Sự hiện diện cùng lúc của phái đoàn Mỹ và Iran tại Vienna (Áo) tuần qua là tín hiệu tích cực cho tương lai của Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).
Ngày 6/4, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley đã "bất ngờ" hiện diện tại Vienna (Áo), trong lúc phái đoàn của Iran và các nước E3+2 (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga) đang nhóm họp tại đây. Ẩn ý sau nước đi này là gì?
Sự linh hoạt, khéo léo của Mỹ về Iran được thể hiện qua ba động thái sau.
Đầu tiên, ngay khi có tin Iran "chốt" cử phái đoàn gặp trực tiếp chuyên gia của nhóm E3+2 (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga) tại Vienna vào ngày 6/4, Washington đã nhanh chóng cử Đặc phái viên về Iran Robert Malley tới và "nhờ cậy" hỗ trợ của E3+2 để có các tương tác ban đầu, dù là gián tiếp, với Iran.
Thứ hai, chính quyền của ông Joe Biden cũng khéo léo tìm cách giải bài toán "con gà và quả trứng".
Trước đây, cả Mỹ và Iran đều đưa ra lập trường cứng rắn yêu cầu bên kia phải nhượng bộ trước khi ngồi lại đàm phán.
Cụ thể, Mỹ đưa ra điều kiện tiên quyết yêu cầu Iran phải tuân thủ trở lại cam kết theo JCPOA rồi mới tính việc dỡ "một vài" lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Iran muốn Mỹ phải dỡ bỏ "tất cả" các lệnh trừng phạt nhắm vào Tehran trước khi có bước đi tương xứng.
Tại "đàm phán gián tiếp" lần này, phía Mỹ đã đề xuất cách làm song song, tiến hành họp đồng thời hai nhóm chuyên gia riêng biệt, một về "chương trình hạt nhân của Iran" và một về "các lệnh trừng phạt của Mỹ".
Với cách làm này, hai vấn đề sẽ cùng lúc được thảo luận, không tạo ấn tượng bên nào phải nhượng bộ trước mà vẫn mang lại hiệu ứng tích cực, cho thấy thiện chí của cả hai bên.
Thứ ba, trong cuộc họp báo ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ để ngỏ khả năng dỡ bỏ các trừng phạt không nằm trong khuôn khổ JCPOA. Đây rõ ràng là bước đi tích cực từ phía Mỹ.
Nhìn chung, các bên tại Vienna đều không quá kỳ vọng vào khả năng tạo đột phá từ các trao đổi lần này, song việc Mỹ và Iran bắt đầu "đàm phán gián tiếp" vẫn được dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao.
Cho tới nay, phản ứng từ nội bộ Mỹ, Iran và các nước liên quan là tương đối tích cực, tạo bầu không khí thuận lợi để các bên sớm trở lại bàn đàm phán trực tiếp, phá vỡ bế tắc hiện nay.