Vì sao Hàn Quốc cần dè chừng sau cuộc tập trận bắn đạn thật mới nhất của Triều Tiên?

Minh Thu |

Giới chuyên gia nhận định, Hàn Quốc có lý do để lo lắng về cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật mới nhất của Triều Tiên.

Triều Tiên tổ chức tập trận pháo binh bắn đạn thật. (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên tổ chức tập trận pháo binh bắn đạn thật. (Ảnh: KCNA)

Giới chuyên gia nhận định, Hàn Quốc có lý do để lo lắng về cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật mới nhất của Triều Tiên.

Truyền thông Triều Tiên hôm nay (7/11) đưa tin, quân đội nước này đã cho tiến hành cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật nhằm tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia.

Đây là vụ thử nghiệm vũ khí mới nhất được Bình Nhưỡng triển khai, giữa lúc Triều Tiên tiếp tục gia tăng sức ép buộc Mỹ và Hàn Quốc từ bỏ những chính sách bị coi là thù địch.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, một cuộc thi bắn đạn thật đã được tổ chức vào ngày 6/11 giữa các lực lượng pháo binh cơ động. Sự kiện có sự tham gia của các quan chức quân đội và giới chức cấp cao Triều Tiên.

Tuy nhiên, KCNA không nhắc tới sự hiện diện của Chủ tịch Kim Jong-un. Điều này cho thấy, ông Kim không tới giám sát cuộc tập trận. Còn trong năm ngoái tại một cuộc diễn tập tương tự, ông Kim đã tới theo dõi.

Theo KCNA, cuộc tập trận năm nay được thiết kế để kiểm tra sự tiến bộ của các lực lượng pháo binh cơ động liên quan tới năng lực chiến đấu cơ động và đẩy mạnh huấn luyện cạnh tranh giữa các lực lượng quân sự trên cả nước.

Kể từ tháng Chín, Triều Tiên đã liên tiếp cho phóng thử hàng loạt tên lửa mới phát triển bao gồm các tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân với phạm vi tấn công vươn tới Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia đồng minh của Mỹ.

Một số chuyên gia nhận định, Triều Tiên muốn các đối thủ công nhận là quốc gia hạt nhân và hướng tới yêu cầu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Các cuộc thử nghiệm pháo binh của Triều Tiên thường ít được cộng đồng quốc tế chú ý hơn so với những lần phóng thử tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo vốn nằm trong danh mục cấm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Song theo các chuyên gia, lực lượng pháo binh mà Triều Tiên triển khai dọc đường biên giới với Hàn Quốc là đặc biệt nguy hiểm bởi chúng nhắm vào thủ đô Seoul và các vùng phụ cận vốn chỉ cách biên giới liên Triều 40 km.

Đáng nói, truyền thông Triều Tiên từng ra tuyên bố nước này đã phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới được phát triển vào ngày 28/9 từ tỉnh Jagang. Vụ thử nghiệm đánh dấu bước tiến mới nhất trong lĩnh vực công nghệ vũ khí của Triều Tiên.

Theo thiết kế, các loại tên lửa siêu thanh bay thẳng tới mục tiêu và bay ở tầm thấp. Tốc độ bay của tên lửa siêu thanh nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh tương đương 6.200 km/h. Hiện tại, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc sở hữu tên lửa siêu thanh.

Vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời.

Tên lửa được Triều Tiên phóng mang tên Hwasong-8. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không giám sát vụ thử nghiệm mà là ông Pak Jong-chon.

Kể từ đầu năm 2019, các cuộc đối thoại hạt nhân giữa Mỹ - Triều đã rơi vào bế tắc. Giới chức Mỹ gần đây nhiều lần lên tiếng muốn nối lại đàm phán với Triều Tiên mà không đưa ra bất cứ điều kiện gì.

Song Triều Tiên khẳng định nước này sẽ chỉ ngồi vào bàn đối thoại, nếu như Mỹ từ bỏ chính sách thù địch nhằm ám chỉ tới các lệnh trừng phạt và chương trình tập trận chung của quân đội Mỹ - Hàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại