Chị kế toán chưa thông báo gì về lương thưởng cuối năm mà phải mua sắm chuẩn bị cho nguyên cái Tết, làm sao đây?

THANH PHÚ |

Vấn đề nan giải muôn thuở mỗi năm Tết đến xuân về.

Cứ mỗi dịp cuối năm ví tiền của các chị em lại trở nên eo hẹp hơn bao giờ hết vì có hàng trăm thứ phải mua sắm: nào quần áo Tết, đồ gia dụng, trang trí gia đình... Tiền lương thưởng thì vẫn chưa thấy về nhưng nếu không mua sắm thì không kịp ăn Tết. Vậy làm thế nào để có thể chi tiêu một cách hợp lý nhất? Hãy cùng thử qua những cách dưới đây.

Lập sẵn danh sách sản phẩm cần mua sắm

Bạn biết đấy, có hàng trăm thứ cần được thay thế, mua mới sau một năm dài sử dụng. Vì vậy để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, bạn cần phải liệt kê ra sẵn những món đồ cần mua. Từ những vật dụng cần thiết nhất đến những thứ dự trù theo thứ tự ưu tiên. Việc này không chỉ giúp các bạn tiết kiệm thời gian mà còn hạn chế việc "thấy gì cũng muốn mua".

Chị kế toán chưa thông báo gì về lương thưởng cuối năm mà phải mua sắm chuẩn bị cho nguyên cái Tết, làm sao đây? - Ảnh 1.

Lập danh sách sẵn để tránh bị "cháy túi"

Bên cạnh đó, nó cũng giúp bạn xác định được những nơi cần đến mua. Nếu cứ dạo hết gian hàng này đến gian hàng khác rất có khả năng bạn bị kích thích “hứng” mua sắm. Và kết quả là giỏ hàng đầy những món đồ không có trong danh sách. Thực tế, điều này vừa khiến căn nhà trở nên chật hẹp vừa làm bạn "cháy túi" chỉ trong một buổi.

Chỉ đem số tiền vừa đủ cho những khoản dự trù từ trước

Sau bước lập danh sách ở trên, các bạn cần ước tính giá tiền trung bình của những món đồ và đặt ra một mức chi tiêu nhất định. Một điều tưởng dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Đa số các bà nội trợ có thói quen nhận lương bao nhiêu là cầm theo cả ví tiền bao gồm tiền mặt và thẻ tín dụng. Điều đó vô tình làm cho chúng ta "vung tay quá trán" khi mua sắm.

Tuy nhiên, cách này cũng thường "thất bại" với nhiều chị em do có sự chênh lệch giữa giá tiền dự trù và giá thực tế. Vì vậy, cách để vẹn toàn cả đôi đường là không nên đem theo quá nhiều tiền nhé!

Không mua quá nhiều đồ dự trữ

Nhiều gia đình có tục lệ kiêng "ra tiền" vào 3 mồng Tết, do đó hình thành thói quen mua thật nhiều đồ để tránh tình trạng cạn kiệt. Tuy nhiên, 3 ngày cũng không phải là một khoảng thời gian quá dài, các bà nội trợ không cần quá lo lắng về vấn đề này. Bên cạnh đó, đồ ăn thức uống để lâu cũng sẽ không giữ được vị tươi mới, giảm bớt chất dinh dưỡng.

Chị kế toán chưa thông báo gì về lương thưởng cuối năm mà phải mua sắm chuẩn bị cho nguyên cái Tết, làm sao đây? - Ảnh 3.

Mua trải ra nhiều đợt để tránh việc chen chúc, xếp hàng dài

Thay vào đó, các bạn nên mua trải ra nhiều đợt để tránh việc chen chúc, xếp hàng dài chờ đợi tính tiền đến mệt mỏi, các kệ hàng cũng không phải lúc nào cũng có thứ mình cần. Đặc biệt, tiền lương thưởng cũng thường được trả theo từng đợt, vì vậy cách chi tiêu này có thể phù hợp với tình hình tài chính thực tế hơn.

Tận dụng các đợt khuyến mãi trước Tết

Để thúc đẩy lượng mua sắm cuối năm, nhiều gian hàng đều tung ra những chương trình giảm giá sốc từ 20% đến 50%, 70%. Các bà nội trợ nên tận dụng các đợt khuyến mãi này. Thời đại mua sắm phát triển, ngoài việc trực tiếp mua sắm, chị em cũng có thể săn sale ngay trên điện thoại của mình.

Chị kế toán chưa thông báo gì về lương thưởng cuối năm mà phải mua sắm chuẩn bị cho nguyên cái Tết, làm sao đây? - Ảnh 4.

Tận dụng nhưng không chìm đắm vào khuyến mãi

Nhưng cũng đừng chìm đắm quá nhiều vào việc săn hàng khuyến mãi. Chúng ta cũng nên cân nhắc kỹ tới việc mua đồ diện Tết. Nhiều gia đình Việt Nam ngày càng có quan điểm hiện đại, Tết là dịp để gia đình sum họp chứ không phải là dịp để ăn diện và vui chơi thả ga.

Ăn tiêu ngày Tết sao cho hợp lý là một điều không dễ, nhưng nếu tuân thủ những điều này, có lẽ bạn sẽ có một cái Tết vừa đầy đủ vừa tiết kiệm đấy!

Ảnh: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại