Theo tạp chí MW, một số báo cáo chưa được xác thực cho biết, hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã được lực lượng vũ trang Armenia sử dụng để vô hiệu hóa các máy bay không người lái của Azerbaijan.
Tổ hợp S-300 đầu tiên được đưa vào biên chế lực lượng vũ trang Liên Xô năm 1979 gọi là S-300P. Trong 4 thập kỷ qua, nó đã được sửa đổi, cải tiến đáng kể để cho ra đời những biến thể tiên tiến, có thể kể đến S-300V4 và S-400.
Tuy nhiên, các biến thể S-300 trong biên chế Armenia và Azerbaijan còn cách rất xa tiêu chuẩn hiện đại, mặc dù ngay cả những biến thể cũ này vẫn chưa được triển khai chiến đấu ở bất kỳ đâu trên thế giới trước khi cuộc xung đột hiện tại bắt đầu.
Xe phóng của hệ thống S-300 duyệt binh tại thủ đô Yerevan của Armenia năm 2016. Ảnh: Bộ Quốc phòng Armenia.
Armenia hiện đang triển khai một biến thể S-300 từ thời Liên Xô, được đưa vào trang bị năm 1982 và gọi là S-300PT. Đây là phương tiện phòng không tầm xa đáng tin cậy duy nhất của Armenia, ngoài các máy bay chiến đấu Su-30 của họ.
Biến thể S-300 này đủ sức đe dọa các máy bay của Azerbaijan như MiG-29A [cũng được đưa vào biên chế Azerbaijan năm 1982 và kể từ đó đã trải qua vài đợt nâng cấp].
S-300PT trang bị tên lửa đất-đối-không 5V55KD có tầm bắn 90km và trang bị hệ thống dẫn đường bằng radar bán chủ động giai đoạn cuối, mang lại độ chính xác cao hơn so với phiên bản S-300P ban đầu.
Tuy nhiên, tên lửa này bị hạn chế bởi đầu đạn tương đối nhẹ [133kg], tốc độ thấp [Mach 3.35] và chỉ có khả năng tấn công đồng thời rất ít mục tiêu [khoảng 12 mục tiêu hoặc ít hơn].
Sự hạn chế này khiến cho Armenia buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào các máy bay chiến đấu Su-30SM nếu xung đột tiếp tục leo thang, hoặc Thổ Nhĩ Kỳ can dự trực tiếp hơn để hậu thuẫn Azerbaijan.
Trong khi đó, Azerbaijan hiện không triển khai bất kỳ hệ thống S-300 nào kế thừa từ Liên Xô, mặc dù họ vẫn sử dụng các biến thể tiên tiến của S-200, S-125 và S-75 cho mạng lưới phòng không đa lớp.
Hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU2 của Azerbaijan. Ảnh: Military Today.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã tìm cách tăng cường đáng kể sức mạnh phòng không của nước này kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Trong khi phi đoàn máy bay chiến đấu MiG-29 của họ không có cải tiến nào đáng kể về để nâng cao năng lực thì Azerbaijan đã đặt mua hệ thống phòng không tiên tiến S-300PMU-2 từ Nga.
S-300PMU-2 được đưa vào phục vụ sau S-300PT 15 năm, gia nhập quân đội Nga lần đầu tiên năm 1997 và là tiền thân trực tiếp của phiên bản S-400 kế nhiệm nó 10 năm sau đó.
Hệ thống này có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly gấp gần 3 lần tầm bắn của S-300PT [250km] nếu được trang bị tên lửa 48N6E3, mặc dù vẫn chưa có thông tin chắc chắn liệu Azerbaijan có sử dụng loại tên lửa này hay không.
Tên lửa tiêu chuẩn được trang bị cho S-300PMU-2 là 48N6E2, có tầm bắn ngắn hơn 48N6E3 nhưng vẫn rất đáng nể [200km]. Nó có thể đánh chặn mục tiêu ở tốc độ Mach 5.9, trang bị đầu đạn 180kg và có thể cùng lúc tấn công 32 mục tiêu.
Khoảng cách công nghệ 15 năm giữa biến thể S-300 của Armenia và Azerbaijan đã được bộc lộ rõ rệt.
Bên cạnh đó, S-300PMU-2 còn được hưởng lợi từ các biện pháp đối phó tác chiến điện tử ưu việt – yếu tố đóng vai trò rất quan trọng, cho phép hệ thống hoạt động hiệu quả trong môi trường phức tạp, đặc biệt là trong trường hợp phải đối đầu các máy bay tiên tiến của Armenia như Su-30SM.
S-300PMU-2 cũng có thời gian triển khai nhanh hơn đáng kể so với S-300PT, tính cơ động cao hơn còn giúp nó tăng khả năng sống sót.
Ngoài ra, hệ thống cảm biến vượt trội của S-300PMU-2 mang lại khả năng nhận biết tình huống cao hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngắm bắn mục tiêu của đối thủ ở tầm xa hơn.
Hiện chưa rõ liệu Armenia có tìm cách thay thế S-300PT bằng S-400 hay các hệ thống mới hơn hay không, điều đó có lẽ sẽ phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế của nước này trong 15 năm tới.
Tuy nhiên, nhờ luôn được tiếp cận vũ khí Nga với giá cả "hữu nghị", các quốc gia như Armenia có thể có được các hệ thống phòng không mới với giá thấp hơn nhiều so với mức những quốc gia không thuộc Liên Xô cũ phải chi trả.