Vì sao giữa cùng cực bão lũ, người miền Trung vẫn cười?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh |

Tôi đã đi xuyên qua nhiều cơn bão lũ ở quê nhà, hiểu tận cùng cái khắc nghiệt của thiên nhiên, tận cùng sự chịu đựng của bà con mình hằng năm, tận cùng của cái thiếu, cái khổ, cái vất vả mà không thể nào tính đếm được.

1.Tôi không còn nhớ chính xác đó là mùa lũ năm nào, khoảng 2009-2010, một cơn bão lũ kinh khủng tràn vào khu vực các tỉnh từ Huế đến Quảng Bình. Anh em phóng viên chúng tôi dồn sức đi phản ánh tình hình bão lũ sau đó thì cùng Quỹ Tấm Lòng Vàng của báo Lao Động mở cuộc quyên góp lớn giúp nhân dân.

Toà soạn liên tục giục tôi và nhà báo Lâm Chí Công gửi gấp ảnh phản ánh về lũ lụt để kịp in cho số báo ngày hôm sau. Nhưng gửi ảnh làm sao, vì lúc đó ảnh chụp bằng phim nhựa, không phải ảnh số mà gửi email như bây giờ. Đường giao thông tê liệt. Lâm Chí Công cầm mấy chục cuộn phim (chưa in tráng) phát cuồng tìm cách chuyển vào văn phòng Đà Nẵng.

Vì sao giữa cùng cực bão lũ, người miền Trung vẫn cười? - Ảnh 1.

Ảnh mưa lũ ngày 15/10/2016. Ảnh: Facebook Lê Quốc Châu

May mắn, có một chuyến bay trực thăng của bộ đội vận chuyển hàng cứu trợ. Lâm Chí Công lao xuống sân bay Phú Bài (Huế) để nhờ phi công quân đội cầm phim chuyển giúp. Trong Đà Nẵng, nhà văn Vĩnh Quyền chạy ra sân bay đón trực thăng, đợi suốt mấy tiếng trong mưa rồi trực thăng sau khi cứu trợ xong, bay vào. Cầm mấy chục cuộn phim, anh Vĩnh Quyền mừng quá chạy về giao bộ phận in tráng xử lý ngay.

8 giờ tối, anh Vĩnh Quyền gọi cho Lâm Chí Công, cảu bẳn, giận dữ và xoáy lông lốc một câu hỏi "Ảnh chụp lũ lụt mà thế à? Chụp thế à? Người dân trong vùng bão lũ mà ai cũng cười, ai cũng cười, chụp thế à?".

Đói, mệt, căng thẳng suốt mấy ngày bám trụ các vùng ngập lũ, Lâm Chí Công cáu lại "Chụp thế à, chụp thế nào nữa anh. Bọn em nâng máy lên thì bà con cười, thì chỉ có ảnh cười chứ biết làm sao anh?".

Tác giả - Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.

Hôm sau, trên báo Lao Động vẫn có phóng sự ảnh về những nụ cười trong lũ. Sau này anh Vĩnh Quyền mới thừa nhận, đúng là thế thật, trong gian nan như thế, khổ cực như thế, tận cùng gian khó như, không cười thì làm sao chống đỡ được, không lạc quan thì làm sao trụ vững.

2.Người Quảng Bình, người miền Trung nhiều đời truyền bài ca dân gian này có tên là Mười quả trứng:

Tháng giêng, tháng hai,

Tháng ba, tháng bốn,

Tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm

Được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên

Mua con gà mái

Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng: ung

Hai trứng: ung

Ba trứng: ung

Bốn trứng: ung

Năm trứng: ung

Sáu trứng: ung

Bảy trứng: ung

Còn ba trứng nở ra ba con:

Con: diều tha

Con: quạ bắt

Con: mặt cắt xơi

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…

3. Tôi đã đi xuyên qua nhiều cơn bão lũ ở quê nhà, hiểu tận cùng cái khắc nghiệt của thiên nhiên, tận cùng sự chịu đựng của bà con mình hằng năm, tận cùng của cái thiếu, cái khổ, cái vất vả mà không thể nào tính đếm được.

Nhưng vì tôi là người trong cuộc, nên hiểu đến thiết tha lòng người ở vùng đất quê tôi. Họ - những thân phận luôn bị bão lũ vùi dập lại luôn cháy sáng tình làng nghĩa xóm, cháy sáng một ý chí ngoan cường, không bó tay chịu đựng đâu, mà luôn như thế, luôn đứng dậy, ưỡn ngực hứng lấy bão tố, mưa lũ để tiếp tục cuộc sống với một niềm lạc quan vô bờ bến, một tình yêu quê hương vô bờ bến.

Vì sao giữa cùng cực bão lũ, người miền Trung vẫn cười? - Ảnh 4.

Ảnh mưa lũ ngày 15/10.

Không vì bão lũ mà bỏ đất, bỏ làng, tất cả đều cuộn chặt bên nhau, mỗi gia đình cuộn lại như một dây chão, cả Quảng Bình, cả miền trung cuộn lại như triệu triệu dây chão, đối mặt với khó khăn, đối mặt với thiên tai, đối mặt với thử thách, tiếp tục sống, tiếp tục gây dựng, tiếp tục sải bước đổi mới cùng đất nước.

Năm 2013, sau cơn lũ quét, tôi qua thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngay khi cơn lốc xoáy và lũ quét vừa đi qua vài giờ đồng hồ. Nhà cửa tan nát. Quan tài người chết phải lôi kéo bì bõm trong nước, những cụ già, cháu bé níu, ngồi trên mái nhà, trên góc bếp, bùn đất chất đống, cây rác chất đống, nhìn bằng mắt tưởng như cuộc sống đã hết.

Thế nhưng trong vô vàn tang thương, khó khăn tận cùng ấy, gặp ai cũng chỉ thấy cười, cười và kể cơn lốc đã tới như thế nào, tiếng ù ù rít trên mặt sông ra sao, tiếng nhà đổ thế nào. Tôi ứa nước mắt trước tiếng cười gan lỳ của bà con.

Tôi cúi đầu ngưỡng mộ trước tinh thần lạc quan của bà con. Ừ thì vẫn là những người dân này thôi, như thời chiến tranh mấy mươi năm trước thôi "nhà tan cửa nát cũng ừ, thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau", giờ thì thiên tai, thiên tai thì làm sao nào? Thì gồng lưng tựa vào nhau, đan tay vào nhau, gây dựng lại để tiếp tục cuộc sống.

Tôi đã đi qua tất cả những thôn xã bị bão lũ vừa qua chà xát trên đất Quảng Bình. Tới đâu cũng in đậm mầu áo xanh của các chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an, thanh niên tình nguyện, họ - chứ không còn ai khác, cứu dân trong bão, trong lũ. Và lúc này, lại họ, gồng gánh cùng nhân dân gây dựng, khôi phục hậu quả bão lũ.

Và trên các nẻo đường, dù đường cái quan hay đường thôn quê, chỗ đường thuận, chỗ đường lầy lội, những chuyến hàng cứu trợ về suốt ngày đêm, mang tình thương yêu, tấm lòng chia sẻ của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể, các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước, dâng lên trước đồng bào tấm lòng sẻ chia đến cảm động.

Từng thanh lương khô, gói mỳ, bao gạo, tấm lợp, chai nước, manh áo, cái chăn, cuốn vở, tôi hình dung dòng chảy lòng thiện của đất mẹ Việt Nam đang cuồn cuộn đổ về vùng bão lũ, nâng từng người dân lấm lem lên, nâng từng gia đình lên, an ủi họ, nuôi nấng họ, chăm sóc họ.

Đó là sức mạnh Việt, đó là đạo đức Việt, đó là tính cách Việt, những điều đó trong sáng, chói sáng, quý giá hơn ngọc ngà, nghìn đời nay người Việt đều như thế, luôn như thế.

Tôi đã đi qua hàng mấy chục năm bão lũ ở Quảng Bình, và cảm xúc về sự khó khăn thiếu thốn của bà con, cảm xúc về tình cảm lá lành đùm lá rách, cảm xúc về ý chí quật cường của nhân dân luôn luôn mới.

Tôi bàng hoàng trước những cảnh tan hoang ở các trường học, các trường mầm non sau bão lũ, và sững người khi nhìn thấy hàng chục cô giáo mầm non gập lưng cào từng đống bùn từ trong các phòng học. Mà lạ chưa, các cô vẫn vừa làm, vừa cười, vừa hát, tình yêu nghề ở vùng quê qua bão lũ sao lạ lùng và mãnh liệt đến thế kia:

Trường mầm non không có đàn ông

Lũ rút đi ngập lên toàn bùn đất

Các em đến tả tơi trong gió rét

Những bàn chân nặng trĩu trên bùn

Những bàn chân con gái kết bên nhau

Như dây chão giữ trường mình trước bão

Chân con gái giẫm lên bùn nhẹ lắm

In như hoa sau lũ... ứa mắt nhìn

Tôi lại đi trên mọi nẻo đường đời

Quên sao nổi những dấu chân gian khó

Quên sao nổi, dấu chân em in rõ

Một chữ NGHỀ tha thiết cứ vang lên.

Bây giờ, cả Quảng Bình, cả miền Trung từng ngày, từng giờ đón các đoàn cứu trợ. Cứu trợ có thể không thay được cuộc sống thường nhật của bà con nhưng nó như một sức mạnh kịp thời và cần thiết để giúp bà con gượng dậy.

Người Việt mình luôn mở lòng như thế với nhau khi gặp hoạn nạn, và họ xem việc cứu trợ cho người khác khi khó khăn như là tự cứu rỗi tinh thần, đời sống của mình. Tôi đã viết ý nghĩ của mình trên facebook cá nhân: "Khi chúng ta góp sức lại, dâng vào tay bà con chú bác nghèo ở vùng bão lũ một chút quà, là cách chúng ta trả hiếu cho cha mẹ, cho cuộc đời đã sinh ra chúng ta.

Khi chúng ta trích từ đồng thu nhập của mình một chút gửi bà con, đồng tiền ấy không mất, có một giá trị khác lớn lắm, nó dâng đầy trong chúng ta, khỏa lấp sự thiếu vắng của niềm tin và cứu rỗi chúng ta sống nhẹ lòng hơn trong cuộc đời vốn nhiều truân chuyên, gian nan, khổ hạnh.

Khi chúng ta nghiêng tấm lòng mình về phía những phận người khốn khó, là cách để bào mòn hoặc cao hơn là diệt đi cái nhỏ nhen vốn có trong tự thân mỗi người, cho chúng ta sống bao dung hơn, quảng đại hơn và nhiều xúc cảm hơn.

Khi chúng ta biết nghĩ, biết lo toan, biết chia sẻ với cộng đồng là cách để chúng ta làm gương cho con cái, là cách để chúng ta thêm lần nữa học làm NGƯỜI, là cách để chúng ta vun đắp một chữ THIỆN thiêng liêng trong đời sống của chính mình.

Cứu trợ vì thế không hẳn chỉ là cứu trợ mà chính là "cứu" mình thoát khỏi cuộc sống cá nhân, bon chen, ích kỷ, vươn tới một cuộc sống khác, cuộc sống của sự hy sinh, cuộc sống của trách nhiệm xã hội và làm chói sáng trong mỗi chúng ta hai chữ TRI ÂN".

Vì sao giữa cùng cực bão lũ, người miền Trung vẫn cười? - Ảnh 5.

Cảnh người dân tìm cách bảo vệ đồ đạc tránh ngập. Ảnh chụp ngày 15/10/2016. (Ảnh: Lê Xuân Trường - Vietnamnet)

4. Ôi, quê tôi, cực khổ trăm bề.

Nhưng nếu nhà báo nâng máy ảnh lên mà coi, ai cũng cười.

Tận cùng sự khốn khó, sự bi đát, nỗi đau đớn đôi khi lại cười.

Phía cuối của chặng đường dân quê tôi chịu đựng gió mưa nắng hạn lại là một nụ cười.

Không cười, không lạc quan làm sao đủ sức, đủ can đảm, đủ ý chí, đủ mạnh mẽ để bám trụ, để bền gan bám đất, bám ruộng ở miền quê này.

Ôi quê tôi, tôi trân quý mảnh đất này, tôi quý từng ngọn cỏ, động cát, dấu chân của người dân quê tôi, cả những nụ hôn còn vương cát trên môi mềm, cả những bông hoa lông chông lúc nào cũng ngơ ngác, cả những tàu lá chuối rách bươm ngày gió bão, cả những mảnh thuyền úp ngược vào bờ như miếng cau khô mùa biển động, cả tiếng nghé ọ thảng thốt gọi mẹ giữa cơn lũ lớn, cả những chiếc quan tài màu đỏ trên tay người thân bập bềnh giữa biển nước trên đường tới mộ, cả chiếc nón lá rách tơi tả trôi dạt bên mép sông...

Tôi đã sống, đã đẫm mình với bao nhiêu cơn bão, lũ trong suốt cuộc đời mình và đẫm cả trong tâm thế tôi nụ cười của bà con cô bác.

"Nghèo chi nghèo rứa mà nghèo/ Đêm nằm cát vẫn còn theo lên giường...", ngày xưa mạ tôi hát ru tôi như vậy.

Nụ cười dân quê của tôi hoá ra là được chắt ra, vò xoắn ra từ khổ đau và nước mắt.

Tôi yêu quê tôi.

Có những khi tôi nhớ quê ngay cả lúc đang vùi chân giữa động cát quê nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại