Các cuộc thử nghiệm, được thực hiện khi trên tàu có đầy đủ thủy thủ đoàn. Người ta cho kích nổ một khối chất nổ nặng hơn 18 tấn ở mạn phải của Ford . Vụ nổ mạnh đến mức đạt rung chất 3,9 độ Richter - gần tương đương với một trận động đất nhỏ.
Đây là lần đầu tiên trong số ba cuộc thử nghiệm tương tự dự kiến được thực hiện với tàu Ford - hai lần tiếp theo sẽ có các vụ nổ gần tàu hơn - và là lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ trải qua các cuộc thử nghiệm này kể từ năm 1987, khi đó là tàu USS Theodore Roosevelt.
Trong khi Hải quân Mỹ đang tranh luận về tính hữu dụng của các cuộc thử nghiệm xung kích, thì việc chúng được thực hiện trên USS Gerald R. Ford cho thấy Hải quân Mỹ rất nghiêm túc trong việc tối đa hóa khả năng sống sót của con tàu trước các mối đe dọa của thế kỷ 21.
Các cuộc thử nghiệm xung kích nhằm kiểm tra mức độ hoạt động của các hệ thống và thành phần của tàu trong quá trình chiến đấu và không phải là hiếm.
USS Jackson và USS Milwaukee, hai tàu tác chiến ven bờ, đã trải qua các cuộc thử nghiệm xung kích vào năm 2016.
Tàu vận tải đổ bộ USS Mesa Verde và tàu tấn công đổ bộ USS Wasp, cả hai đều chở máy bay, lần lượt trải qua các cuộc thử nghiệm xung kích vào năm 2008 và 1990. USS Arkansas, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã thực hiện thử nghiệm vào năm 1982.
Điều bất thường là Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm xung kích trên tàu sân bay lớp Gerald R. Ford đầu tiên được đưa vào biên chế. Hải quân Mỹ thường tiến hành các cuộc thử nghiệm xung kích trên các tàu chế tạo sau của một lớp tàu nào đó.
Quyết định để USS Gerald R. Ford thử nghiệm có thể được thúc đẩy bởi mong muốn đảm bảo rằng tàu sân bay này đã sẵn sàng chiến đấu ngay khi nó bắt đầu triển khai lần đầu tiên, dự kiến là vào năm 2022.
Các quan chức Hải quân Mỹ thừa nhận sự phổ biến ngày càng tăng của các loại vũ khí chống hạm hiện đại, đặc biệt là tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21D và DF-26 "sát thủ đảo Guam" của Trung Quốc.
Một báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ về lớp Ford đã trích dẫn Trung Quốc là đối thủ "sở hữu các tên lửa chống hạm có khả năng cao", đặt ra câu hỏi về "khả năng sống sót trong tương lai" của tàu sân bay trong một cuộc xung đột.
Báo cáo cũng lưu ý rằng các cuộc thử nghiệm trực tiếp cho thấy Ford "có khả năng tự vệ hạn chế" trước các tên lửa hành trình chống hạm.
Ford cũng có một số hệ thống và khả năng mới không có trên các phiên bản tiền nhiệm lớp Nimitz và chưa phải đối mặt với các điều kiện chiến đấu.
Một hệ thống thang nâng hạ vũ khí mới được tích hợp lên tàu, đi kèm là các loại vũ khí hiện đại, nhằm giảm thời gian triển khai vũ khí cho máy bay.
Hệ thống phóng máy bay điện từ mới sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính thay vì hơi nước để cung cấp năng lượng cho máy phóng của tàu sân bay, đảm bảo máy bay cánh cố định cất cánh nhanh hơn, mượt mà hơn và hiệu quả hơn.
Hệ thống bắt giữ mới của Ford, được biết đến với tên gọi Advanced Arresting Gear, cũng sử dụng công nghệ điện từ. Ngoài việc giảm căng thẳng khi hạ cánh máy bay, thiết bị bắt giữ mới cho phép các phương tiện bay không người lái lớn hơn như MQ-25 Stingray hạ cánh trên tàu Ford.
Ford cũng có một hệ thống radar băng tần kép mới. Trong khi các tàu sân bay lớp Nimitz có nhiều radar xoay, Ford có một radar đa năng đứng yên nhạy cảm hơn với các mối đe dọa trên không, dễ vận hành và bảo trì hơn.
Hải quân Mỹ nói rằng các hệ thống mới cho phép không quân trên tàu Ford thực hiện thêm 33% phi vụ và giảm số lượng thủy thủ đoàn cần thiết để vận hành con tàu xuống còn khoảng 4.500 người, so với khoảng 5.000 người cần có trên tàu sân bay lớp Nimitz.