ cao 500 mét. Quả bom này gây ra số người tử vong bằng khoảng một nửa so với quả bom “Cậu bé”, gốc urani, thả xuống Hiroshima trước đó 3 ngày, dù có sức công phá 21 kiloton, lớn hơn 40%. Mặc dù vậy, sức hủy diệt của quả bom vẫn rất khủng khiếp: gần 40.000 người thiệt mạng lập tức và 1/3 thành phố Nagasaki bị phá hủy.
Đoàn bay của chiếc máy bay ném bom B-29 "Bockcar", với sứ mạng thả quả bom hạt nhân thứ hai xuống Nhật Bản. Ảnh: Wikimedia Commons
“Màn phô trương sức mạnh bom nguyên tử thứ hai khiến Tokyo hoảng loạn, ngay sáng hôm sau đã có những dấu hiệu cho thấy Đế quốc Nhật Bản sẵn sàng đầu hàng”, Tổng thống Mỹ Truman viết trong hồi ký của ông sau này. Ngày 15/8, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo ông Truman và những người khác trong chính quyền Mỹ, việc sử dụng bom nguyên tử nhằm mục đích rút ngắn chiến tranh ở Thái Bình Dương, tránh việc Mỹ phải đưa quân tới Nhật Bản và cứu mạng hàng ngàn lính Mỹ.
Tranh cãi sau thảm họa nguyên tử
Vào đầu năm 1947, khi bị thúc giục đưa ra phản ứng trước những chỉ trích ngày càng tăng xung quanh việc sử dụng bom nguyên tử, Ngoại trưởng Mỹ Henry Stimson viết trên tạp chí Harper’s rằng, tới tháng 7/1945 vẫn không có dấu hiệu “về bất cứ sự giảm sút nào trong ý chí chiến đấu của người Nhật chứ đừng nói đến chấp nhận đầu hàng vô điều kiện”. Trong khi đó, Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường bao vây đường không và đường biển với Nhật Bản, tăng cường đánh bom chiến lược và sẵn sàng đưa quân tới Nhật vào tháng 11 năm đó.
“Chúng tôi tính toán rằng nếu chúng tôi không thực hiện kế hoạch này, các trận chiến quan trọng sẽ không dừng lại cho đến sớm nhất là nửa sau năm 1946”, ông Stimson viết. “Tôi được thông báo rằng những chiến dịch như vậy có thể gây tổn thất trên 1 triệu thương vong, chỉ riêng với lực lượng Mỹ”.
Khu vực trung tâm nơi quả bom tấn công Nagasaki, chụp ngày 13/9/1945. Ảnh: Getty Images
Bất chấp lập luận của Ngoại trưởng Stimson và những người khác, các sử gia từ lâu tiếp tục tranh luận liệu Mỹ có hành xử hợp lý không khi sử dụng bom nguyên tử ở Nhật Bản, lại còn sử dụng tới hai lần. Các quan chức dân sự và quân sự công khai phát biểu rằng hai vụ đánh bom không phải là một phản ứng quân sự cần thiết. Ngay cả Tướng “diều hâu” nổi tiếng của Mỹ Curtis LeMay cũng phát biểu với báo chí vào tháng 9/1945 rằng “bom nguyên tử không liên quan gì tới việc kết thúc chiến tranh”.
Những tuyên bố như vậy khiến nhiều sử gia như Gar Alperovitz, tác giả cuốn “The Decision to Use the Atomic Bomb” (Quyết định sử dụng bom nguyên tử), cho rằng mục đích thực sự của việc đánh bom nguyên tử là nhằm giành thế thượng phong với Liên Xô. Theo dòng phán đoán này, Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống Nagasaki để phô trương rõ ràng sức mạnh kho vũ khí hạt nhân, đảm bảo quyền tối thượng của nước này trong cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu.
Thành phố Hiroshima bị hủy diệt bởi bom nguyên tử của Mỹ. Ảnh: History
Những người khác tranh cãi rằng cả hai cuộc tấn công chỉ đơn giản là một thí nghiệm, để kiểm chứng hai dạng bom nguyên tử (gốc urani và plutoni), do Dự án Manhattan phát triển, hoạt động ra sao. Đô đốc William “Bull” Halsey, Tư lệnh Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, tuyên bố năm 1946 rằng quả bom nguyên tử đầu tiên là “một thí nghiệm không cần thiết… Họ đã sở hữu món đồ chơi này và muốn thử nghiệm nó, vì thế họ đã thả bom”.
Liệu quả bom nguyên tử thứ hai có cần thiết để buộc Nhật Bản đầu hàng? Thế giới có thể không bao giờ biết được câu trả lời. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Harry Truman dường như không lung lay với niềm tin rằng hai vụ đánh bom là hợp lý. “Đó là một quyết định kinh khủng. Nhưng em đã đưa ra”, Tổng thống thứ 33 của Mỹ sau này viết thư cho chị gái Mary của ông - “Em đã quyết định để cứu 250.000 chàng trai từ nước Mỹ và em sẽ làm lại điều đó trong những hoàn cảnh tương tự”.