Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt "mood" không?

RIKA/DESIGN: NGUYỄN MINH TRANG |

Khi mua sắm, bạn sẽ nắm quyền lựa chọn và quyết định có nên mua món đồ này hay không. Điều đó giúp bạn khôi phục cảm giác kiểm soát cuộc sống và tự chủ cá nhân.

Dù yêu hay ghét, mua sắm là nhu cầu không thể thiếu. Đôi khi là một phần tiêu chuẩn của cuộc sống hiện đại.

Có người khi buồn sẽ tìm đến bạn bè hoặc người thân tâm sự cùng họ. Cũng có người đi tìm gặp "chu công" trong giấc ngủ để quên đi thực tại. Hoặc những người nghiện công việc sẽ càng điên cuồng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, cũng có những người mua sắm để giải tỏa áp lực. Và nó được gọi với cái tên là Retail Therapy (tạm dịch: trị liệu cảm xúc bằng mua sắm).

Trị liệu cảm xúc bằng mua sắm là gì?

Retail Therapy nôm na là dùng việc mua sắm để làm tâm trạng bản thân tốt hơn. Chẳng hạn, bạn không cần bất cứ thứ gì. Nhưng bạn vẫn muốn đến trung tâm mua sắm, mua đôi giày bạn đã để mắt đến hàng tháng trời. Chỉ đơn giản vì nó sẽ giúp bạn loại bỏ sự u ám trong một ngày tồi tệ.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Penn State đã khảo sát một nhóm người mua sắm thường xuyên. Tất cả đều đã mua món ăn nào đó trong một tuần. Kết quả là 62% trong số đó đã chi tiêu với nỗ lực cải thiện tâm trạng bản thân.

Vui vẻ hơn nhờ mua sắm có thể được coi là một điều tích cực nếu bạn đủ tiềm lực để chi trả ngay cả những khoản lớn. Chẳng hạn như một chiếc TV màn hình phẳng trong một đợt giảm giá lớn. Chiếc váy khiến bạn cảm thấy xinh đẹp hơn. Hay một khoản đầu tư vào việc sửa sang lại một phần ngôi nhà của bạn. Có rất nhiều tình huống mà việc tiêu tiền làm tăng thêm giá trị cho cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu các khoản này phần lớn đang được trả thông qua các lần vay nợ, nó sẽ khiến bạn gặp rắc rối trong tương lai.

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 1.

Cách "hung thần mua sắm" khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn

1. Mua sắm giúp bạn phục hồi cảm giác kiểm soát

Trên Tạp chí Tâm lý người tiêu dùng năm 2014, một nghiên cứu đã cho thấy mua sắm không chỉ giúp mọi người hạnh phúc hơn ngay lập tức mà còn có thể chống lại nỗi buồn kéo dài.

Nỗi buồn thường liên quan đến cảm giác rằng những tình huống xung quanh đang kiểm soát kết quả trong cuộc sống của bạn. Khi mua sắm, bạn sẽ nắm quyền lựa chọn và quyết định có nên mua món đồ này hay không. Điều đó giúp bạn khôi phục cảm giác kiểm soát cuộc sống và tự chủ cá nhân.

Một báo cáo khác vào năm 2014 của Đại học Michigan đã chỉ ra rằng việc mua những thứ bạn yêu thích có thể mang lại cảm giác kiểm soát hiệu quả tới hơn 40 lần so với việc không mua sắm. Trong nghiên cứu này, những người đưa ra quyết định mua các mặt hàng cũng đỡ buồn hơn gấp ba lần so với những người chỉ đi dạo trong cửa hàng và nhìn lướt qua.

Khi bạn cảm thấy như mọi thứ không theo ý mình, việc đạt được chính xác những gì bạn muốn - ở đây ý chỉ mua sắm một vài đồ vật - có thể giống như là một thành tích cá nhân to lớn.

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 2.

2. Các giác quan được kích thích khiến chúng ta dễ dàng "được xao nhãng" khỏi các lo lắng

Mua sắm kích thích tất cả giác quan. Mùi của những món đồ mới. Gian hàng trưng bày ngập tràn ánh nắng. Hay những bộ quần áo được sắp xếp kết hợp màu sắc hài hoà với nhau. Tất cả tạo ra một trải nghiệm được cảm nhận bởi tất cả các giác quan, mang tính giàu trí tưởng tượng. Nó giúp chúng ta biến mất trong thực tế của chính mình, dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Mua sắm và sự kích thích giác quan của nó giúp bạn hình dung ra những kết quả tích cực. Nó giống như cách vận động viên tự động viên mình trước các cuộc thi. Họ cũng phát hiện ra rằng khi dùng trực quan hoá hoặc hình dung ra những kết quả tích cực sẽ giúp giảm lo lắng và thi đấu tốt hơn.

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 3.

3. Dopamine được giải phóng ngay cả trước khi bạn quẹt thẻ mua sắm

Chắc hẳn không ít người có giỏ hàng ở các trang thương mại điện tử đã hiện con số "99+". Chỉ cho sản phẩm vào và ngắm nghía chứ không quyết định mua sắm - cảm xúc đằng sau dẫn đến hành động đó đã có thể tác động tích cực đến tâm trạng của bạn.

Về cơ bản, những hình dung như bạn sẽ mua món đồ đó khi có lương hay tự thưởng cho bản thân trong dịp đặc biệt nào đó sẽ giúp cơ thể giải phóng dopamine. Đây là dẫn truyền thần kinh hormone trong não khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Dopamine làm tăng mong muốn tiếp tục tìm kiếm những thứ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Do đó, mua sắm là một lựa chọn được yêu thích mỗi khi bạn cần "up mood".

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 4.

Sẽ ra sao khi mua sắm sẽ trở thành "một mớ rắc rối"

Tất nhiên, ai cũng muốn đảm bảo rằng mình không mua sắm quá mức. Tuy nhiên, không ít người đã hình thành thói quen mua sắm thiếu kiểm soát ngay cả khi tâm trạng bình thường - không vui cũng chẳng buồn. Trường hợp nghiêm trọng hơn là cảm xúc của bạn phụ thuộc vào nó và trở nên nghiện.

Nghiện mua sắm còn có nhiều tên gọi khác như chứng cuồng loạn, rối loạn cưỡng chế mua sắm (CBD) hay rối loạn mua sắm (BSD). Tình trạng này đã tăng lên đáng kể ở các nền kinh tế phát triển và thông qua sự phát triển của mua sắm trực tuyến. Họ có những thời gian mua sắm quá thường xuyên hoặc cảm giác bị thúc giục phải mua hàng quá mức. Hành vi này có liên quan đến cảm giác vô giá trị cùng với việc thiếu quyền lực.

Một vấn đề khác liên quan đến tiền bạc, đó là mua sắm có thể làm giảm căng thẳng, nhưng nó cũng có thể khiến ví của bạn "nhẹ đi". Điều này đặc biệt xảy ra khi bạn sử dụng thẻ tín dụng hoặc các phương thức thanh toán trực tuyến.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai hình thức thanh toán này sẽ khiến bạn không biết được mình đã thực sự chi tiêu bao nhiêu tiền. Bởi vì bạn chỉ quẹt thẻ rồi lại tiếp tục quẹt thẻ mà không cần nhìn vào số dư tài khoản. Hoặc chỉ với 3 giây nhập mật khẩu và khoản mua sắm trực tuyến đã ngay lập tức thanh toán thành công.

Trong khi đó, sử dụng tiền mặt sẽ giúp bạn có cảm nhận trực quan là mình đang thực sự chi tiêu. Bạn có thể nhìn thấy số tiền của mình mất đi khi một giao dịch mua sắm được thực hiện.

Thực hiện lặp đi lặp lại một hành động sẽ dễ dàng trở thành một thói quen. Giống như lúc buồn bạn cần ăn đồ ngọt để cảm thấy hạnh phúc hơn. Sau đó, nếu liên tục làm vậy trong khoảng thời gian dài, bạn sẽ trở nên thừa cân. Mua sắm quá đà cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến cảm xúc lẫn chất lượng cuộc sống của bạn.

Vấn đề ở đây chính là tài chính của bạn sẽ bị đe doạ và nó khiến bạn áp lực hơn. Thay vì là một liệu pháp trị liệu hiệu quả, nó có thể khiến bạn gặp thêm nhiều rắc rối hơn. Khi những lần chi tiêu không kế hoạch tiếp diễn , có thể sẽ dẫn bạn đến tình trạng nợ nần chỉ vì mua sắm cho vui!

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 5.

Làm thế nào để "hung thần mua sắm" trở thành "thần đồng mua sắm"?

Không có gì phải xấu hổ khi sử dụng liệu pháp mua sắm để thỉnh thoảng đối phó với căng thẳng hoặc buồn bã. Nhưng nếu bạn biết mình có xu hướng đi mua sắm khi có một ngày tồi tệ, hãy ghi nhớ những mẹo này có thể giúp bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc.

1. Bám sát vào ngân sách của bạn

Hầu hết mọi người sẽ coi bội chi và nợ là những hậu quả tiêu cực chính của mua sắm.

Để tránh nguy cơ này, hãy lập ngân sách cho chi tiêu của bạn. Dành ra một số tiền để sử dụng cho việc quỹ "mua sắm để vui vẻ" hơn mỗi tháng. Sau đó luôn chi tiêu trong mức giới hạn đó.

Nếu bạn muốn mua sắm khi đã đạt đến giới hạn chi tiêu của mình, hãy lập một kế hoạch để tiết kiệm cho những thứ bạn muốn. Tiết kiệm cho một món đồ mong muốn cũng có thể khiến bạn cảm thấy mình có ý nghĩa và đang kiểm soát được cuộc sống. Đồng thời nó hỗ trợ bạn kiềm chế khi muốn mua sắm.

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 6.

2. Mua sắm những thứ bạn thực sự cần

Nếu bạn biết mua sắm giúp bản thân cảm thấy tốt hơn, hãy sử dụng các chuyến đi này để mua những gì bạn thật sự cần. Nó có thể là đồ gia dụng, đồ dùng vệ sinh cá nhân hay thức ăn cho một tuần.

Chắc chắn, mua sắm hàng tạp hóa không phải lúc nào cũng là nhiệm vụ thú vị nhất. Tuy nhiên, thay vì đi đến siêu thị hay cửa hàng quen thuộc, bạn có thể cho những địa điểm mới một cơ hội. Bạn có thể nhận được những trải nghiệm "hay ho" không ngờ đến.

Chỉ cần đến cửa hàng và xem các mặt hàng (cho dù bạn có định mua hay không) có thể mang lại những lợi ích tương tự như các hình thức mua sắm khác. Bạn thậm chí có thể tìm thấy một sản phẩm mới hữu ích và muốn dùng thử.

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 7.

3. Tập cân nhắc trước khi mua bất kỳ món đồ nào

Nếu bạn lo lắng về việc mua quá nhiều thứ khi cảm thấy chán nản, hãy dành cho mình một khoảng thời gian chờ đợi ngắn hạn - có thể là một hoặc hai ngày - trước khi mua hàng. Điều này sẽ giúp bạn chắc chắn rằng mình thực sự muốn món đồ đó.

Như đã đề cập ở trên, việc bạn mua sắm và dành thời gian tìm kiếm các sản phẩm cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn ngay lập tức. Cho nên nếu bạn vẫn muốn món đồ đó khi tâm trạng tốt hơn và ngày hôm sau, hãy quay lại và lấy nó.

Ngoài ra, có một chiến lược trong mua sắm gọi là quy tắc 7 ngày. Tức là bất kỳ khi nào bạn muốn mua thứ gì đó, hãy chờ! Cho bản thân 7 ngày để đưa ra quyết định trước khi mua sắm. Thông thường với những món đồ không thật sự cần thiết, bạn sẽ cảm thấy không cần mua nó nữa. Nó giúp bạn kỷ luật hơn trong chi tiêu.

Vì sao cứ buồn là lại muốn mua sắm? Có cách nào để tiền không đội nón ra đi mỗi lần tụt mood không? - Ảnh 8.

4. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân yêu của bạn

Nếu bạn cho rằng mình cần giúp đỡ, hãy liên hệ với bạn đời, thành viên gia đình hoặc một người bạn đáng tin cậy để được giúp đỡ.

Họ có thể giữ thẻ tín dụng hộ trong trường hợp bạn đang chi tiêu quá tay đến mức nợ thẻ tín dụng. Hoặc đi cùng bạn đến trung tâm mua sắm và đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp bạn không bị cám dỗ mua sắm lớn.

Thật ra chúng ta sẽ có những người bạn luôn ủng hộ các quyết định mua sắm điên rồ. Nhưng khi thật sự cần giúp đỡ, họ luôn là những người giúp bạn kiểm soát bản thân tốt nhất, có thể bằng cách "mắng yêu" bạn!

Ngoài ra, bạn có thể nhờ người thân lên kế hoạch và theo dõi các khoản chi tiêu của mình. Nhờ ai đó phụ trách chi tiêu của bạn cho đến khi bạn kiểm soát được.

Ảnh: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại