Vì sao Mỹ - Nhật nên dè chừng tên lửa Triều Tiên mới phóng?

Minh Thu |

Với tầm bắn 1.500 km, tên lửa hành trình mới của Triều Tiên có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản và loạt căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật.

Tên lửa hành trình tầm xa Triều Tiên mới phóng có thể tấn công Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật. (Ảnh: KCNA)

Tên lửa hành trình tầm xa Triều Tiên mới phóng có thể tấn công Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật. (Ảnh: KCNA)

Hôm 13/9, truyền thông Triều Tiên tuyên bố nước này đã cho phóng thử các tên lửa hành trình “tầm xa và thế hệ mới” vào ngày 12/9. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên cho phóng thử tên lửa kể từ hồi tháng Ba, thời điểm Bình Nhưỡng cho phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa mới được xem là “vũ khí có ý nghĩa chiến lược to lớn” và đã đánh trúng các mục tiêu nằm cách xa 1.500 km.

Giới chuyên gia nhận định, tên lửa hành trình mới được Triều Tiên phát triển có thể đưa gần như toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản vào tầm bắn. Tên lửa Triều Tiên còn có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ và nguy hiểm hơn là mang theo cả đầu đạn hạt nhân.

Giáo sư Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định, việc Triều Tiên phát triển tên lửa hành trình tầm xa "rõ ràng là vấn đề đối với Nhật Bản".

"Những tên lửa này có thể bay tầm thấp và cơ động, nên hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không khó có thể đánh chặn", Japan Times dẫn lời ông Narang.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ thông báo "đã nhận được các bản báo cáo" về vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, nhưng "đang tiếp tục theo dõi tình hình và tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác".

"Hoạt động này cho thấy mục tiêu của Triều Tiên là tiếp tục phát triển chương trình quân sự và là mối đe dọa đối với các nước láng giềng cùng cộng đồng quốc tế. Mỹ duy trì cam kết vững chắc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản", tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh.

Các tên lửa hành trình tầm xa mới được Triều Tiên phóng thử được cho có khả năng mang theo cả đầu đạn hạt nhân. Song một số chuyên gia cho rằng, chuyện này cần phân tích sâu hơn.

"Nếu đúng thực tế là tên lửa Triều Tiên đã bay xa 1.500 km, đây là mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình của Nhật Bản", Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản ông Katsunobu Kato nói hôm 13/9.

"Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường năng lực bảo vệ quốc gia bao gồm năng lực phòng không", ông Kato cho hay.

Vì sao Mỹ - Nhật nên dè chừng tên lửa Triều Tiên mới phóng? - Ảnh 2.

Tên lửa hành trình tầm xa Triều Tiên mới phóng có thể tấn công Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật. (Ảnh: KCNA)

Khó phát hiện tên lửa hành trình

KCNA đưa tin Triều Tiên đã cho phát triển tên lửa hành trình tầm xa mới trong vòng 2 năm. Tên lửa nằm trong mục tiêu trọng tâm của kế hoạch phát triển quốc phòng 5 năm đã được đề ra trong đại hội của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng Một.

Triều Tiên bất ngờ cho phóng tên lửa sau 4 ngày tổ chức cuộc duyệt binh được xem là "bất thường". Cụ thể, vào đêm ngày 8/9, buổi lễ duyệt binh mừng kỷ niệm 73 năm Quốc khánh Triều Tiên đã diễn ra ở Quảng trường Kim Nhật Thành. Sự kiện này có sự xuất hiện của Chủ tịch Kim Jong-un, nhưng lại không có bất cứ vũ khí quy mô lớn nào được Triều Tiên “trình làng”.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều vẫn bị ngưng trệ kể từ năm 2019. Khi quá trình đàm phán chưa được nối lại, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục xây dựng năng lực cho kho hạt nhân và tên lửa.

Trong đó, Triều Tiên hiện chú trọng tới những tên lửa tầm ngắn hơn nhưng có năng lực tấn công nhanh, thay vì là các vũ khí tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Dù tốc độ bay của các tên lửa hành trình không thể sánh với tên lửa đạn đạo, nhưng tên lửa hành trình có ưu thế là cơ động hơn. Bên cạnh đó, chiểu theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên bị cấm tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo, nhưng tên lửa hành trình thì không.

Giáo sư nghiên cứu quốc tế là ông Tetsuo Kotani tại Đại học Meikai cho rằng, thông tin về việc tên lửa hành trình của Triều Tiên bay xa 1.500 km cho thấy mục tiêu tấn công là “nằm ngoài bán đảo Triều Tiên và có nghĩa Nhật Bản cùng với các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản bị đe dọa”.

Trên thực tế, quân đội Mỹ có hàng loạt căn cứ ở Nhật Bản. Những căn cứ này có thể đóng vai trò hậu cần quan trọng nếu không may bán đảo Triều Tiên bùng nổ xung đột. Trong quá khứ, Triều Tiên từng tiến hành các cuộc tấn công “chiến lược” mô phỏng nhằm vào những căn cứ Mỹ ở Nhật Bản bằng việc phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Theo Giáo sư Kotani, dù tên lửa hành trình khá dễ bị đánh chặn, nhưng việc phát hiện thường khó hơn so với các tên lửa đạn đạo.

“Nhật Bản cần tăng cường thêm năng lực đánh chặn và phát hiện để đối phó trước dàn tên lửa mới của đối phương”, ông Kotani nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại