Vì sao Mỹ quyết định áp lệnh trừng phạt đầu tiên với Triều Tiên?

Bình Giang |

Ngày 12/1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden áp biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với chương trình vũ khí của Triều Tiên sau hàng loạt vụ phóng tên lửa.

Các biện pháp trừng phạt lần này nhằm vào 6 cá nhân người Triều Tiên, 1 người Nga và 1 công ty Nga mà Washington cho là đã tham gia mua hàng từ Nga và Trung Quốc để phục vụ chương trình vũ khí của Triều Tiên. Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp lần này được áp dụng để ngăn chặn sự tiến bộ của chương trình vũ khí của Triều Tiên và ngăn cản nỗ lực phổ biến vũ khí.

Vì sao Mỹ quyết định áp lệnh trừng phạt đầu tiên với Triều Tiên? - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 11/1 Ảnh: KCNA

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cố gắng nhưng chưa thể thuyết phục Bình Nhưỡng đối thoại về việc từ bỏ bom hạt nhân và tên lửa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Washington vẫn tiếp tục theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên. "Những gì chúng ta thấy trong mấy ngày qua cho thấy nếu chúng ta muốn đạt được tiến bộ, chúng ta cần phải tham gia vào đối thoại", ông Price nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng biện pháp trừng phạt được đưa ra sau 6 vụ phóng tên lửa đạn đạo kể từ tháng 9 năm ngoái, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác định một người Triều Tiên sống tại Nga tên là Choe Myong Hyon, một người Nga tên là Roman Anatolyevich Alar và công ty Nga Parsek LLC đã "có những hoạt động hoặc giao dịch góp phần vào việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc phương tiện vận chuyển".

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Choe Myong Hyon là đại diện tại Vladivostok của Viện Khoa học tự nhiên thứ hai (SANS) của Triều Tiên. Người này bị cho là đã mua sắm thiết bị viễn thông của Nga để đưa về Triều Tiên.

Bốn đại diện của SANS tại Trung Quốc gồm Sim Kwang Sok, Kim Song Hun, Kang Chol Hak và Pyon Kwang Chol, và một người Triều Tiên tại Nga tên là O Yong Ho cũng bị trừng phạt. Sim Kwang Sok, đang ở TP Đại Liên, bị cho là đã mua hợp kim thép; còn Kim Song Hun ở TP Thẩm Dương đã mua phần mềm và hóa chất.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố, ít nhất từ năm 2016 tới 2021, O Yong Ho đã phối hợp Parsek LLC và Alar để mua nhiều mặt hàng phục vụ việc chế tạo tên lửa, bao gồm sợi Kevlar, sợi aramid, dầu máy bay, ổ bi, và máy phay chính xác.

Nghị sĩ Mỹ gợi ý trừng phạt ông Putin

Dự thảo Đạo luật Bảo vệ Chủ quyền Ukraine năm 2022, do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez và 25 thượng nghị sĩ khác soạn thảo, bao gồm các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều công ty và quan chức hàng đầu của Nga, gồm Tổng thống Vladimir Putin, trong trường hợp Mátxcơva leo thang hành động thù địch chống lại Ukraine.

Đạo luật cũng kêu gọi Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ tăng cường năng lực phòng thủ và hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Mỹ và các đồng minh từng nhiều lần cáo buộc Nga đưa 100.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài đến biên giới để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Ukraine. Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc này, đồng thời đưa ra bản đề xuất an ninh yêu cầu khối quân sự do Mỹ đứng đầu ngừng bành trướng sang khu vực Đông Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại