Vì sao cùng trong ‘Bộ tứ’, Mỹ vẫn thách thức Ấn Độ trên Biển Ả Rập?

Anh Minh |

Mỹ và Ấn Độ có cách giải thích khác nhau về Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), một văn kiện được New Delhi phê chuẩn chứ không phải Washington, mặc dù Mỹ coi đó là luật tục.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Paul Jones trong cuộc tập trận hải quân Defender 21 ở Vịnh Ba Tư, ngày 24 tháng 1.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Paul Jones trong cuộc tập trận hải quân Defender 21 ở Vịnh Ba Tư, ngày 24 tháng 1.

Quân đội Mỹ đã cử một tàu chiến thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Ấn Độ, một thành viên Đối thoại An ninh 'Bộ tứ' (Quad) gồm Mỹ, Úc Ấn Độ, Nhật Bản. New Delhi đã phản đối hành động này.

Theo một tuyên bố của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ công bố hôm thứ Tư tuần trước, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Paul Jones "đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải cách quần đảo Lakshadweep khoảng 130 hải lý về phía tây, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, không có sự đồng ý trước của Ấn Độ, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Những hòn đảo trên Biển Ả Rập này nằm ở vị trí khoảng 120-270 dặm ngoài khơi bờ biển phía tây nam của lục địa Ấn Độ.

Hạm đội 7 thừa nhận rằng các cuộc diễn tập tạo thành một thách thức đối với các tuyên bố của Ấn Độ, vì "Ấn Độ yêu cầu phải có sự đồng ý trước của họ mới được tổ chức các cuộc tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của mình, một tuyên bố không phù hợp với luật pháp quốc tế", theo tuyên bố.

Hạm đội 7 nói, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) này, "duy trì các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được công nhận trong luật pháp quốc tế bằng cách thách thức các yêu sách hàng hải quá mức của Ấn Độ".

Các tàu chiến của Mỹ đã tiến hành các hoạt động tương tự thách thức các tuyên bố chủ quyền của các nước khác, ví dụ liên tục tập trận bất chấp các tuyên bố của Trung Quốc, dưới ngọn cờ của một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", một tầm nhìn được ủng hộ bởi chính Ấn Độ cùng các đối tác khác trong Bộ Tứ.

Newsweek dẫn tuyên bố của Hạm đội 7: “Lực lượng Mỹ hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hàng ngày”. “Tất cả các hoạt động được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và chứng minh rằng Mỹ sẽ bay, đi biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Hạm đội 7 mô tả các hoạt động như vậy về bản chất là "thường lệ và thường xuyên", "như chúng tôi đã thực hiện trong quá khứ và sẽ tiếp tục trong tương lai."

Tuyên bố nhấn mạnh rằng các hoạt động này được tiến hành trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã bác bỏ các quan điểm của phía Mỹ, khẳng định lại quan điểm của mình.

"Quan điểm của Chính phủ Ấn Độ đối với Công ước LHQ về Luật Biển là công ước không cho phép các quốc gia khác thực hiện các cuộc tập trận hoặc diễn tập quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc sử dụng vũ khí hoặc chất nổ mà không có sự đồng ý của quốc gia ven biển”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định rằng tàu Mỹ đã được giám sát liên tục và rằng quan điểm của New Delhi đã được chia sẻ với Washington.

“Tàu USS John Paul Jones liên tục được giám sát khi quá cảnh từ Vịnh Ba Tư đến eo biển Malacca”, tuyên bố cho biết. "Chúng tôi đã chuyển những quan ngại của chúng tôi liên quan đến việc đi qua EEZ của chúng tôi tới chính phủ Mỹ thông qua các kênh ngoại giao."

Mỹ và Ấn Độ có cách giải thích khác nhau về Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), một văn kiện được New Delhi phê chuẩn chứ không phải Washington, mặc dù Mỹ coi đó là luật tục.

FONOP mới nhất là FONOP đầu tiên thách thức Ấn Độ kể từ năm 2019 của Lầu Năm Góc. Hai năm trước đó, Tổng thống Donald Trump đã làm sống dậy mô thức Bộ Tứ mà cụ thể là các cuộc tham vấn với ba nước đối tác vào tháng 11 năm 2017, động thái được coi là một phần trong nỗ lực nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Ấn Độ, thành viên "Bộ tứ" duy nhất không phải là đồng minh hiệp ước của Mỹ, đã tiếp tục củng cố mối quan hệ quốc phòng và chia sẻ thông tin với chính quyền Trump.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng, Tổng thống Joe Biden đã áp dụng thể thức hợp tác "Bộ tứ". Ông đã cùng với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hội đàm cấp lãnh đạo lần đầu tiên hồi tháng trước.

Trong số các cam kết mà bốn cường quốc đưa ra vào thời điểm đó là "thúc đẩy một trật tự tự do, dựa trên quy tắc mở, bắt nguồn từ luật quốc tế nhằm nâng cao an ninh và thịnh vượng, đồng thời chống lại các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương và hơn thế nữa", cũng như "ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ."

Bốn nước cũng đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, gây ra một số lo ngại từ Trung Quốc.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đề cập một loạt các cuộc tập trận kéo dài ba ngày với sự tham gia của "Bộ tứ" và Pháp ở Vịnh Bengal thuộc Ấn Độ Dương, trùng với hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Ả Rập.

"Trung Quốc luôn cho rằng hợp tác quân sự giữa các nước phải có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Triệu nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại