Oak Ridge – Thị trấn nhỏ ra đời bom nguyên tử Bom nguyên tử Mỹ và chuyện chưa kể về "Dự án Manhattan" Tổng thống Mỹ Harry Truman và quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima
Hành động của họ đã giúp đẩy nhanh sự phát triển các loại vũ khí hạt nhân của Liên Xô và tạo tiền đề cho cuộc Chiến tranh Lạnh. Song thật ra, còn có một điệp viên nữa, mang mã danh “Godsend”, chính là người đã chuyển giao các bí mật nguyên tử cho tình báo Liên Xô. Danh tính của cựu điệp viên này chỉ mới bị phát lộ trong thời gian gần đây.
Tên thật của anh ta là Oscar Seborer, từng có thời gian làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico, nơi khai sinh ra Dự án Manhattan mà thực chất là nơi mà các loại vũ khí hạt nhân đầu tiên được chế tạo ra.
Cựu điệp viên Mỹ, Oscar Seborer, người đã chuyển giao các bí mật bom nguyên tử cho tình báo Liên Xô. Ảnh nguồn: The New York Times.
Trong suốt hàng thập kỷ, cái tên của Seborer dường như bị “bỏ rơi”, nằm đâu đó trong vài chục trang tài liệu trong khoảng hàng vạn tài liệu tuyệt mật do FBI biên soạn.
Khi các tài liệu này được phân loại vào năm 2011 thì nó lập tức gây sự chú ý của hai sử gia là John Earl Haynes và Harvey Klehr; tức 70 năm sau ngày điệp viên Seborer phản bội nước Mỹ, câu chuyện của người này cuối cùng mới được kể và gần đây được tờ The New York Times đăng tải.
Sử gia Harvey Klehr từng là cựu nhân viên của Thư viện Quốc hội Mỹ, còn ông John Earl Haynes là giáo sư danh dự của Đại học Emory (thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia), từng cộng tác để xuất bản một số cuốn sách như “Venona: giải mã gián điệp Liên Xô ở Mỹ” (1999) và “Điệp viên: Thăng trầm của KGB trên đất Mỹ” (2010), cả hai quyển sách này đều được phát hành bởi Nhà xuất bản Đại học Yale.
Trước khám phá chấn động này, 3 điệp viên mà dư luận lâu nay đã biết, đã mang các bí mật nguyên tử từ Los Alamos dâng cho Liên Xô, họ là các ông David Greenglass, Klaus Fuchs và Theodore Hall.
Điệp viên thứ 4 đã được đề xuất vào đầu thập niên 1990 dựa trên các manh mối từ những cuốn hồi ký của các sĩ quan KGB, nhưng sau đó các manh mối này được bóc trần vào năm 1995 như là một phần trong chiến dịch “phao tin” của người Nga nhằm bảo vệ một điệp viên đang hoạt động khác, hai sử gia Klehr và Haynes đã viết về chuyện này trong một nghiên cứu mới.
Hai sử gia đã công bố các phát hiện mới của mình trong một ấn phẩm mới nhất được đăng tải trên tờ Nghiên cứu tình báo của CIA. Các nhà nghiên cứu đã gọi tên Oscar Seborer là điệp viên thứ 4 của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos dựa trên các tài liệu được phân loại của FBI hồi năm 2011, cũng như các hồ sơ mới được giải mã một phần vốn của một sáng kiến kéo dài hàng thập kỷ được gọi tên là Chiến dịch SOLO.
Đến hôm nay, chỉ có các hồ sơ của SOLO từ năm 1952 đến năm 1956 là được công bố, và nhiều câu hỏi mở đầy hồ nghi về các hoạt động của điệp viên Seborer cũng như chuyện gì đã xảy ra cho anh ta sau khi người này đào thoát sang Liên Xô.
Một cái tên bị giấu kín
Hai sử gia Klehr và Hayes nhận định: Những dòng đề cập về cái tên của Oscar Seborer “dễ dàng bị bỏ qua” trong núi hồ sơ. Tuy nhiên, hai ông biết được tin rằng gia đình của Seborer (các kiều dân Do Thái di cư từ Ba Lan) là một phần của “một mạng lưới những người kết giao với tình báo Liên Xô”.
Bản thân Oscar Seborer được đào tạo làm kỹ sư và sau đó ghi danh đi lính cho quân đội Mỹ từ năm 1942; năm 1944, anh ta chuyển tới Los Alamos và được chỉ định tham gia vào Dự án Manhattan trong khoảng 2 năm, theo tiết lộ trên tờ Nghiên cứu tình báo của CIA.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Seborer làm kỹ sư điện cho Hải quân Mỹ, nhưng cũng kể từ đây trỗi dậy các dấu hiệu không tốt về chàng kỹ sư điện. Các sĩ quan cấp trên của Seborer thường xuyên nhận được các báo cáo rằng Seborer đang gặp “rủi ro an ninh” chứ không phải đang hoạt động gián điệp.
Seborer bí mật đào thoát khỏi nước Mỹ vào năm 1952 với người em trai, chị dâu và mẹ vợ. Cuối cùng Seborer định cư ở Moscow và qua đời năm 2015. Những cuộc đàm thoại được lưu lại trong các tập tin của Chiến dịch SOLO (dù có mật mã) đã mập mờ cho thấy rằng Seborer đã nắm được thứ gì đó khi còn ở Los Alamos. Trong báo cáo của mình, hai sử gia Haynes và Klehr lưu ý rằng: Luật sư Isidore Needleman công khai cho rằng Seborer là điệp viên: “Anh ta (Seborer) đã chuyển cho họ (Liên Xô) công thức của bom A (bom nguyên tử)”.
“Godsend”
Các hồ sơ của Ủy ban an ninh quốc gia Nga (KGB) công bố hồi năm 2009 đã trưng ra các manh mối ám chỉ Oscar Seborer là điệp viên thứ 4 trong thời kỳ nguyên tử. Những lưu ý mô tả về một điệp viên tại Los Alamos, mang mã danh là “Godsend”, chuyển giao các bí mật nguyên tử nhưng sau đó đã rời đi để nhận một công việc khác.
Thêm nữa, Godsend không hoạt động đơn lẻ mà anh ta là một phần của “gia đình”. Các nhà nghiên cứu còn liệt kê ra các mã danh khác như “Godfather” (Bố già), “Relative” (Họ hàng) và “Nata” (ám chỉ đến 2 người anh và người chị của Godsend). Nhóm người này có thể đại diện cho Oscar Seborer và những người anh chị em của Seborer, theo công bố của cuộc nghiên cứu.
Đối với các bí mật nguyên tử cụ thể mà Oscar Seborer có thể đã chia sẻ, liệu có hay không việc các thành viên trong gia đình của Seborer đã nhúng tay vào trong hoạt động gián điệp, các tác giả vẫn tiếp tục xâu chuỗi các chi tiết xem ra khó nắm bắt. Hai sử gia đã viết trong báo cáo của mình: “Mặc dù chúng tôi biết rất nhiều các thông tin mà bộ 3 cựu điệp viên Fuchs, Hall và Greenglass đã truy cập, và một số chi tiết cụ thể mà họ đã cung cấp cho người Xôviết, nhưng với Seborer thì chúng tôi nghĩ rằng ông ta hẳn phải cung cấp một thứ gì đó quan trọng lắm”.
Ít nhất là cho đến nay, tầm quan trọng của các đóng góp của Seborer cho cộng đồng tình báo Liên Xô vẫn còn là một ẩn số. Có một tình tiết đáng lưu ý là một trong những khách đi đám tang của Seborer là một đại diện của Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSS): cơ quan gián điệp đã được thay thế bởi KGB.