Vì sao Hải quân Mỹ nên lo sợ pháo điện từ "thần diệu" của Trung Quốc?

QS |

Các tàu chiến được trang bị pháo điện từ đều sẽ có sức mạnh vô hiệu hóa "gần như bất cứ tàu nào của đối phương ngay tức thì" – chuyên gia Justin Bronk nhận định.

Cuộc đua phát triển pháo điện từ

Theo globalnews.ca, Trung Quốc dường như đang thử nghiệm một loại pháo điện từ lắp đặt trên tàu chiến, có thể "chọc thủng" tàu sân bay của đối phương cách xa tới 150km, theo phân tích của các chuyên gia dựa trên những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội.

Mức này gần bằng khoảng cách từ Toronto tới Buffalo, bang New York, và bằng một nửa khoảng cách từ Calagry tới Edmonton.

Mỹ, Nga và Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chạy đua phát triển công nghệ pháo điện từ trong hơn một thập kỷ qua, với hy vọng có thể sử dụng vũ khí mang hơi hướng khoa học viễn tưởng này chiếm được lợi thế trong tác chiến hải quân.

Pháo điện từ sử dụng lực điện từ để bắn đi các quả đạn kim loại với tốc độ siêu thanh (từ Mach 4 đến Mach 7). Điều này cho phép nó bắn đạn được xa hơn và gây ra tổn thất lớn hơn các loại đạn dùng lực đẩy của thuốc súng.

Các tàu chiến được trang bị pháo điện từ đều sẽ có sức mạnh vô hiệu hóa "gần như bất cứ tàu nào của đối phương ngay tức thì" – chuyên gia Justin Bronk tại Viện nghiên cứu Royal United Services nhận định.

Ông Bronk là một trong số các chuyên gia quốc phòng vừa đưa ra kết luận hồi tháng 1 năm ngoái rằng, Hải quân Trung Quốc đã chế tạo một tàu đổ bộ tăng trang bị pháo điện từ ở mũi tàu, dựa theo các bức ảnh chụp tại xưởng đóng tàu Wuchang của Trung Quốc.

Vì sao Hải quân Mỹ nên lo sợ pháo điện từ thần diệu của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Hình ảnh cụp tại xưởng đóng tàu Wuchang của Trung Quốc.

Cùng con tàu đó đã bị bắt gặp đang di chuyển ra biển thời gian gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc chuẩn bị thử nghiệm pháo điện từ.

"Đây là sự xác nhận cho những gì mà chúng ta nghi ngờ" – ông Bronk nói với Global News.

Các bức ảnh mới nhất này được chia sẻ đầu tiên bởi blogger quân sự RedShark trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có khả năng kiểm duyệt nội dung trên Weibo nhưng cho tới nay họ vẫn chưa gỡ bỏ những hình ảnh đó.

Vì sao Hải quân Mỹ nên lo sợ pháo điện từ thần diệu của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là tàu đổ bộ tăng Haiyangshan ra biển thử nghiệm pháo điện từ.

Vũ khí "thần diệu"

Nếu như mẫu pháo điện từ trên chứng minh được khả năng hoạt động, thì Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khả triển khai loại đạn siêu vượt âm với khả năng làm vô hiệu hóa hạm đội của đối phương trước khi cuộc chiến toàn diện nổ ra. Điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh lợi thế ở nhiều khu vực tranh chấp trên thế giới.

"Về cơ bản, điều này sẽ thay đổi bản chất cuộc chiến" - Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia nói với hãng tin ABC News.

Bên cạnh đó, theo ông Bronk, đạn pháo điện từ rẻ hơn và dễ tích trữ hơn ngư lôi hoặc tên lửa. Chúng dễ đánh trúng vào các tên lửa của đối phương hơn, điều đó khiến chúng trở nên ưu việt hơn bất cứ loại vũ khí nào đang được lắp đặt trên các tàu tuần dương hoặc tàu khu trục hiện nay.

Tuy nhiên, pháo điện từ đòi hỏi một lượng điện rất lớn để vận hành. Vì thế, tàu chiến cần phải có thiết kế chuyên biệt để lắp đặt được nó.

Trung Quốc đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng lực lượng hải quân đủ mạnh để thách thức Hải quân Mỹ, và họ có thể dễ dàng đóng một số tàu chiến mới trang bị công nghệ pháo điện tử - ông Bronk nhận định.

"Trung Quốc, về cơ bản, đang bắt đầu từ bản vẽ, vì thế… họ có thể tích hợp các công nghệ mới mà ít gặp phải vấn đề hơn Hải quân Mỹ" – ông Bronk nói.

Vi chuyên gia mô tả pháo điện từ là một loại vũ khí "mang tính cách mạng" và là một "công nghệ thần diệu", song chưa thể gọi là một siêu vũ khí tiềm năng.

"Mức độ phá hủy mục tiêu của nó ngang ngửa với tên lửa chống tàu" – ông Bronk nói.

Hải quân Mỹ đã trao hợp đồng cho hai tập đoàn General Atomics và BAE Systems để phát triển phiên bản pháo điện từ riêng của mỗi bên. Một nguyên mẫu pháo này đã bắn thử vài lần trong năm ngoái nhưng nó được triển khai từ khu vực thử nghiệm trên bờ, thay vì trên khoang tàu chiến.

Ông Bronk cho biết, hiện Mỹ đang tập trung phát triển đạn tầm xa hơn cho các loại pháo hiện hành, thay vì thúc đẩy chương trình pháo điện từ.

Theo hãng tin CNBC, Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ có pháo điện từ sẵn sàng tác chiến vào năm 2025. Tuy nhiên, theo thông tin tình báo mà giới chức Mỹ nắm được, Trung Quốc đang thử nghiệm pháo điện từ ngoài biển.

Vì sao Hải quân Mỹ nên lo sợ pháo điện từ thần diệu của Trung Quốc? - Ảnh 4.

Hình ảnh thử nghiệm pháo điện từ của Mỹ. Ảnh: AP

Tàu chiến Trung Quốc được trang bị pháo điện từ có vẻ là tàu đổ bộ tăng Haiyangshan (Type 072 lớp Yuting). Con tàu dài 120m này thường vận chuyển xe tăng và trực thăng thực hiện các hoạt động tác chiến đổ bộ.

Haiyangshan có lẽ là đã được sửa đổi đặc biệt để lắp đặt được hệ thống cung cấp điện và hệ thống làm mát nhằm hỗ trợ vận hành pháo điện từ.

Hồi tháng 3 năm ngoái, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, Trung Quốc "đã đạt được bước tiến đáng chú ý trong việc chế tạo các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm cả các cuộc thử nghiệm pháo điện từ trên biển".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại